menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Kiều Trang

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: EVFTA là trợ lực ý nghĩa giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19

EVFTA có thể là một lực hấp dẫn quan trọng để thu hút các khách hàng EU sau thời gian đỉnh dịch.

"Cứu cánh" trong phát triển kinh tế

Hội thảo trực tuyến: "Hành trình 1 năm Hiệp định EVFTA - Khởi đầu thuận lợi và những bước tiếp theo" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phối hợp tổ chức đã diễn ra sáng 27/8.

Tại hội thảo, Chủ tịch VCCI TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, với các cam kết có mức độ tự do hóa sâu rộng, các tiêu chuẩn cao về quy tắc, thể chế và với phạm vi bao trùm nhiều lĩnh vực truyền thống và phi truyền thống, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mang theo rất nhiều kỳ vọng của doanh nghiệp về quan hệ thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) nói chung cũng như cơ hội cho từng doanh nghiệp nói riêng.

Đó là những kỳ vọng đặc biệt với FTA đầu tiên, con đường cao tốc hai chiều đầu tiên cho xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU. Điều này rất có ý nghĩa bởi hầu như tất cả các FTA trong một thập kỷ trở lại đây của Việt Nam đều là với các đối tác mà trước đó Việt Nam đã có FTA, do đó lợi ích về xuất nhập khẩu chỉ tăng thêm.

EVFTA cho phép Việt Nam kết nối trực tiếp cùng lúc với 27 nền kinh tế thành viên của khu vực kinh tế đứng tốp đầu thế giới. Thị trường chỉ chưa đầy 500 triệu dân của 27 nước EU có sức mua lớn thứ hai toàn cầu và cũng là khách hàng lớn thứ hai, thứ ba liên tục nhiều năm của xuất khẩu Việt Nam.

Về phần mình, thị trường Việt Nam với 98 triệu dân và một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, cũng có nhu cầu rất cao về nguồn đầu vào cho sản xuất cũng như các sản phẩm tiêu dùng chất lượng tốt từ EU.

Trong gần 400 ngày vừa qua, kể từ khi có hiệu lực ngày 1/8/2020, EVFTA đã cho thấy những đóng góp có ý nghĩa như một "cứu cánh" trong phát triển kinh tế giữa hai bên, cho sự tăng trưởng của Việt Nam và những thay đổi trong quan hệ xuất nhập khẩu song phương là minh chứng điển hình.

Trong 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tụt dốc liên tục, với mức giảm 5,9% so với cùng kỳ 2019, cùng mức sụt giảm nhu cầu ở EU trong các giai đoạn đóng cửa kinh tế do dịch bệnh.

Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc nhận thấy, tình thế hoàn toàn thay đổi trong 5 tháng cuối năm 2020, trong khi tổng nhập khẩu của EU từ thế giới vẫn sụt giảm tới 20%, nhập khẩu từ Việt Nam sang thị trường này lại tăng 3,8%. Nửa đầu năm 2021, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU vẫn tăng liên tục và ổn định, ở mức 18,3% so với cùng kỳ, đặc biệt là sự bứt phá của nhóm hàng nông sản.

Ở chiều ngược lại, EVFTA cũng thúc đẩy mạnh mẽ nhập khẩu từ EU vào Việt Nam, với các sản phẩm như linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị… là thế mạnh của EU và cũng là nguồn đầu vào quan trọng cho Việt Nam. Nếu như năm 2020, nhập khẩu từ EU của Việt Nam tăng 4,3% (cao hơn mức 3,7% tăng trưởng nhập khẩu từ tất cả các nguồn) thì 6 tháng đầu năm 2021, con số này là 19,8%.

Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA của Việt Nam cũng đạt được mức cao nhất so với năm đầu thực thi của bất kỳ FTA nào khác.

Theo Bộ Công Thương, 5 tháng cuối năm 2020, tỷ lệ này là 14,8% (quan sát của VCCI cho thấy, tỷ lệ này gấp 2 lần tỷ lệ sử dụng Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); gấp 7 lần Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA); gấp 2 lần tỷ lệ tận dụng các thị trường mới của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong năm đầu). Nửa đầu năm 2021, tỷ lệ này đã tăng lên tới mức 29%.

Về đầu tư, với những cam kết về quản trị minh bạch từ Hiệp định EVFTA và những cam kết tạo môi trường thương mại đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của hai bên, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư có chất lượng và được học hỏi, hấp thụ khoa học và công nghệ tiên tiến từ EU, tạo ra những giá trị và lợi ích cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của cả hai bên.

Tính đến tháng 6 năm 2021, EU có 2.221 dự án (tăng 142 dự án so với cùng kỳ năm 2020) từ 26/27 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam với vốn đầu tư đăng ký đạt 22,216 tỷ USD (tăng 449 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020).

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: EVFTA là trợ lực ý nghĩa giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19
​ EVFTA thúc đẩy mạnh mẽ nhập khẩu từ EU vào Việt Nam, với các sản phẩm như linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị… (Nguồn: Tạp chí Tài chính)

Trợ lực ý nghĩa cho doanh nghiệp

Tuy nhiên, TS. Vũ Tiến Lộc nhận định, sau những thành công bước đầu hết sức khả quan và tích cực trong thực thi EVFTA, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới khó khăn hơn, thách thức hơn dưới áp lực chưa từng có của dịch bệnh.

Từ góc độ sản xuất, dịch bệnh khiến chuỗi sản xuất bị đứt gãy nghiêm trọng, từ việc thiếu lao động, đến phải ngừng sản xuất do không đáp ứng được điều kiện làm việc trong giãn cách, từ việc thiếu hụt nguồn đầu vào đến việc không thể giải phóng nguồn đầu ra do ách tắc trong khâu vận chuyển liên tỉnh.

Ở các khu vực tâm dịch, đa số các doanh nghiệp không có khả năng đáp ứng được các điều kiện để tiếp tục sản xuất. Ví dụ ở TP. Hồ Chí Minh, 90% doanh nghiệp chế biến gỗ và đồ mỹ nghệ thuộc Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh phải ngừng sản xuất.

Ở Cần Thơ, 9.800/10.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Ở 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thủ phủ chế biến thủy sản xuất khẩu, mặc dù chỉ có 35% cơ sở (123/449) phải tạm dừng sản xuất hoàn toàn, số vẫn tiếp tục hoạt động cũng chỉ duy trì được khoảng 30%-40% công suất so với thông thường do thiếu nhân công và yêu cầu chia ca kíp.

Ở nhiều tỉnh phía Nam, nông dân không thể ra đồng trong khi nhiều loại nông sản đang vào vụ thu hoạch chính, nguồn cung cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu nông sản cùng vì vậy bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: "Với các doanh nghiệp xuất khẩu, không chỉ đầu vào và sản xuất gặp rủi ro, đầu ra cũng cực kỳ phức tạp khi đơn hàng không thể xuất theo kế hoạch, vận tải đường bộ chậm trễ do các thủ tục kiểm soát dịch bệnh, cảng xuất ách tắc do không thể vận hành bình thường, tình trạng thiếu container rỗng vẫn diễn biến nghiêm trọng và chi phí logistics tăng phi mã.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những hệ lụy chưa thể lường hết được trong tương lai, khi dịch đã đi qua. Liệu những đơn hàng mà hiện vì dịch bệnh mà doanh nghiệp không thể đáp ứng, khách hàng chuyển sang mua từ các nước khác, có quay trở lại với Việt Nam sau đó?

Liệu nguồn nguyên liệu đầu vào có khôi phục lại khi mà nhiều nông dân, người nuôi trồng thủy sản có thể vì những thiệt hại hiện tại mà không thể tiếp tục tái đàn, xuống giống, thả nuôi cho mùa tới? Liệu một lượng đáng kể người lao động đã rời tâm dịch về quê có trở lại để tái khởi động sản xuất?"

Để xử lý tất cả những nguy cơ cả hiện hữu và trong tương lai, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần rất rất nhiều giải pháp từ cả chính sách của Nhà nước và chiến lược riêng của doanh nghiệp. Trong các giải pháp đó, EVFTA có thể đóng góp và là một trợ lực ý nghĩa cho doanh nghiệp trong các nỗ lực vượt qua dịch bệnh để tiếp tục kinh doanh trong thời gian tới nếu khai thác hiệu quả các khía cạnh thích hợp.

Ví dụ với lợi thế về thuế quan, EVFTA có thể là một lực hấp dẫn quan trọng để thu hút các khách hàng EU quay trở lại với Việt Nam sau thời gian đỉnh dịch. EVFTA mang đến cho Việt Nam lợi thế cực kỳ đáng kể trong cạnh tranh với các đối thủ khác ở thị trường EU.

Hiện tại ngoài Việt Nam, EU mới chỉ có FTA với 3 nền kinh tế ở châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, trong đó không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp nào với Việt Nam.

TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định: "Nếu xuất khẩu sang EU qua EVFTA có thể giữ được nhờ lợi thế giá, đặc biệt trong lĩnh vực nông thủy sản, tiềm năng lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu sẽ là động lực để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất sau dịch, thu hút người lao động trở lại cũng như thúc đẩy khôi phục nguồn nguyên liệu.

Cũng như vậy, các lợi thế từ thuế quan trong nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ, nguyên phụ liệu cho sản xuất từ EU theo EVFTA có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, đồng thời tăng năng suất lao động, cải thiện hiệu quả cạnh tranh khi một lần nữa trở lại đường đua".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại