Chủ tịch HĐQT Alibaba Nguyễn Thái Luyện 'dẫn lối' cho vợ và em trai vào vòng lao lý thế nào?
Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) đã khai nhận chỉ đạo vợ và 2 em trai đứng tên thành lập nhiều pháp nhân. Sau đó sử dụng pháp nhân này đứng tên nhiều dự án không có thật.
Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 27.7, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa ban hành kết luận điều tra bổ sung, tiếp tục đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện (35 tuổi, ngụ Gia Lai, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) và 22 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền". Theo đó, Nguyễn Thái Luyện bị đề nghị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đáng chú ý, các bị can bị đề nghị truy tố lần này có nhiều người trong gia đình của Luyện.
Cụ thể, Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Nguyễn Thái Luyện; Võ Thị Thanh Mai, vợ của Luyện (Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm) và Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa Ốc Xanh), em ruột Luyện. Trong đó, Lĩnh bị đề nghị truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", còn Mai và Lực bị đề nghị truy tố 2 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền".
Chỉ đạo người nhà, nhân viên đứng tên thành lập nhiều pháp nhân
Tại CQĐT, Nguyễn Thái Luyện khai nhận Luyện giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ hoạt động của Công ty Alibaba và 22 pháp nhân trực thuộc. Trong quá trình điều hành, Luyện chỉ đạo nhân viên và người nhà, người thân đứng tên thành lập nhiều pháp nhân.
Sau đó, tiếp tục chỉ đạo các pháp nhân này đứng tên nhiều dự án không có thật, với mục đích khi có dự án bị chính quyền địa phương cưỡng chế, sẽ không gây ảnh hưởng đến việc triển khai những dự án khác. Các pháp nhân đều được Luyện kiểm soát chặt chẽ bằng việc chia tỷ lệ vốn góp chính cho Công ty Alibaba hoặc các em ruột của Luyện là Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực, vợ mình là Mai. Các giám đốc đứng tên và đại diện pháp luật chỉ nắm giữ phần vốn góp không quá 15% trong tổng vốn điều lệ.
Để đảm bảo điều kiện về vốn khi đăng ký hoạt động kinh doanh bất động sản, Luyện chỉ đạo bộ phận pháp lý thực hiện kê khai vốn điều lệ cho các pháp nhân tối thiểu là 20 tỉ đồng, từ nguồn tiền của Công ty Alibaba. Thực tế, các thành viên đều không có nguồn vốn góp như tỷ lệ đăng ký.
Ngoài ra, Luyện còn chỉ đạo nhân viên dùng một địa chỉ để đăng ký thông tin trụ sở kinh doanh cho nhiều pháp nhân và chi nhánh. Các pháp nhân do Luyện chỉ đạo thành lập đều không hoạt động kinh doanh và kê khai báo cáo thuế, chỉ sử dụng vào hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò chủ đầu tư đối với các dự án không có thật. Toàn bộ nguồn thu của Công ty Alibaba đều từ hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất, từ các dự án không có thật, tự vẽ và phân lô trái pháp luật trên nền đất nông nghiệp.
Vợ của Luyện khai nhận, được Luyện phân công quản lý bộ phận kế toán; giám sát và điều hành toàn bộ hoạt động thu, chi của Công ty Alibaba. Toàn bộ chi phí hoạt động của Công ty Alibaba và các pháp nhân liên quan đều phải được sự đồng ý của Luyện, Mai mới duyệt cho bộ phận kế toán chi tiền. Nguồn tiền thu của Công ty Alibaba được chi chủ yếu cho việc trả lương và hoa hồng cho nhân viên; mua đất; trả tiền thuê mặt bằng kinh doanh; trả lãi định kỳ cho khách hàng (phương thức để lôi kéo khách hàng tham gia đầu tư).
Số bị hại và thiệt hại đã tăng lên
Em trai của Luyện là Nguyễn Thái Lĩnh cũng thừa nhận việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với vai trò giúp sức, bằng cách sử dụng tư cách cá nhân để đứng tên nhận chuyển nhượng 92 thửa đất nông nghiệp trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận từ nguồn tiền bất hợp pháp chiếm dụng từ khách hàng của Công ty Alibaba.
Sau khi hoàn tất thủ tục đặt cọc hoặc chuyển nhượng, Lĩnh đã ký ủy quyền cho vợ của Luyện và cấp dưới để thực hiện vẽ lập dự án dân cư không có thật, phân lô trái pháp luật, quảng cáo gian dối thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Alibaba; phân phối, lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư, chiếm đoạt một số lượng tiền rất lớn của khách hàng.
Ngoài ra, Lĩnh còn sử dụng tư cách Tổng giám đốc Công ty Alibaba để ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với vợ của Luyện là Võ Thị Thanh Mai và Trần Huy Phúc là giám đốc, đại diện theo pháp luật của các Công ty Law Firm, Công ty 108 là chủ đầu tư của các dự án dân cư không có thật, tự vẽ và phân lô trái pháp luật trên nền đất nông nghiệp, để lừa ký hàng chục hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư, chiếm đoạt hơn 38 tỉ đồng của khách hàng.
Với phương thức lừa đảo nêu trên, Nguyễn Thái Luyện cùng các đồng phạm đã sử dụng 10 pháp nhân trong tổng số 22 pháp nhân được thành lập, đứng tên chủ đầu tư của 58 dự án tự vẽ, không có thật, thông qua Công ty Alibaba, ký kết tổng cộng một lượng đặc biệt lớn hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chiếm đoạt số tiền 2.503 tỉ đồng của 4.130 bị hại (trong đó, có nhiều khách hàng là nhân viên thuộc Công ty Alibaba). Như vậy, số tiền thiệt hại và số bị hại đã tăng so với KLĐT trước đó (số tiền 2.373 tỉ đồng của 3.924 bị hại).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận