Chủ tịch TBS Group Nguyễn Đức Thuấn: Mở rộng đầu tư phải xuất phát từ một tầm nhìn chung
Với ước muốn chinh phục những đỉnh cao mới mà các công ty và quốc gia tiên tiến đã làm được, TBS Group đột phá trong ngành sản xuất thời trang, trở thành doanh nghiệp Việt Nam hàng đầu về xuất khẩu trong ngành và mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, logistics, du lịch - khách sạn và nghỉ dưỡng.
Quyết tâm đưa người Việt làm chủ
30 năm trước, trong giai đoạn đất nước mới mở cửa, ngành sản xuất giày da của TBS được khởi tạo giữa những khó khăn, kiến thức về khoa học quản trị gần như con số không, thiếu thốn cả về nguyên vật liệu, máy móc thiết bị.
Chủ tịch TBS Group, ông Nguyễn Đức Thuấn có lần chia sẻ câu chuyện về một chuyên gia người Hàn Quốc khuyên ông: “Hãy chỉ tập trung vào sản xuất, tôi sẽ giúp bạn hiệu quả kinh tế tốt hơn vì bạn không có được công nghệ, không có vật tư và khách hàng”. Chỉ 3 năm sau, chính những bạn hàng của chuyên gia này đã chuyển sang hợp tác với TBS Group, với đội ngũ nhân sự TBS toàn bộ là người Việt.
Sự thành công của TBS đến từ quyết tâm làm chủ, trước hết là làm chủ chuỗi sản xuất. “Mình làm cái gì cũng phải nắm được know-how” - tức là đầu tư vào cái gì cũng phải biết cách làm, biết cách quản lý, biết cái cốt lõi để từ đấy phát triển. Tiếp theo là sự tuân thủ tuyệt đối vào một tầm nhìn chung, đó là ngành nào mình tham gia cũng phải gia nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Nguyễn Đức Thuấn nói.
Gia nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu
Những năm khởi nghiệp, TBS tạo lợi thế ngay từ bước đầu với việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giày với dây chuyền lắp đặt chỉn chu, dù phải chấp nhận dựa vào nền tảng của các công ty quốc tế khác. Đồng thời tuyển mộ đội ngũ 1.500 công nhân viên với nòng cốt là bộ đội phục viên. Tinh thần người lính chảy trong huyết quản CEO Nguyễn Đức Thuấn và những người đồng đội góp phần tạo ra một tổ chức luôn sẵn sàng đương đầu và vượt qua khó khăn.
Bước ngoặt đến khi TBS thuyết phục thành công nhãn hàng top 3 thế giới khi đó đồng ý ký hợp đồng sản xuất giày thể thao. Việc được tiếp cận với thương hiệu quốc tế và tham gia các hội chợ triển lãm, tham quan nhà máy, phòng nghiên cứu và phát triển của họ đã tạo ra một bước ngoặt về tư duy và định hướng đối với TBS Group.
Học hỏi từ các chuyên gia nước ngoài, ông Thuấn sớm nhận thấy cần phải đầu tư nhiều vào chất xám hơn, mới có thể ăn sâu vào chuỗi giá trị. “Tôi đã đi nhiều quốc gia và học hỏi họ từng ngày, để rồi khi quay lại, tôi muốn hướng doanh nghiệp của mình đến sự tự cường, tự chủ”, ông Thuấn tâm sự.
Liên tiếp những năm sau là quá trình đầu tư chiều sâu, đồng thời mở rộng sản xuất như lắp đặt trung tâm nghiên cứu phát triển đầu tiên (1999), xây dựng nhà máy sản xuất công nghiệp phụ trợ đế giày (2002), hoàn thành kho bãi logistics… Hiện nay, TBS đã làm chủ thành công ngành công nghiệp sản xuất thời trang với hệ thống 18 nhà máy sản xuất giày, 3 nhà máy sản xuất đế, 8 nhà máy sản xuất túi trên khắp Việt Nam, 2 nhà máy tại Myanmar và Indonesia, văn phòng đại diện tại Mỹ, Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc, 5 trung tâm phát triển sản phẩm.
Ông Nguyễn Đức Thuấn và Ban lãnh đạo TBS rất tâm đắc khi doanh nghiệp Việt đã tham gia sâu vào giá trị sản phẩm: “Trong mỗi đôi giày hay chiếc túi chúng tôi xuất đi 60 nước trên thế giới đã kết tinh giá trị chất xám của người Việt”.
Tiếp tục chinh phục đỉnh núi mới mà các công ty và quốc gia tiến tiến đã làm được, ông Thuấn cùng Ban lãnh đạo đang xây dựng quá trình làm chủ trong các ngành kinh doanh khác, điển hình là ngành khách sạn và nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Một khách sạn 5 sao Mai House do người Việt làm chủ đã đi vào hoạt động tại TP.HCM. Định hướng phát triển TBS Land đã được đề ra đến năm 2025.
Tổng kết con đường phát triển của TBS Group, ông Nguyễn Đức Thuấn tin tưởng: “Thế giới làm được, ắt ta sẽ làm được. Người Việt Nam có đủ khả năng làm chủ trên quê hương của mình”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận