Chủ tịch Saigon Ratings chỉ ra 4 nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chậm, nợ xấu tăng
Mới đây, ông Phùng Xuân Minh chủ tịch HĐQT Saigon Ratings chỉ ra 4 nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chậm, nợ xấu tăng trên trang Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp. Theo đó, Saigon Ratings nhận định có một số nguyên nhân dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm trong thời gian qua, bao gồm:
Thứ nhất, số lượng đơn hàng sản xuất trong nước và xuất khẩu mới tuy có tăng nhưng vẫn thấp hơn công suất thiết kế, nên nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay thêm vốn;
Thứ hai, lãi suất cho vay nhìn chung vẫn duy trì ở mức cao, do các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, trong bối cảnh nợ xấu diễn biến phức tạp;
Thứ ba, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là bất động sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức;
Thứ tư, các ngân hàng thực hiện chính sách thận trọng tăng dư nợ, trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu tiếp tục có xu hướng gia tăng.
Đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 là 15%. Đây là mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn các năm 2022 và 2023, và cao nhất trong vòng 05 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, Saigon Ratings nhận định rằng, mục tiêu này là rất khó khăn, thách thức, vì các lý do cơ bản sau về nguy cơ lạm phát tăng cao vẫn có thể diễn ra trong năm 2024 và 2025.
Thêm nữa, dư nợ tín dụng/GDP đã ở mức cao và dư nợ tín dụng đã vượt mức huy động tiền gửi.
Ngoài ra, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn trong ngắn hạn và nợ xấu có thể tiếp tục có xu hướng gia tăng trong nửa cuối năm 2024.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê (GSO) đến 24/6, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt 4,45%.
Cập nhật của NHNN đến 30/6, tăng trưởng tín dụng đã đạt 6%. Tức gần như trọn 6 tháng đầu năm (trừ tuần cuối cùng), tín dụng vẫn tăng trưởng rất chậm phản ánh nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn doanh nghiệp, nền kinh tế còn yếu.
Với mức tăng trưởng tín dụng thực theo thống kê, đây là mức tương đối thấp so với tốc độ tăng trưởng tín dụng cùng kỳ trong các năm gần đây.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2024, chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2020 (năm đầu tiên chịu tác động của Đại dịch COVID-19) và thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm 2019, 2021, và 2022.
Diễn biến lãi suất huy động và lãi suất cho vay
Trong 6 tháng đầu năm 2024, dữ liệu của Saigon Ratings ghi nhận lãi suất huy động có xu hướng tăng (chủ yếu tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân) do khoảng thời gian này, người dân có xu hướng rút bớt tiền gửi ở ngân hàng để đầu tư vào những kênh khác trên thị trường như chứng khoán, bất động sản và đặc biệt là vàng.
Tuy nhiên ghi nhận huy động của toàn hệ thống vẫn đạt mức tăng trưởng dương, trong đó có tăng trưởng tiền gửi dân cư đạt kỷ lục tại cuối quý I/2024.
Ngoài ra, lãi suất liên ngân hàng và lãi suất thị trường mở (OMO) tăng trong thời gian gần đây, cũng là nhân tố gián tiếp làm cho lãi suất huy động tăng theo.
Đây là động thái can thiệp của NHNN nhằm tăng mức độ hấp dẫn của tiền Đồng và giảm áp lực phải bán ra ngoại tệ, trong bối cảnh tỷ giá có xu hướng tăng mạnh.
Saigon Ratings nhận định, lãi suất cho vay trong nửa đầu năm 2024, tiếp tục ổn định mặc dù lãi suất huy động trên thị trường có xu hướng tăng.
Saigon Ratings cho rằng, nguyên nhân lãi suất cho vay không tăng tương ứng với lãi suất huy động, là do các ngân hàng chấp nhận giảm biên lãi ròng (NIM), trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang gặp nhiều khó khăn.
Trong nửa đầu năm 2024, Chính phủ đã yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay thêm 1–2%/năm, triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng và phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II năm 2024 ở mức 5–6%.
Với các diễn biến này, Saigon Ratings dự báo trong các tháng tiếp theo của năm 2024, các ngân hàng sẽ tiếp tục giữ mặt bằng lãi suất cho vay ổn định, để ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận