'Chưa bao giờ lãi suất cho vay thấp như hiện nay'
Đây là khẳng định của đại diện Agribank khi lãi suất cho vay hiện giảm về mức như trước dịch Covid-19, thấp nhất chưa từng có. Tuy nhiên, để nguồn vốn chảy vào nền kinh tế vẫn là bài toán mà ngành ngân hàng đang nỗ lực tìm lời giải.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM cho biết trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lãi suất cho vay đã hạ nhiệt, các doanh nghiệp đã được tiếp xúc với mức lãi suất thấp hơn, phổ biến là 5 - 9%/năm.
Cũng theo ông Lệnh, hiện nay, chính sách tín dụng của NHNN đã và đang tác động đến toàn bộ các doanh nghiệp trong vai trò hỗ trợ theo hai xu hướng tích cực.
Đối với doanh nghiệp còn khó khăn là việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay cũ.
Đối với doanh nghiệp hoạt động tốt là việc hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, về lãi suất giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, mở rộng và tăng trưởng.
"Quá trình này có ý nghĩa đặc biệt đối với nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế gồm xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao", Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM nhấn mạnh.
Ngân hàng tập trung khai thác mùa vụ cuối năm
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm và trong năm 2024, ngoài việc tiếp tục các cơ chế chính sách hỗ trợ cho các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, ông Lệnh cho rằng rất cần các giải pháp, các chương trình hành động cụ thể về kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng.
Ông Lệnh chia sẻ, tại TP HCM đã thực hiện được 30 hội nghị kết nối ngân hàng doanh nghiệp tại các địa bàn quận huyện của thành phố. Giải ngân cho vay với số tiền đạt 581.000 tỷ đồng cho gần 180.000 khách hàng, bằng 111,7% so với gói tín dụng ưu đãi các tổ chức tín dụng đăng ký theo kế hoạch năm, với quy mô gói là 520.000 tỷ đồng.
Hiện khu vực TP HCM đang áp dụng lãi suất 4-6% cho các doanh nghiệp sản xuất, đơn vị phân phối hàng tiêu dùng cuối năm, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM thông tin.
"Phía ngân hàng đã và đang nỗ lực thực thi khơi thông tín dụng cho nền kinh tế. Tuy vậy, tín dụng vẫn tăng trưởng chậm, đến thời điểm hiện tại cả nước khoảng 7,4% còn riêng TP HCM là 5%", Đại diện NHNN thừa nhận và cho hay nguyên nhân chính chủ yếu là môi trường kinh tế thấp, hấp thụ vốn thấp.
Theo lãnh đạo NHNN chi nhánh TP HCM, tín dụng tiêu dùng chỉ tăng 1,36% trong khi tín dụng chung là 3,6%. Cho vay mua nhà để ở giảm 0,3 điểm%, điều này theo ông Lệnh phản ánh rõ thu nhập của khách hàng giảm.
Đại diện NHNN cho biết từ nay đến cuối năm ngành ngân hàng tiếp tục đưa các giải pháp khơi thông tín dụng như giảm thời gian duyệt hồ sơ, hỗ trợ khách hàng vay vốn… để kích thích tăng trưởng, đặc biệt sẽ tập trung khai thác tính chất mùa vụ khi nhu cầu vốn tăng cao.
Ông cũng cho hay, từ nay đến cuối năm, để kích thích tăng trưởng, trong ngắn hạn, ngân hàng sẽ tập trung khai thác tính chất mùa vụ dịp Tết nhu cầu vốn tăng cao. Đảm bảo nhu cầu vốn dịp Tết, cho vay ngắn hạn doanh nghiệp giúp doanh nghiệp giảm giá thành khoảng 9.000 tỷ đồng qua kênh phân phối tiếp cận nguồn vốn giá rẻ
"Chúng ta cần có niềm tin, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư tốt, niềm tin của người dân vẫn còn. Ngành ngân hàng thực thi và triển khai chính sách, doanh nghiệp cũng cần làm tốt thì sẽ khơi thông được dòng vốn", ông Lệnh chia sẻ.
'Ngân hàng huy động về là để cho vay chứ không để đó'
Từ góc độ ngân hàng thương mại, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank cho hay ngân hàng đã nỗ lực thực thi các yêu cầu của cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp SMEs - nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông cho rằng thanh khoản chính là tài chính của doanh nghiệp. Việc thanh khoản tốt sẽ khơi thông dòng tiền trên thị trường - điều này rất quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng ban Chính sách tín dụng Agribank, nhận định với tình hình kinh tế thế giới hiện tại, Chính phủ đã hết sức quyết liệt, khẩn trương cùng các bộ ngành vào cuộc cùng các định hướng, động lực tăng trưởng đặt ra.
"Chưa có lúc nào lãi suất cho vay lại thấp như lúc này. Không chỉ Agribank mà các ngân hàng khác cũng đã và đang quyết liệt thực hiện giảm lãi suất", ông Bách nói.
Đại diện Agribank cho biết từ đầu năm ngân hàng đã 7 lần giảm lãi suất cho vay. Theo đó, sàn lãi suất cho vay ngắn hạn giảm từ 1,3 - 4%/năm tùy từng lĩnh vực. Sàn lãi suất cho vay trung dài hạn giảm từ 0,3 - 1,5%/năm. Lãi suất cho vay của Agribank hiện tại thuộc nhóm thấp trên thị trường, bằng mức trước thời điểm dịch Covid-19 diễn ra.
Theo lãnh đạo Agribank, ngân hàng xác định luôn đồng hành với khách hàng. Ngân hàng huy động về là để cho vay chứ không để đó. Các doanh nghiệp không bán được hàng có thể không nhận đầu vào nhưng với ngân hàng thương mại không giải ngân ra được nhưng khách hàng đến gửi tiền vẫn phải nhận.
"Ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Tăng trưởng tín dụng hạn chế nhưng nguồn đầu vào vẫn phải nhận không thể từ chối được", ông Bách chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận