24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lưu Duy Quang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chủ tịch tỉnh ra văn bản chưa "ráo mực", thêm một di tích lịch sử ở Thanh Hóa bị xâm hại

Trước thực trạng di tích, danh thắng ở nhiều địa phương bị xâm hại, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phải ra văn bản chấn chỉnh, nhưng văn bản vừa ban hành chưa "ráo mực" thì lại có một di tích lịch sử bị xâm hại.

Ngày 19-4, tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết đã nắm được thông tin di tích nhà thờ họ Nguyễn Phủ, xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa bị xâm hại và đang có văn bản chỉ đạo làm rõ.

Chủ tịch tỉnh ra văn bản chưa "ráo mực", thêm một di tích lịch sử ở Thanh Hóa bị xâm hại

Nhà thờ họ Nguyễn Phủ (xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) là di tích lịch sử cấp tỉnh đang được thi công tu bổ, tôn tạo dở dang khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép

Trước đó, theo phản ánh, nhà thờ họ Nguyễn Phủ (thôn Bồng Trung 2, xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc), là di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh vào năm 2016, đã được dòng họ này tự ý tháo dỡ để tu bổ, tôn tạo lại công trình khi chưa được cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép.

Ông Trịnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, thừa nhận có việc di tích lịch sử nhà thờ họ Nguyễn Phủ bị xâm hại. Theo ông Hùng, trước đó gia đình ông Nguyễn Hữu Thành (người đại diện cho dòng họ Nguyễn Phủ) có văn bản xin trùng tu lại di tích này, tuy nhiên khi đang chờ các cấp có thẩm quyền cho phép thì dòng họ này đã cho tháo dỡ công trình, tự tu bổ, tôn tạo.

"Tại thời điểm chúng tôi kiểm tra, công trình đã cho hạ giải toàn bộ mái ngói nhà tiền đường, đã cho thay thế một số hạng mục mới. Xã đã lập biên bản xử phạt 2 triệu đồng, buộc dòng họ trả lại nguyên trạng cho di tích"- ông Hùng nói.

Ông Cao Văn Bình, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vĩnh Lộc, cho biết sau khi nắm bắt được sự việc, phòng cũng đã về kiểm tra và xác định di tích nhà thờ dòng họ Nguyễn Phủ đang được tháo dỡ để tu bổ, tôn tạo. "Chúng tôi đã đề nghị dòng họ dừng thi công, đồng thời báo cáo cấp trên là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có hướng xử lý tiếp theo"- ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, trên địa bàn có 8 di tích lịch sử là các nhà thờ của các dòng họ, việc quản lý những di tích này gặp rất nhiều khó khăn, dù được công nhận là di tích nhưng nó lại thuộc quyền sở hữu của các dòng họ, vì thế khi công trình xuống cấp, hư hỏng, họ huy động được nguồn đóng góp là tự ý tu bổ lại.

Chủ tịch tỉnh ra văn bản chưa "ráo mực", thêm một di tích lịch sử ở Thanh Hóa bị xâm hại

Nhiều hạng mục tại ngôi nhà cổ này đã bị sửa chữa, thay mới

Đáng nói, đây là di tích thứ 2 tại huyện Vĩnh Lộc bị xâm hại chỉ trong vòng 1 tháng. Trước đó, vào đầu tháng 3-2022, tại di tích, danh thắng quốc gia động Hồ Công diễn ra tình trạng nhiều người tự ý đưa vật liệu vào động xây dựng, tu sửa và đưa nhiều bức tượng không rõ từ đâu vào trong động thờ cúng trái phép.

Ngày 16-3, ông Đào Xuân Yên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, đã trực tiếp tới kiểm tra, chỉ đạo tháo dỡ toàn bộ hạng mục trái phép, đưa các tượng ra khỏi hang đá, trả lại nguyên trạng cho động Hồ Công.

Tại buổi kiểm tra, làm việc này, ông Đào Xuân Yên yêu cầu ngành văn hóa và huyện Vĩnh Lộc cần phải nhìn lại cách quản lý văn hóa, di tích và phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc. Đồng thời, phải có cách làm quyết liệt, đồng bộ, trách nhiệm từ tỉnh đến cơ sở để không xảy ra trường hợp tương tự.

Tiếp đó, ngày 30-3, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, tiếp tục có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

Chủ tịch tỉnh ra văn bản chưa "ráo mực", thêm một di tích lịch sử ở Thanh Hóa bị xâm hại

Công trình này hiện đang được dừng thi công chờ xin ý kiến cấp có thẩm quyền xem xét

Văn bản chỉ đạo giao cho cấp huyện tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước về di sản văn hóa, nhất là hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn và phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các sai phạm thuộc trách nhiệm quản lý của đơn vị mình.

Thế nhưng, khi việc xâm hại di tích danh thắng quốc gia động Hồ Công chưa lắng xuống, văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chưa "ráo mực", lại thêm một di tích lịch sử có tuổi đời khoảng 500 năm tiếp tục bị xâm hại.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả