Chủ tịch một doanh nghiệp kêu gọi đầu tư, nhưng không chịu trách nhiệm về thông tin kêu gọi
Công ty Cổ phần tập đoàn Meey Land vừa công bố BCTC đã kiểm toán cho kỳ kế toán từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/3/2022.
Theo đó, tại BCTC này thông tin về hoạt động liên tục của công ty, kiểm toán viên cho rằng Tài sản ngắn hạn của Meey Land tại ngày 31/3/2022 là 110,3 tỷ đồng, không đủ trang trải các khoản nợ ngắn hạn tại ngày 31/3/2022 là 134,6 tỷ đồng.
Do vậy, khả năng hoạt động liên tục của Meey Land trong tương lai phụ thuộc đáng kể vào kết quả hoạt động kinh doanh cũng như việc công ty có được tài trợ bởi các nguồn vốn hay không.
Dữ liệu cho thấy, tính đến cuối tháng 3/2022, tổng nợ phải trả của Meey Land đạt 350,4 tỷ đồng, tăng gấp 4,2 lần (82,1 tỷ đồng) so với hồi đầu năm 2021. Đáng chú ý, nợ vay tài chính lên tới 321,5 tỷ đồng, cao hơn 4,46 lần so với ngày 1/1/2021 và chiếm đến 91% tổng nợ phải trả của Meey Land.
Ngoài ra, Meey Land còn có các khoản vay với mục đích vay mua ô tô tại ngân hàng Sacombank và ngân hàng TPBank, có số dư gốc vay tại ngày 31/3/2022 lần lượt 446,2 triệu đồng và 205,5 triệu đồng.
Trên website cá nhân, ông Hoàng Mai Chung kêu gọi vốn từ cộng đồng. Số vốn kêu gọi nhằm mục đích đóng góp cùng ông Chung, tuy nhiên website lại không nhắc cụ thể là doanh nghiệp nào. Số vốn tối thiểu là 50 USD (khoảng 1.165.000 đồng).
Thông tin trên website của ông Chung cho biết sau 4 năm, đã có 24.000 đối tác thuộc 70 quốc gia khác nhau com hộ cho doanh nhân Hoàng Mai Chung phát triển sự nghiệp.
Đáng chú ý, dù kêu gọi vốn từ cộng đồng của mình qua website của mình, song tại mục “miễn trừ trách nhiệm” trên website cũng khẳng định “Tôi không chịu trách nhiệm về các thiệt hại (do sơ suất hoặc theo bất kỳ cách nào khác) liên quan đến các tổn thất, liên quan đến việc sử dụng các tài liệu hoặc thông tin được cung cấp trên www.hoangmaichung.com”.
Bên cạnh đó, đối với những rủi ro có thể đối mặt, trang website cũng cập nhật Rủi ro hệ thống: Còn được gọi là rủi ro thị trường, bao gồm những rủi ro ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường như rủi ro biến động lãi suất, rủi ro tiền tệ, rủi ro biến động giá hàng hóa, rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản. Đây là những rủi ro không thể tránh khỏi khi góp tiền, đối tác dù góp tiền vào bất cứ ai và bất cứ lĩnh vực nào cũng đều phải sẵn sàng tinh thần đối diện với những rủi ro này.
Rủi ro phi hệ thống: Là những rủi ro đặc trưng của từng lĩnh vực hoặc của từng người. Vì là những rủi ro đặc trưng nên không phải tất cả đối tác đều cùng nhau chịu rủi ro này.
“Các đối tác cần liên tục theo dõi biến động của thị trường qua từng giờ và đưa ra các quyết định hợp lý và hạn chế sai sót trong quá trình góp tiền”, trích từ website Hoàng Mai Chung.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận