Chủ vườn lan đột biến bị tố ôm trăm tỷ bỏ trốn: “Bong bóng” vỡ?
Dù không có việc chủ vườn lan Hà Thanh ôm 200 tỷ đồng bỏ trốn nhưng đã xuất hiện dấu hiệu lừa đảo của vụ mua bán, chuyển nhượng lan đột biến. Liệu đây có là dấu hiệu cho việc “bong bóng” lan đột biến vỡ, sự việc này có là viên gạch đầu tiên trong chuỗi Domino làm thị trường lan sụp đổ?
200 tỷ đồng, 250 tỷ đồng, thậm chí 1400 tỷ đồng…là số tiền các cuộc giao dịch, mua bán, chuyển nhượng lan đột biến (lan Var) xuất hiện rầm rộ trên mạng xã hội tạo nên những “cơn sốt” khủng khiếp khiến thị trường lan bị xáo trộn. Từ đây, xuất hiện không ít đối tượng lừa đảo, cố tình bán sai cây giống để trục lợi dẫn đến chuỗi domino vỡ nợ dây chuyền, phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật.
Mới đây, vụ việc chủ vườn lan Hà Thanh tiếp tục là một gáo nước lạnh làm thức tỉnh những người vẫn u mê với các con số chuyển nhượng lan đột biến hàng tỷ, chục tỷ thậm chí hàng trăm tỷ đồng kéo dài gần 2 năm qua.
Chủ vườn lan Hà Thanh (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) được đồn thổi đã ôm hàng trăm tỷ bỏ trốn đã được cơ quan chức năng làm rõ. Theo đó, không có việc “ôm hàng trăm tỷ bỏ trốn” như tin đồn, không có việc số tiền giao dịch lên tới 700 tỷ đồng như thông tin trên mạng xã hội. Nhưng vụ việc có dấu hiệu Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bởi chủ vườn lan Hà Thanh được cho rằng cũng là nạn nhân của vụ mua bán, chuyển nhượng lan đột biến. Chủ vườn lan này hợp tác với một người đàn ông ở Hoài Đức (Hà Nội) về việc cung cấp lan đột biến. Sau đó, bán lan đột biến cho người này cung cấp nhưng khách mua phản hồi không phải lan đột biến và quay lại bắt đền. Dù chủ vườn này đã bán nhiều tài sản để đền bù cho khách nhưng không đủ nên phải tạm lánh mặt. Thực tế một số người đã đến cơ quan trình báo việc đưa tiền lên đến 11 tỷ đồng cho chủ vườn lan Hà Thanh để mua bán lan đột biến nhưng ngày giao cây, không liên lạc được với chủ vườn lan.
Dù sự việc trên hiện đang được cơ quan công an điều tra làm rõ. Tuy nhiên, vụ việc trên cho thấy dấu hiệu rất rõ của việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một số đối tượng lợi dụng cơn sốt lan đột biến để bán lan giả hưởng lợi. Ngay chủ vườn lan Ha Thanh cũng phải bán tài sản để đền bù cho khách đến không đủ, đứng trước nguy cơ vỡ nợ là minh chứng cho thấy, không chỉ là dấu hiệu cảnh báo.
Trước đó cũng có nhiều vụ việc lợi dụng “cơn sốt” của thị trường lan đột biến để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được công an các địa phương làm rõ. Điển hình là vụ việc cuối năm 2020, Công an huyện Tân Sơn, Phú Thọ đã khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới 3 tỷ đồng. Các đối tượng sử dụng phương thức tinh vi là tách lan đột biến thật gắn vào gốc lan Phi Điệp thường bằng keo và chiếm đoạt tiền của nhiều người.
Hay như vụ việc mới đây, Công an huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình đã khởi tố, bắt tạm giam 1 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn thông qua việc bán lan trên mạng xã hội, lừa đảo bán lan đột biến giả cho nhiều người với số tiền 4,6 tỷ đồng…
Không ít người phải đặt câu hỏi: Liệu đây có là dấu hiệu cho việc bong bóng lan đột biến vỡ, sự việc này có là viên gạch đầu tiên trong chuỗi domino làm thị trường lan sụp đổ?
Gần 2 năm trở lại đây, bất chấp việc các cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo tình trạng giao dịch lan đột biến với giá tiền tỷ, nhiều người mong muốn kiếm lời dễ dàng, đổi đời trong chớp mắt đã như “con thiêu thân” cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng, thậm chí huy động “tín dụng đen” để đầu tư vào thị trường này.
Đáng chú ý, không ít người vì lan đột biến mà đột quỵ kinh tế khi tham rẻ, mua lan từ những mối quan hệ xa lạ, các mối trung gian, thậm chí qua mạng xã hội. Trong khi đến thời điểm hiện tại giá trị thực của lan đột biến không được kiểm chứng. Xét cho cùng chơi lan cũng chỉ là một thú vui dù có là lan đột biến quý hiếm cũng chỉ “sớm nở tối tàn”. Khó ai có thể tin rằng, giá trị thực của một kie lan lại có giá đắt hơn cả một kg vàng như vậy. Có chăng chỉ là sự siêu thổi giá của một nhóm người dựa trên nền tảng mạng xã hội nhằm những mục đích không trong sáng.
Trong khi đó, các cuộc giao dịch mua, bán, trao đổi cây lan đột biến gen với giá vài chục triệu đến hàng chục tỷ đồng thường rất mập mờ; hoa lan được định giá tự do, không có cơ sở pháp lý, không có sự kiểm soát của cơ quan nhà nước. Do đó đã tạo nên “bong bóng đầu tư” dễ phát sinh lừa đảo, tranh chấp, có dấu hiệu biến tướng theo mô hình đa cấp trái pháp luật, gây mất ổn định xã hội.
“Bong bóng” của thị trường lan đột biến đã bắt đầu vỡ từ những vụ lừa đảo được phanh phui. Nhưng cũng đặt ra việc các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra. Bởi không sớm ngăn chặn sẽ dẫn đến tình trạng vỡ “bong bóng” trên, kéo theo vỡ nợ dây chuyền, phát sinh các vi phạm từ hoạt động tín dụng đen, nảy sinh những hệ luỵ gây bất ổn xã hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận