Chủ tịch Fed cứng rắn với lạm phát, quyết không để rơi vào tình cảnh như Paul Volcker
Chủ tịch Fed Jerome Powell phát đi thông điệp cứng rắn về việc chống lạm phát, đồng thời cảnh báo rằng NHTW sẽ tiếp tục nâng lãi suất theo cách có thể gây ra “một số nỗi đau” cho nền kinh tế Mỹ.
Thậm chí với 4 đợt nâng lãi suất liên tiếp với tổng cộng 2.25 điểm phần trăm, ông Powell cho biết vẫn chưa phải là lúc để ngừng nâng mặc dù lãi suất chuẩn có lẽ đã ở quanh phạm vi trung lập – tức không kích thích nhưng cũng không kìm hãm tăng trưởng.
“Lãi suất cao hơn, tăng trưởng chậm hơn và các điều kiện trên thị trường lao động suy yếu sẽ kéo giảm lạm phát. Tuy nhiên, chúng cũng mang lại một số đau đớn cho hộ gia đình và doanh nghiệp”, ông nói trong bài phát biểu chuẩn bị từ trước. “Đây là cái giá của việc giảm lạm phát. Tuy nhiên, việc không thể khôi phục lại sự ổn định về giá cả sẽ gây ra nỗi đau còn lớn hơn thế nhiều”.
Chứng khoán Mỹ rớt mạnh sau bài phát biểu của ông Powell, với Dow Jones hiện đang rớt hơn 400 điểm.
Các nhận định trên được đưa ra sau khi xuất hiện các dấu hiệu cho thấy lạm phát đã đạt đỉnh, nhưng chưa có tín hiệu sẽ giảm đáng kể.
Hai chỉ số theo dõi lạm phát là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) dường như không thay đổi quá nhiều trong tháng 7/2022, mặc dù giá năng lượng đã giảm mạnh.
Cùng lúc đó, một số lĩnh vực trong nền kinh tế đang giảm tốc. Đáng chú ý nhất là thị trường nhà ở đang giảm rất mạnh và các chuyên gia kinh tế cho rằng đà tăng về số lượng việc làm có khả năng hạ nhiệt.
Tuy nhiên, ông Powell cho biết Fed không chỉ chú ý tới dữ liệu của 1 hoặc 2 tháng, mà còn xa hơn thế. Họ sẽ tiếp tục nâng lãi suất cho tới khi lạm phát về gần hơn với mục tiêu dài hạn 2%.
“Chúng tôi dự định thắt chặt chính sách tiền tệ đến mức đủ để đưa lạm phát trở lại 2%”, ông nói. Nhìn về tương lai, vị lãnh đạo Fed nói thêm rằng “để khôi phục ổn định giá cả, NHTW có thể cần phải duy trì lập trường chính sách theo hướng kìm hãm (restrictive policy) trong một thời gian. Lịch sử đã đưa ra nhiều cảnh báo về việc nới lỏng chính sách quá sớm”.
Nền kinh tế vừa trải qua hai quý suy giảm GDP liên tiếp – tức đã suy thoái về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, ông Powell và hầu hết các nhà kinh tế khác nhận thấy nền kinh tế vẫn mạnh và chỉ giảm tốc.
Jeffrey Roach, Chuyên gia kinh tế trưởng tại LPL Financial, cho biết: “Về cơ bản, Powell nói rõ rằng ngay bây giờ, chống lại lạm phát quan trọng hơn là hỗ trợ tăng trưởng”.
Nói thẳng vào trọng tâm
Bài phát biểu của ông Powell có vẻ ngắn gọn đến mức bất thường. Trước đây, các lãnh đạo của Fed – bao gồm cả ông Powell – thường tận dụng hội nghị Jackson Hole để nói rõ hơn về sự chuyển dịch chính sách. Tuy nhiên, bài phát biểu của ông Powell trong ngày 25/08 chỉ kéo dài trong vòng 8 phút.
Trước khi bắt đầu bài phát biểu, ông lưu ý rằng “bài phát biểu sẽ ngắn hơn, tập trung hơn và thông điệp cũng rõ ràng hơn”.
“Ổn định giá cả là trách nhiệm của Fed và đóng vai trò nền tảng của nền kinh tế chúng ta”, ông nói. “Không có sự ổn định về giá cả, nền kinh tế chẳng hoạt động hiệu quả với bất kỳ ai”.
Thị trường đang chờ đợi những manh mối về quyết định lãi suất tại cuộc họp tháng 9 của Fed. Ông Powell cho biết quyết định về cường độ nâng lãi suất “sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào dữ liệu sắp tới và triển vọng kinh tế ra sao. Khi lập trường chính sách tiền tệ bị thắt chặt hơn nữa, việc giảm nhịp độ nâng lãi suất sẽ là hợp lý ở một thời điểm nào đó”.
Bài học từ quá khứ
Các nhà giao dịch hiện đang phân vân giữa khả năng nâng 50 điểm và 75 điểm cơ bản. Sau bài phát biểu của Fed, xác suất nâng 50 điểm cơ bản ở mức 51.5%, theo dữ liệu từ FedWatch.
Fed cũng dùng một bài học từ quá khứ để dẫn dắt cho chính sách hiện tại. Cụ thể hơn, ông Powell cho biết lạm phát cao hồi 40 năm trước mang lại cho Fed 3 bài học ở thời điểm này: Các NHTW như Fed có trách nhiệm kiểm soát lạm phát; kỳ vọng lạm phát rất quan trọng; và “chúng ta phải tiếp tục hành động cho tới khi nhiệm vụ hoàn tất”.
Ông Powell lưu ý rằng việc Fed không hành động một cách quyết liệt trong thập niên 70 đã tạo ra vòng lẩn quẩn về kỳ vọng lạm phát và dẫn tới các đợt nâng lãi suất mạnh vào đầu thập niên 80. Trong trường hợp đó, cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker đã phải đẩy nền kinh tế vào suy thoái để kéo giảm lạm phát.
Chủ tịch Powell cho biết việc kiểm soát kỳ vọng thật sự rất quan trọng nếu Fed không muốn rơi vào tình cảnh phải hành động như ông Volcker.
Vào đầu thập niên 80, “Fed cần phải chuyển chính sách tiền tệ sang phạm vi rất kìm hãm (very restrictive) trong một thời gian dài để kéo giảm lạm phát xuống mức thấp và ổn định. Sau đó, người dân đã quen với lạm phát thấp. Mãi cho tới mùa xuân năm 2021, mọi thứ đã thay đổi”, ông Powell cho biết. “Mục tiêu của chúng tôi là tránh rơi vào tình cảnh đó bằng cách hành động quyết liệt từ bây giờ”.
Về cơ bản, người dân thường ít chú ý tới lạm phát khi ở mức thấp, nhưng sẽ chú ý nhiều hơn khi lạm phát cao.
“Dĩ nhiên, lạm phát đang là tâm điểm chú ý của mọi người tại thời điểm này và đây là rủi ro lớn: Lạm phát cao càng kéo dài bao nhiêu, kỳ vọng lạm phát cao sẽ càng bám sâu vào tâm trí người dân bấy nhiêu”, ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận