24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Hướng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chủ tịch Dragon Capital: Cơ hội vẫn còn, Việt Nam phải sớm hành động

Trở về TPHCM sau chuyến công tác ở Anh, Chủ tịch Dragon Capital Dominic Scriven trò chuyện trực tuyến với Dân trí từ khách sạn nơi ông đang thực hiện cách ly. Đến Việt Nam đầu thập kỷ 90 và thành lập Dragon Capital năm 1994, ông là một trong những nhà đầu tư nước ngoài thâm niên nhất trên thị trường tài chính Việt.

Mở đầu buổi phỏng vấn được thực hiện 100% bằng tiếng Việt, ông Dominic Scriven đặt câu hỏi cho PV với thắc mắc tương tự phần lớn người dân đang sinh sống tại TPHCM: "Sau 30/9 sẽ thế nào nhỉ?". Khi kết thúc cuộc trò chuyện, ông nói đùa: "Chúc chúng ta sớm được ra đường uống bia với bạn".

Chủ tịch Dragon Capital: Cơ hội vẫn còn, Việt Nam phải sớm hành động

Nhiều doanh nghiệp lo lắng việc đứt gãy chuỗi cung ứng, đơn hàng chuyển sang quốc gia khác sau giai đoạn giãn cách, đóng cửa kéo dài. Theo ông, nguy cơ này sẽ hiện hữu trong thời gian ngắn hay cần lưu tâm về dài hạn?

- Nhiều nước khác cũng từng trải qua giai đoạn giãn cách xã hội, phong tỏa kéo dài vì Covid-19 bao gồm cả các nước là thị trường mua hàng hay nhà cung cấp cho Việt Nam. Các chuỗi cung ứng trên toàn cầu hầu như đều bị ảnh hưởng. Việc các đơn hàng bị chuyển đến những quốc gia khác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, giao hàng, chất lượng và cả giá cả.

Một điều chúng ta thấy rõ trên toàn cầu là mức độ lạm phát đang tăng lên. Không chỉ các nước đang phong tỏa, giãn cách bị tác động mà ngay cả ở các nước đã trở lại trạng thái bình thường mới. Tôi mới từ Anh về, nhận thấy các siêu thị vẫn thiếu hàng dù nước Anh đã hết phong tỏa vài tháng nay. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra như khó nhập khẩu, thiếu hụt lao động sau dịch. Vì vậy, Việt Nam cũng phải chuẩn bị vì khó tránh khỏi những ảnh hưởng như vậy.

Việt Nam cần chuẩn bị hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và đời sống người dân. Sau dịch bệnh, doanh nghiệp sẽ có rất nhiều thách thức từ cơ sở sản xuất, vật liệu, vốn, đặc biệt là con người. Chính phủ Việt Nam cần có sự chuẩn bị để giúp các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, có thể tiếp cận dễ dàng chính sách.

Cá nhân tôi cho rằng các chính sách tiền tệ tương đối tích cực nhưng chính sách tài khóa chưa thuyết phục. Chúng ta phải nhớ rằng Việt Nam không còn là nước nghèo. Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), gói hỗ trợ tài khóa so với GDP của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực ASEAN.

Song song đó, chính các chủ doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị cho những thách thức. Một việc quan trọng không kém là sự chuẩn bị để hỗ trợ đời sống của người dân. Ở châu Âu, Mỹ sau khi mở cửa, một thách thức lớn là không tìm được lao động khi nhiều người trở về quê hương, đổi nghề. Vì vậy, cần có những bước đi giúp đời sống người dân tốt hơn để họ quay trở lại làm việc.

Chủ tịch Dragon Capital: Cơ hội vẫn còn, Việt Nam phải sớm hành động

Nhiều người từng kỳ vọng vào việc Việt Nam là điểm đến mới của các nhà đầu tư FDI trong làn sóng dịch chuyển sản xuất, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Ông có cho rằng Việt Nam sẽ lỡ nhịp sau làn sóng dịch bệnh lần này?

- Tôi nghĩ vẫn còn cơ hội cho Việt Nam. Đại dịch ảnh hưởng rất lớn và có lẽ nó sẽ không hoàn toàn biến mất.

Nhưng những yếu tố trụ cột quan trọng của Việt Nam vẫn còn đó. Chính sách mở cửa, ổn định chính trị xã hội, khả năng cạnh tranh về giá cả, rồi nguồn tay nghề. Việt Nam cũng đã bắt đầu hình thành những chuỗi cung ứng trong nước. Phải cố gắng lạc quan trên những nền tảng đã có trước đây. Tất nhiên, Việt Nam phải sớm chuẩn bị phục hồi cho bình thường mới.

TPHCM và nhiều địa phương đang lên kế hoạch tái mở cửa nền kinh tế. Dưới góc nhìn của ông, các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng những gì trong lộ trình mở cửa sắp tới?

- Trong giới đầu tư, chúng tôi mong đợi về chính sách đi lại chắc chắn giữa Việt Nam và nước ngoài. Dragon Capital có khách hàng ở nhiều nước đang rất muốn làm ăn, đầu tư vào Việt Nam nhưng chưa thực hiện được vì họ không thể bay sang đây để thẩm định tính pháp lý, tài chính, quản trị doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cũng gặp phải tình trạng này. Đây là một điểm nghẽn.

Một việc khác là làm sao để nền kinh tế trong nước bắt đầu lại. Đây rõ ràng là sự mong đợi lớn của gần 100 triệu người dân. Chúng ta cần chuẩn bị để phục hồi đời sống của doanh nghiệp, người dân.

Doanh nghiệp là một chủ thể rất năng động ở Việt Nam, từ các tập đoàn lớn, công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn đến cả các hộ kinh doanh cá thể. Để trở lại, họ cần có tiền, có thể vay vốn, có đơn hàng, có đầu vào, đầu ra. Chủ thể thứ hai là người dân. Họ vừa là lực lượng lao động cũng chính là người tiêu dùng.

Hỗ trợ tiền, tài chính với doanh nghiệp, người dân rất quan trọng. Nhưng hỗ trợ về thủ tục hành chính cũng quan trọng không kém. Đó là những điều kiện cần thiết về cả phần cứng và phần mềm để doanh nghiệp, người dân quay trở lại bình thường mới.

Rõ ràng những doanh nghiệp lớn có khả năng hồi phục tốt hơn còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ đặc biệt khó khăn. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nếu có quá nhiều điều kiện sẽ khiến nhiều chủ thể xứng đáng được thụ hưởng khó tiếp cận được.

Một ví dụ là nếu hỗ trợ các doanh nghiệp có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm thì có rất nhiều doanh nghiệp có quy mô như vậy. Nhưng để xuất trình một báo cáo tài chính có kiểm toán xác nhận, không phải ai cũng làm được. Nếu không hình dung trước những khó khăn, khi thực hiện sẽ không tháo gỡ được.

Chủ tịch Dragon Capital: Cơ hội vẫn còn, Việt Nam phải sớm hành động

Ông đã sống ở Việt Nam 3 thập kỷ, trong đó có 27 năm điều hành Dragon Capital. Là một trong những nhà đầu tư nước ngoài kỳ cựu, ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lần này với Việt Nam so với những cuộc khủng hoảng trong quá khứ?

- Việt Nam đã đối diện nhiều thách thức lớn trong 30 năm tôi ở đây, chưa kể những thách thức trước khi tôi chuyển đến. Dịch bệnh cũng từng xảy ra trước đây như bệnh SARS. Khủng hoảng về y tế, khủng hoảng tài chính hay do tình hình quốc tế đều từng xảy ra.

Nhưng có một điều ai cũng biết, ở Việt Nam, sức chịu khó của người dân rất cao. Tôi rất ấn tượng về khả năng phản ứng nhanh, sự chịu khó, nỗ lực của Việt Nam. Mọi người có nhiều hy vọng và lạc quan. Kết hợp những yếu tố đó, Việt Nam sẽ quay trở lại thời bình thường mới. Tuy nhiên, trên con đường phát triển, đại dịch này có thể chưa phải là khó khăn cuối cùng Việt Nam gặp phải.

Còn ở góc độ doanh nghiệp, ai cũng sẽ phải rút ra bài học về quản trị rủi ro. Trong đời kinh doanh, ai cũng muốn tìm kiếm cơ hội, lợi nhuận. Ai cũng tham vọng, nỗ lực để phát triển doanh nghiệp của mình nhưng không thể thiếu sự chuẩn bị để đối phó các rủi ro không lường trước được. Vì vậy, sự chuẩn bị tích cực, chủ động các doanh nghiệp có thể làm ngay khi bắt đầu hoạt động lại là xây dựng quy trình nhất định để bắt đầu theo dõi những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai.

Chủ tịch Dragon Capital: Cơ hội vẫn còn, Việt Nam phải sớm hành động

Sau nhiều năm đầu tư tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về sức chống chịu của các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trước những biến cố như đại dịch lần này?

- Trong nhiều doanh nghiệp tôi tham gia, có nơi vẫn hoạt động, có những nơi buộc phải đóng cửa do nhiều yếu tố, nhưng vì nguyên nhân khách quan là chính, không phải do chủ quan. Năm ngoái, Việt Nam đã làm rất tốt nhưng có thể chính kết quả tốt ấy đã khiến chúng ta năm nay chưa chuẩn bị đầy đủ tinh thần để đối phó với làn sóng dịch bệnh mới.

Tuy nhiên, theo một thống kê mới đây của Dragon Capital, từ khi thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2000, tính đến nay là 21 năm, nếu đầu tư vào chỉ số VN-Index, hiệu quả đầu tư cao hơn đầu tư vàng, hơn đầu tư tại Mỹ, Trung Quốc, cao hơn chỉ số chứng khoán của các nước đang phát triển, cao hơn cả các thị trường cận biên, cao hơn chỉ số chung của thế giới. Đây cũng là một sự so sánh về sức lực của doanh nghiệp Việt Nam.

Chủ tịch Dragon Capital: Cơ hội vẫn còn, Việt Nam phải sớm hành động

Vậy theo ông, dòng vốn đầu tư của khối ngoại trên thị trường tài chính Việt Nam có bị ảnh hưởng sau đợt dịch bệnh lần này?

- Tôi mới từ nước ngoài trở về, gặp gỡ nhiều nhà đầu tư. Nhìn chung, họ không đặt câu hỏi xung quanh việc Việt Nam đang bị dịch bệnh vì hầu như nước nào cũng đã trải qua đại dịch, chỉ là nặng hay nhẹ. Nhà đầu tư tập trung nhiều hơn vào lối thoát, việc chuẩn bị, khả năng thiết lập, triển khai các chương trình, chính sách để bắt đầu lại nền kinh tế.

Sự đánh giá của các nhà đầu tư với Việt Nam vẫn tương đối tích cực so với một số vùng khác. Vì vậy, Việt Nam phải hành động.

Chủ tịch Dragon Capital: Cơ hội vẫn còn, Việt Nam phải sớm hành động

Nhưng thực tế, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, xu hướng chung của nhà đầu tư nước ngoài vẫn là bán nhiều hơn mua. Tại sao lại có hiện tượng này?

- Hai năm gần đây, đúng là có tình trạng các nhà đầu tư nước ngoài rút ra nhiều hơn đầu tư vào trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tất nhiên, có người đi, cũng có người đến. Với Dragon Capital, người đến vẫn nhiều hơn đi.

Xu hướng rút bớt vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam của khối ngoại có 2 nguyên nhân chính. Đầu tiên, thị trường Việt Nam là một thành phần của chỉ số các thị trường cận biên của thế giới. Chỉ số đó quá nhỏ, không thu hút được nhà đầu tư. Thị trường Việt Nam nằm trong chỉ số đó nên khi khối ngoại thanh lý chiến lược đầu tư, dù muốn hay không, họ cũng phải rút bớt vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.

Những năm gần đây, nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng thị trường Việt Nam từ cận biên sẽ thăng hạng lên mới nổi. Một số người đầu tư trước để đón đầu. Tuy nhiên, do tình hình nên thị trường Việt Nam chưa lên được thị trường mới nổi. Vì vậy, những nhà đầu tư đã chuẩn bị trước rút vốn về. Thêm vào đó, còn một yếu tố tác động là khi gặp một biến cố, tâm lý của nhà đầu tư là rút tiền về nhà trước. Đây là những nguyên nhân có tính kỹ thuật, liên quan vấn đề chung là quy trình chỉ số hóa thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chủ tịch Dragon Capital: Cơ hội vẫn còn, Việt Nam phải sớm hành động

Vậy chiến lược đầu tư chính của Dragon Capital trong giai đoạn dịch bệnh hai năm qua như thế nào? Quỹ của ông cũng phòng thủ hay nhìn thấy cơ hội nhiều hơn?

- Trong chứng khoán, phải có nhiều tầm nhìn khác nhau mới gọi là thị trường. Tầm nhìn dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, lướt sóng đều phải có trên thị trường. Tôi không thể tiết lộ chi tiết chiến lược đầu tư của Dragon Capital vì đồng nghiệp sẽ giết tôi mất (cười lớn). Chúng tôi nhìn về trung hạn, nghĩa là qua giai đoạn Covid-19, chúng tôi luôn chuẩn bị quản trị rủi ro để khi đối diện không bị ngã thuyền.

Trước khi có Covid-19, không ai nghĩ tới dịch bệnh nhưng đã phải luôn chuẩn bị về rủi ro trong đầu tư. Ai cũng phải chuẩn bị thanh khoản, không nên vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn, không bỏ hết quả trứng vào một giỏ.

Chúng tôi lúc nào cũng chú trọng mức độ chuyên nghiệp trong quản trị điều hành với các khoản đầu tư. Dragon cũng luôn chuẩn bị sẵn sàng thanh khoản, đa dạng hóa, quản trị rủi ro, tất nhiên phải có khả năng phản ứng nhanh nữa. Việc này mỗi nơi, mỗi quỹ đầu tư sẽ khác.

Trong giai đoạn này, chúng tôi đang chú trọng vào trung hạn, nắm lấy cơ hội để đi cùng các công ty đang đầu tư một cách lâu dài. Ví dụ một công ty Dragon Capital đang tham gia nếu có nhu cầu về nguồn lực nhưng đối tác ở nước ngoài lại không thể sang Việt Nam, họ sẽ phải vẽ lại phương án, tìm kiếm nguồn lực ngay tại Việt Nam thì chúng tôi có thể giúp họ.

Chủ tịch Dragon Capital: Cơ hội vẫn còn, Việt Nam phải sớm hành động

Hiện tại, Dragon Capital đang nghĩ nhiều đến khả năng phục hồi như thế nào sau dịch, phân tích các ngành sẽ hồi phục trước, các ngành có thể còn khó khăn. Chúng tôi cũng chú trọng những yếu tố đang được nhà đầu tư tài chính trên toàn cầu quan tâm. Đặc biệt là vấn đề ESG (môi trường, xã hội và quản trị).

Trong đó, môi trường là vấn đề càng ngày càng được các nhà đầu tư nước ngoài nhấn mạnh. Càng ngày, chúng ta càng nói nhiều hơn về biến đổi khí hậu. Việc này đòi hỏi các quỹ phải phân tích danh mục đầu tư của mình ảnh hưởng tới và bị ảnh hưởng thế nào bởi biến đổi khí hậu, môi trường. Trong báo cáo năm 2020, Dragon Capital lần đầu tiên phân tích danh mục đầu tư của mình trên 2 tiêu chí trên. Trải qua dịch bệnh, các nhà đầu tư toàn cầu lại càng chú trọng nhiều hơn đến những yếu tố có thể lâu nay đã phớt lờ như môi trường, đa dạng sinh học.

Chúng ta chưa biết đại dịch Covid-19 xuất phát từ đâu. Nhưng không thể phớt lờ quan điểm coi đây như là một lời cảnh báo của thiên nhiên với con người. Ngoài đại dịch, chúng ta còn nhìn thấy những vụ cháy rừng lớn trên toàn cầu ở cả châu Âu, Mỹ, Australia, rừng Amazon. Không ai có thể phủ nhận vấn đề biến đổi khí hậu. Không chỉ Việt Nam, cả thế giới đang phải ngày càng chú ý hơn đến môi trường, thiên nhiên khi đầu tư.

Trong suốt hai năm dịch bệnh, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh với thanh khoản đột biến, đặc biệt từ nhà đầu tư cá nhân mới. Theo ông, đây là sự trưởng thành bền vững của thị trường hay dòng vốn sẽ rút khỏi chứng khoán khi dịch qua đi?

- Ở Việt Nam và nhiều nước, trong giai đoạn dịch bệnh, chính sách tiền tệ được nới lỏng, ở nhà giãn cách, có sẵn công nghệ, smartphone, định danh điện tử (eKYC) đều là những yếu tố rất thuận tiện để chứng khoán thu hút mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều người cũng phân vân liệu xu hướng này chỉ do yếu tố dịch bệnh nhất thời hay đã kéo được một thành phần mới tham gia vào thị trường chứng khoán mãi mãi.

Nhiều nhà đầu tư kinh nghiệm, lâu năm, lớn tuổi thường cho rằng nhóm mới này chưa biết gì, mạo hiểm, rủi ro. Nhưng theo tôi, không hẳn là như vậy. Tại sao lại không coi đó là sự tham gia chứng khoán trung, dài hạn nhờ vào dịch bệnh, chính sách tiền tệ, công nghệ mới, thân thiện.

Mặt khác, cũng phải thừa nhận sự trưởng thành của hệ thống tài chính, thị trường vốn, chứng khoán Việt Nam so với 2-3 năm trước.

Nguồn tiền người dân gửi vào ngân hàng tăng lên, năm nào cũng hơn năm trước. Việc đó ảnh hưởng đến sự cân bằng trong mối quan hệ tiền gửi - tiền vay. Chúng ta thấy lãi suất tiền gửi đã hạ liên tục, không chỉ từ khi có dịch bệnh mà đã bắt đầu trước đó. Trước đây, lãi suất tiền gửi có lúc lên tới 9-10%/năm nhưng bây giờ chỉ còn 3-4%/năm.

Người dân có tiền gửi không kỳ hạn, tiền nhàn rỗi cao hơn nhiều so với nhu cầu trước mắt nên bắt đầu phát sinh nhu cầu đầu tư vào một nơi khác với lợi tức cao hơn. Có thể dễ dàng nhìn thấy hiện tượng này trong lịch sử các thị trường đi trước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan. Tỷ lệ phần trăm trên dân số bắt đầu tham gia chứng khoán, thị trường vốn sẽ ngày càng tăng lên.

Sự trưởng thành của thị trường chứng khoán bắt đầu từ giai đoạn dịch bệnh. Khi dịch qua đi, chưa thể biết liệu xu hướng có kéo dài hay không nhưng theo tôi nó vẫn tiếp tục. Lời khuyên của tôi là dù nhà đầu tư mới hay bất kỳ ai đầu tư cũng phải suy nghĩ về quản trị rủi ro.

Xin cảm ơn ông rất nhiều về cuộc trò chuyện!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả