Chủ tịch Eximbank khẳng định không có nhóm lợi ích ảnh hưởng hoạt động ngân hàng
Bà Lương Thị Cẩm Tú nói Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới đại diện cho nhóm cổ đông khác nhau nhưng cùng mục tiêu đưa Eximbank lấy lại vị thế top 10.
Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 lần hai của Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) ngày 27/5 diễn ra thành công với tỷ lệ tham dự gần 95%. Cách đây một tháng, phiên họp này bất thành lần một vì không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự.
Như vậy, đây là đại hội thành công đầu tiên sau khi Eximbank kiện toàn nhân sự lãnh đạo và có Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới vào đầu năm nay.
Tại đại hội lần này, các cổ đông quan tâm việc liệu ngân hàng có thể xử lý dứt điểm tình trạng mâu thuẫn xảy ra giữa các nhóm cổ đông khiến hoạt động kinh doanh bị kìm chân trong suốt vài năm qua. Nhiều cổ đông gắn bó lâu năm với Eximbank còn đặt kỳ vọng ngân hàng có thể quay về quỹ đạo hoạt động, phấn đấu lấy lại vị thế top 10 trong ngành.
Về vấn đề này, Chủ tịch Eximbank - bà Lương Thị Cẩm Tú nói hội đồng quản trị nhiệm kỳ 6 đã kết thúc và cổ đông đã bầu ra được hội đồng quản trị hoàn toàn mới. Đại hội lần này được tổ chức thành công với tỷ lệ tham dự rất cao lên tới gần 95%, theo bà Tú, cho thấy sự gắn kết, nhất trí cao việc điều hành ngân hàng và sự kết nối của cổ đông.
"Chúng tôi mong được sự ủng hộ của cổ đông để đưa ngân hàng trở lại quỹ đạo phát triển, vì thời điểm hiện nay, Eximbank đã tụt quá sâu so với các ngân hàng khác", bà nói.
Theo bà Tú, hội đồng quản trị là những người đại diện, nhận uỷ quyền cho các nhóm cổ đông. Các nhóm cổ đông độc lập nhưng có mục tiêu chung liên quan đến chiến lược, hoạt động và kết quả ngân hàng.
"Không có bất kỳ nhóm lợi ích liên quan đến hoạt động riêng chi phối và ảnh hưởng hoạt động Eximbank. Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới chung mục tiêu phát triển tốt nhất cho ngân hàng, trong đó có quyền lợi cổ đông", bà Tú nói.
Chủ tịch Eximbank Lương Thị Cẩm Tú nói chuyện với một cổ đông lớn tuổi bên lề phiên họp cổ đông 2022 lần một diễn ra vào cuối tháng 4. Ảnh: Quỳnh Trang
Chủ tịch Eximbank chia sẻ thêm, nếu các nhóm cổ đông có hệ sinh thái tốt thì ngân hàng vẫn ủng hộ, nhưng phải đảm bảo yêu cầu liên quan đến luật doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, đầu tư cấp phát tín dụng, hoặc hoạt động có liên quan tín dụng đều phải tuân thủ pháp luật, đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro.
Liên quan tới cổ đông ngoại SMBC, bà Tú cho hay, họ mới chỉ thông báo có quyết định chấm dứt thỏa thuận chiến lược và vẫn đang là cổ đông lớn, chưa có thông báo về việc rút vốn khỏi Eximbank.
Tại đại hội, cổ đông cũng hoài nghi về mục tiêu lợi nhuận 2022 tăng hơn 100% so với năm ngoái lên 2.500 tỷ đồng trong bối cảnh ngành ngân hàng có nhiều thay đổi, như siết trái phiếu doanh nghiệp, hạn chế tín dụng bất động sản và mặt bằng lãi suất đi lên. Trong khi năm trước dù các nhà băng đua báo lại, lợi nhuận của Eximbank lại thụt lùi.
Tuy nhiên lãnh đạo ngân hàng này khẳng định tự tin với mục tiêu lợi nhuận năm nay nhờ vào việc cơ cấu lại nguồn vốn, thu hồi được nợ xấu và đẩy mạnh nguồn thu khác ngoài tín dụng.
Phiên đại hội của Eximbank tổ chức thành công song có hai tờ trình không được thông qua gồm tờ trình về kết quả chuyển nhượng cổ phiếu Sacombank và sửa đổi điều lệ, cho phép bổ sung thêm tổng giám đốc hoặc chủ tịch trong thời gian khuyết chức danh.
Các tờ trình còn lại được thông qua, gồm tờ trình chia cổ tức và đầu tư xây dựng trụ sở chính Eximbank tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm. Theo đó, ngân hàng thông qua phương án phát hành gần 246 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 20%. Nguồn thực hiện từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ của năm 2017 đến 2021. Eximbank sẽ gửi văn bản xin Ngân hàng Nhà nước và tiến hành các thủ tục cần thiết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận