menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Tywin Lannister

Chủ tịch VACC chỉ ra 2 nguyên nhân khi “có tiền mà không tiêu được”

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, các nhà thầu xây dựng - lực lượng cuối cùng sử dụng vốn đầu tư công đang khó chồng khó khi bị thiếu hụt định mức, đơn giá so với thực tế.

Tại hội thảo chuyên đề 3 về “Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 diễn ra sáng 17/12, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) nhắc lại vấn đề nguồn vốn đầu tư công luôn sẵn sàng, song kết quả giải ngân lại không đạt yêu cầu.

Theo số liệu thống kê của Bộ KH&ĐT tính đến 30/11/2022 giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước là 338.000 tỷ đồng, chỉ đạt 58,33% kế hoạch năm mặc dù kế hoạch được chuẩn bị là 550.000 tỷ đồng.

“Đây thật sự là một vấn đề đáng ngạc nhiên, có tiền mà không tiêu được? Tại sao lại như vậy?”, ông Hiệp đặt câu hỏi.

2 nguyên nhân chính

Dưới góc độ của VACC, ông Hiệp cho rằng nguyên nhân có từ 2 góc độ. Thứ nhất, thủ tục đầu tư và thanh quyết toán của các dự án còn có một số vấn đề cần khắc phục, tháo gỡ.

“Có thể nói hiện nay chúng ta bước vào giai đoạn 2 của các gói thầu hạ tầng kỹ thuật với nhiều nét mới với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ nên các cơ chế thủ tục đầu tư đã được cải thiện khá nhiều, mặc dù đây đó vẫn còn những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu, thủ tục đầu tư...”, ông Hiệp nói.

Trước đó, để rút ngắn thời gian và các thủ tục đấu thầu, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT chủ trì cơ chế chỉ định thầu cho các gói thầu hạ tầng kỹ thuật với quy mô gói thầu khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng theo đề xuất của VACC.

Về công tác giải phóng mặt bằng và cơ chế thanh toán, theo ông Hiệp, đã có tiến bộ hơn trong thời gian gần đây nên cũng “tiết kiệm được khá nhiều thời gian cho các nhà thầu”.

Chủ tịch VACC chỉ ra 2 nguyên nhân khi “có tiền mà không tiêu được”
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC).

Tuy nhiên, hiện việc chuẩn bị hồ sơ dự án khảo sát, thiết kế dự toán... còn sơ sài chưa đảm bảo tiến độ và chất lượng nên đang là một khó khăn cho việc triển khai.

“Từ chỗ hồ sơ khảo sát thiết kế chuẩn bị dự án còn sai lệch nên trong quá trình triển khai thực hiện sẽ có thay đổi, phát sinh. Mà đã có phát sinh thì thủ tục thanh toán lại trở lên phức tạp, mất thời gian, các ban quản lý dự án, chủ đầu tư đều ngần ngại xử lý”, ông Hiệp nói và cho rằng, cần nâng cao chất lượng, đẩy nhanh hơn nữa khâu chuẩn bị dự án và có cơ chế rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của các ban quản lý dự án, chủ đầu tư trong việc ký thanh toán và xử lý phát sinh để tạo điều kiện cho các nhà thầu.

Nguyên nhân thứ 2 ông Hiệp nêu ra là liên quan trực tiếp đến các nhà thầu xây dựng – đây là lực lượng cuối cùng sử dụng vốn đầu tư công. Vì vậy nếu các nhà thầu thực hiện được khối lượng lớn tức giải ngân sẽ nhanh.

Tuy nhiên hiện các nhà thầu đang rất khó khăn, vướng mắc - đó là vấn đề đơn giá, định mức. “Hệ thống đơn giá định mức của chúng ta đang áp dụng hiện nay vẫn còn nhiều bất cập không phù hợp thực tế khiến các nhà thầu quá thua thiệt”, Chủ tịch VACC bày tỏ.

Ông cũng chỉ ra rằng, với các công tác đã có trong định mức của Bộ Xây dựng nhưng khi áp dụng đơn giá đầu vào, nhân công, máy của địa phương để lập dự toán công trình thì quá thấp so với thực tế doanh nghiệp phải chi trả.

DN cần biện pháp giải quyết rốt ráo

Trước tình hình đó, VACC đã kiến nghị với Thủ tướng và Bộ Xây dựng về việc cần khẩn trương xây dựng bổ sung và điều chỉnh lại hệ thống đơn giá định mức xây dựng hiện nay.

Vừa qua Bộ Xây dựng đã có công văn giao Viện thiết kế xây dựng phối hợp với VACC tổ chức triển khai việc này. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị đinh 10/2021 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, các định mức này cần được lập mới trình cơ quan chuyên môn thẩm định, phê duyệt làm cơ sở xác định giá xây dựng công trình và khi triển khai áp dụng cần kiểm chứng trong thực tế để điều chỉnh bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống định mức theo quy định.

Vì vậy, ông Hiệp cho biết, việc lập mới và điều chỉnh được hệ thống định mức hiện nay sẽ mất rất nhiều thời gian (có thể hàng năm) nên trong giai đoạn lập hồ sơ thiết kế, dự toán và thi công hiện nay sẽ rất khó ban hành kịp để có thể điều chỉnh.

Chủ tịch VACC chỉ ra 2 nguyên nhân khi “có tiền mà không tiêu được”
Chuyên đề 3 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam sáng 17/12 (Ảnh: Lan Anh).

Từ việc thiếu hụt một số định mức, đơn giá, một số thì bất cập so với thực tế (do các địa phương công bố đơn giá) nên các nhà thầu đang rất khó khăn, khó chồng thêm khó.

“Có nhà thầu như Vinaconex vừa bắt đầu triển khai gói thầu cao tốc Mai Sơn – Quế Lộ khi so sánh đơn giá gói thầu được duyệt và chi phí thực tế phải triển khai đã thấy chắc sẽ phải lỗ khoảng 40% nhưng không làm thì không có việc cho cán bộ công nhân viên”, ông Hiệp dẫn chứng và cho biết, theo quy định chỉ định thầu – các gói thấu được chỉ định ở giai đoạn 2 đều phải tiết kiệm cắt giảm 5% so với dự toán gói thầu.

Từ những tình hình đó, lãnh đạo VACC cho rằng, để đẩy mạnh việc giải ngân đầu tư công, bên cạnh các chỉ đạo của Chính phủ về chuẩn bị ngân sách, giải phóng mặt bằng, cần có biện pháp giải quyết rốt ráo để đầu ra của vốn ngân sách ở các dự án đầu tư công được lưu thông nhanh chóng.

Trong đó, cần nhanh chóng điều chỉnh và bổ sung hệ thống đơn giá định mức hiện nay. Cụ thể cần có kế hoạch rà soát phân loại các đơn giá, định mức để có kế hoạch bổ sung ngay trong quý I/2023 cho kịp triển khai các dự án hiện nay. Bổ sung ngay các định mức chuyên ngành giao thông vào hệ thống định mức xây dựng làm cơ sở áp dụng cho các gói hạ tầng.

Tiếp đến là có quy trình phân cấp, phân quyền cụ thể và quy định rõ ràng cho các ban quản lý dự án, chủ đầu tư để xử lý việc điều chỉnh, giải quyết các việc phát sinh, điều chỉnh các gói thầu song song với việc tập trung cải thiện chất lượng hồ sơ khảo sát, thiết kế, dự toán của các gói thầu.

Cuối cùng, cần nghiên cứu ban hành cơ chế tổng thầu, cơ chế liên danh, cơ chế xét thầu phù hợp cho các gói thầu xây dựng hạ tầng lớn sắp đến như snân bay Long Thành để tập hợp được sức mạnh của các nhà thầu Việt Nam.

“Hy vọng với sự quan tâm và quyết liệt của Chính phủ, công việc giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 sẽ được đẩy nhanh hơn, đặc biệt trong 2023 chúng ta sẽ bắt đầu tập trung vào các dự án hạ tầng rất lớn như sân bay Long Thành”, ông Hiệp kỳ vọng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
15 Yêu thích
3 Bình luận 24 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại