Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn vừa bị bắt là ai, vi phạm mức độ nào?
Ông Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn vừa bị khởi tố, bắt tạm giam là đại gia bất động sản đến từ Vĩnh Phúc.
Ngày 26/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn cùng 5 người khác.
Kết quả điều tra ban đầu xác định chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn và các bị can đã có các hành vi giả mạo, khai man, để ngoài sổ sách kế toán doanh thu, tài sản liên quan... gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Hậu là ai? Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn kinh doanh lĩnh vực gì và đã có những dự án nào?
Đại gia bất động sản đến từ Vĩnh Phúc
Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phúc Sơn, được thành lập vào năm 2004 tại xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Phúc Sơn là ông Nguyễn Văn Hậu, sinh năm 1981. Ông Hậu xuất thân trong một gia đình nông dân ở huyện Vĩnh Tường.
Ông Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn vừa bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: Bộ Công an
Từ bàn tay trắng, ông đã phát triển công ty có tiếng trên thị trường bằng việc đầu tư, phát triển nhiều dự án bất động sản tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Khánh Hòa….
Có thể kể đến như dự án xây dựng khu Trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) với quy mô 130 ha; Khu nhà ở 15 tầng cho người có thu nhập thấp tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc); Khu đô thị hai bên đường Phù Đổng tại TP Việt Trì (Phú Thọ) với quy mô 149 ha...
Ngoài các dự án bất động sản, Tập đoàn Phúc Sơn còn trúng thầu xây dựng một số công trình nghìn tỷ như: Đường bờ Nam sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) có vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, Dự án đầu tư và nâng cấp đê tả sông Hồng với tổng số vốn hơn 1.500 tỷ đồng...
Tập đoàn Phúc Sơn cũng là nhà thầu chính trong việc tu bổ nâng cấp khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Ƭhọ.
Năm 2013, Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn quyết định đầu tư vào Nha Trang với dự án BT Sân bay Nha Trang cũ. Tập đoàn này thực hiện 3 dự án hạ tầng. Đổi lại, tỉnh này sẽ giao 62,3ha phân khu 2A, phân khu 2 và phân khu 3 ở Sân bay Nha Trang cũ để Phúc Sơn thực hiện dự án khu trung tâm đô thị thương mại dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang.
Hàng loạt sai phạm tại dự án Sân bay Nha Trang
Tại Nha Trang, doanh nghiệp của doanh nhân 8X đã đầu tư các dự án lớn; trong đó, đáng chú ý là dự án Khu Trung tâm đô thị Thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch Nha Trang được xây dựng trên khu đất sân bay Nha Trang cũ.
“Siêu dự án” này được chia thành 1.300 lô đất nhà ở và hàng trăm căn biệt thự đơn lập, với tổng vốn đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng. Song, đây cũng chính là dự án khiến doanh nghiệp này dính vào nhiều “lùm xùm”.
Cụ thể, giữa năm 2019 UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục kiểm tra để xác định có hay không tình trạng vi phạm mua bán, chuyển nhượng bất động sản tại dự án. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, qua kiểm tra vào tháng 3/2018, chủ đầu tư dự án là Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn đã đưa bất động sản của dự án vào kinh doanh, thu tiền của khách hàng khi chưa đủ điều kiện.
Khu đất sân bay Nha Trang cỏ mọc um tùm. Ảnh: Xuân Ngọc
Tập đoàn này đã cung cấp văn bản về việc báo cáo đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Trước đó, tháng 11/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện 3 dự án BT tại Nha Trang để đổi khu đất vàng trên.
Đó là, dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu Sân bay Nha Trang có tổng mức đầu tư dự kiến 725,3 tỷ đồng; quỹ đất tạm tính 741,671 tỷ đồng; thời gian hợp đồng dự án 2 năm (2016 -2017). Dự án Nút giao Ngọc Hội có tổng mức đầu tư dự kiến 1.378,9 tỷ đồng; quỹ đất thanh toán diện tích 5,37ha; thời gian hợp đồng 2 năm (2016 – 2017). Dự án đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội có tổng mức đầu tư dự kiến 1.180,1 tỷ đồng; quỹ đất thanh toán diện tích khoảng 9,68ha; thời gian hợp đồng dự án 2 năm (2016 – 2017).
Ngày 30/6/2021, Thanh tra Chính phủ đã công bố thông báo kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến các dự án BT sử dụng quỹ đất thanh toán tại các dự án khu vực Sân bay Nha Trang; trong đó có 3 dự án nói trên.
Theo kết luận, 3 dự án trên tồn tại những vi phạm như các dự án không hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng vào cuối năm 2017, mặc dù đã gia hạn đến tháng 6/2021 nhưng đến thời điểm thanh tra mới thi công đạt khoảng 27% khối lượng xây lắp. Phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng mức đầu tư, ký hợp đồng BT không phù hợp với tờ trình báo cáo Thủ tướng, làm tăng tổng mức đầu tư lên 484 tỷ đồng, kéo dài thời gian thực hiện dự án thêm 30 tháng.
Ngoài ra, còn có một số sai sót trong áp dụng định mức, đơn giá, biện pháp thi công, đền bù giải phóng mặt bằng và đưa một số hạng mục đầu tư vào chưa đúng quy định, làm tăng tổng mức đầu tư 3 dự án BT lên 499,202 tỷ đồng….
Tháng 8/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản yêu cầu Tập đoàn Phúc Sơn khẩn trương nộp gần 12.000 tỷ đồng thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án Khu trung tâm đô thị - Thương mại - Tài chính - Du lịch Nha Trang.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cho rằng, văn bản này chưa đảm bảo các quy định của pháp luật hiện hành do việc thực hiện nghĩa vụ tài chính phải dựa trên kết quả thẩm định giá đất, dựa trên nguyên tắc ngang giá các dự án BT và thông báo của cơ quan thuế.
Do đó, Tập đoàn đã có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa nêu rõ các vướng mắc và cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận