Chủ tịch VARS: Thị trường BĐS gần như không tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng
TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam khẳng định, thị trường BĐS gần như không tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng để phát triển.
Cụ thể, thống kê của VARS quý IV-2022 cho thấy, nguồn cung BĐS đang có xu hướng giảm rõ rệt. Nguồn cung ra thị trường đạt khoảng gần 7.000 sản phẩm, chỉ bằng 20% so với năm 2018.
Cơ cấu nguồn cung trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực. Tỷ lệ hấp thụ trong quý IV-2022 chỉ đạt khoảng hơn 14%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm.
Thống kê sơ bộ tháng 1-2023, tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường ước đạt rất nhỏ, mức thấp kỷ lục, không đáng để thống kê.
Giấc mơ an cư ngày càng xa vời bởi chính sách tín dụng từ các ngân hàng ngày càng ngặt nghèo hơn, điều kiện giải ngân khó hơn ngay với cả dự án nhà ở giá phù hợp, nhà ở xã hội. Nếu không tiếp cận được các dòng tín dụng cho vay mua nhà thì đầu ra thị trường sẽ càng đi xuống.
Hàng loạt doanh nghiệp trong hệ sinh thái BĐS phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Số còn hoạt động thì phải thu hẹp quy mô đầu tư, sản xuất kinh doanh, cắt giảm bộ máy nhân sự khiến hàng triệu lao động thất nghiệp.
Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, số thu thuế, phí từ BĐS đang có dấu hiệu chững lại và sụt giảm qua các tháng gần đây. Không chỉ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng BĐS giảm, mà thu lệ phí trước bạ từ nhà đất cũng đang sụt giảm mạnh.
Các doanh nghiệp BĐS ghi nhận doanh thu sụt giảm vì lãi suất, chi phí tiếp cận tài chính tăng cao, không bán được hàng. Trong khi đó, Việt Nam hiện chưa có hoặc chưa phát triển các kênh dẫn vốn khác như quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REITS), quỹ nhà ở... nên hệ thống vay của các nhà phát triển bất động sản gần như vẫn bị phụ thuộc hoàn toàn vào tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp, mà cả hai kênh dẫn vốn quan trọng này đều đang bị "nghẽn”.
Điều này dẫn đến thị trường BĐS không có vốn để tiếp tục phát triển, không có tiền để thanh toán cho nhà thầu. Đóng vai trò cộng sinh với các ngân hàng thương mại, việc các doanh nghiệp BĐS, nhất là số có phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có nguy cơ bị nợ xấu và phá sản do không có tiền để thanh toán các khoản lãi vay và vốn đến hạn có thể tạo rủi ro và nguy cơ đổ vỡ cho hệ thống ngân hàng thương mại...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận