Chủ tịch Deloitte Hà Thu Thanh: Thế hệ doanh nhân Sao Đỏ sẽ bứt phá
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng cùng với sự bùng nổ của công nghệ, các doanh nhân trẻ của Việt Nam sẽ cần nhiều yếu tố để có thể lớn mạnh xây đất nước hùng cường. Trong đó, tinh thần sẵn sàng kết nối cũng như minh bạch trong quản trị là những giá trị cốt lõi.
Trong tư duy và nhận thức của nhiều người những năm đầu thời kỳ Đổi Mới, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn bị nghi kỵ và chưa được coi trọng. Thế nhưng giờ đây, các doanh nhân Việt đang là một chủ thể quan trọng trong tiến trình đưa Việt Nam đi đến hùng cường với nhiều tỷ phú đô la, với khát vọng làm nên những doanh nhân, doanh nghiệp quốc gia.
Để thực hiện được khát vọng đó, bà Hà Thu Thanh, Phó chủ tịch câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn và kiểm toán Deloitte Việt Nam nhìn nhận, các thế hệ doanh nhân đã thành công cần tiếp tục giữ lửa và truyền lửa cho các doanh nghiệp trẻ thế hệ mới, cùng kết nối và chia sẻ về tinh thần doanh nhân, về kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp để có thể phát triển bền vững, đưa đất nước đi đến phồn thịnh.
Bà đánh giá như thế nào về từ khoá “kết nối” đối với các doanh nhân trẻ trong bối cảnh hiện nay?
Kết nối này có ba ý nghĩa. Thứ nhất là kết nối các tư tưởng phát triển với nhau nhằm tạo ra một cộng đồng doanh nhân mạnh để đi tiên phong, hướng tới khát vọng Việt Nam - khát vọng hình thành các doanh nhân quốc gia mang lại niềm tự hào cho đất nước.
Thứ hai, kết nối tạo ra giá trị lớn lao là kết nối của tư duy chiến lược trong nền kinh tế số, chuyển đổi số. Đó là công cụ kết nối để bất cứ giới hạn nào về quy mô, hạn chế nào về thời gian cũng sẽ được hoàn toàn hóa giải. Công nghệ số giúp doanh nghiệp bứt tốc cho dù là công ty đã thành lập từ lâu hay mới thành lập, cho dù doanh nghiệp ở quy mô lớn hay nhỏ.
Thứ ba là sự kết nối để thế hệ doanh nhân đi đầu đã rất thành công chia sẻ, dẫn dắt và tôn trọng sự phát triển của thế hệ doanh nhân mới nhằm tạo giá trị trường tồn, để những giá trị đó được tăng trưởng, phát triển trong nền kinh tế số.
Các doanh nghiệp quốc gia có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế, thưa bà?
Doanh nghiệp quốc gia sẽ là các doanh nghiệp dẫn đầu trong hành trình phát triển kinh tế đất nước, dẫn dắt sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Cho nên, “doanh nghiệp quốc gia” hay “doanh nhân quốc gia” là những thuật ngữ mới nhằm hỗ trợ, thúc đẩy khát vọng doanh nhân trong khu vực kinh tế tư nhân vốn vẫn tự coi là chưa quan trọng và chưa được ưu tiên.
Khát vọng trở thành doanh nghiệp quốc gia, doanh nhân quốc gia sẽ trở thành động lực và niềm tin cho các doanh nghiệp, doanh nhân phát triển mạnh mẽ hơn.
Với thế hệ doanh nhân trong thời đại mới, theo bà, đâu là giá trị cần tập trung?
Khi nói đến minh bạch, vấn đề tài chính thường được nhắc đến đầu tiên. Nhưng thực ra, trong quan niệm về quản trị công ty, với mục tiêu phát triển trung hạn, dài hạn và phát triển bền vững thì minh bạch gồm ba tầng. Thứ nhất, là minh bạch về chiến lược với các câu hỏi được đặt ra như: doanh nghiệp muốn đi đâu, muốn phát triển gì, muốn làm trong thị trường nào,… Thứ hai là minh bạch trong quản trị hệ thống; cụ thể, doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản trị nào, với những nguyên lý cơ bản nào,…
Minh bạch về quản trị là kết quả của minh bạch về chiến lược. Khi có minh bạch về chiến lược, minh bạch về quản trị thì minh bạch về tài chính là kết quả đầu ra – tầng thứ ba. Muốn có minh bạch về quản trị và chiến lược đòi hỏi thay đổi và nâng cấp tư duy của các doanh nhân và các lãnh đạo doanh nghiệp. Sự minh bạch đó cho doanh nghiệp sức mạnh và sự tin cậy của đối tác và cộng đồng, để họ có thể kết nối và phát triển thành công.
Phát triển bền vững cần được nhìn nhận từ góc độ chiến lược và quản trị công ty bởi nếu doanh nghiệp có tư duy chiến lược minh bạch, có mô hình quản trị minh bạch thì sẽ hỗ trợ cho việc thay đổi chính sách, chứ không ngồi chờ Chính phủ thay đổi chính sách.
Hiện nay, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam loay hoay giữa quản trị và quản lý. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Quản trị là nâng cao tầm doanh nghiệp để tạo những giá trị mới. Quản lý cũng giống như một người làm kế toán, chỉ lo làm sao không bị thất thoát tiền, nhưng một giám đốc tài chính từ góc nhìn quản trị thì sẽ phải tìm cách tạo lợi ích cho doanh nghiệp từ số tiền đó.
Tư tưởng về quản trị đâu đó bị nhầm lần với tư tưởng về quản lý. Làm quản trị tốt thì không thể tách rời quản lý. Chỉ làm quản lý tốt thì doanh nghiệp có thể đứng đó hoặc phát triển từng bước, nhưng để tạo đột phá thì tư duy quản trị phải được đặt ra. Quản trị là nói đến tầm chiến lược và định hướng lâu dài, đến quy mô lớn, trong một giai đoạn trung hạn là 3 năm, 5 năm và dài hạn là nhiều hơn nữa. Còn quản lý đơn giản là chỉ trong một khoảng thời gian nhất định, có thể là sáu tháng hoặc một năm.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã từng ở cấp độ thứ nhất của quản trị, nhìn mọi thứ trong một thời gian ngắn. Còn các doanh nghiệp bây giờ khi quản trị nên nhìn vào tầm nhìn, chiến lược, và đánh giá thường niên từng bước đi trong lộ trình trung và dài hạn. Sự nhầm lẫn đó cũng là bình thường, nhưng tôi tin rằng, quản trị công ty sẽ thay đổi và thúc đẩy tư tưởng lãnh đạo của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Vậy còn câu chuyện phát triển bền vững thì sao, thưa bà?
Chính vì thế, chuyển qua giai đoạn phát triển mới, doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả những doanh nghiệp đã phát triển, mới phát triển và mới hình thành, đều có nhận thức rằng, phát triển bền vững không chỉ trên trục kinh tế, mà trên cả trục tương tác với xã hội và môi trường tự nhiên.
Những doanh nghiệp có chiến lược phát triển bền vững như vậy thường sẽ có rất nhiều cơ hội để tìm được đối tác khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, khi có chiến lược phát triển bền vững, họ sẽ có mô hình quản trị công ty đặt chiến lược phát triển bền vững vào chiến lược kinh doanh. Thay vì chỉ đạt được mục tiêu về doanh thu và lợi nhuận, họ sẽ có rất nhiều cơ hội trong việc tham gia thị trường ngách trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đâu là sự khác biệt lớn nhất giữa thế hệ doanh nhân 20 năm trước và các doanh nhân trẻ hiện nay?
Trong một nền kinh tế phẳng, rõ ràng tốc độ cạnh tranh về công nghệ sẽ là một thách thức rất lớn bởi vì công nghệ đòi hỏi quy mô đầu tư không hề nhỏ trong khi khi quy mô của các doanh nghiệp còn chưa lớn. Nhưng bù lại, đó là cơ hội cho các doanh nghiệp vì nếu có chiến lược đầu tư một cách đúng đắn để vượt qua giai đoạn đầu tư ban đầu, chắc chắn sẽ có sự bứt phá ở giai đoạn sau.
Bởi vậy, thế hệ doanh nhân trẻ và doanh nhân Sao Đỏ kế tiếp là thế hệ của trí tuệ, của công nghệ, còn chúng tôi là thế hệ của kinh nghiệm. Khi thế hệ của trí tuệ, của công nghệ được kết nối với nền tảng của kinh nghiệm, tôi tin tưởng rằng thế hệ doanh nhân Sao Đỏ ít nhất trong mười năm tới sẽ bứt phá, và trong đó, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp và doanh nhân quốc gia với khát vọng Việt, kinh tế Việt phát triển hùng cường.
Bà kỳ vọng gì đối với các doanh nhân trẻ cũng như doanh nhân Sao Đỏ thế hệ mới?
Tôi tin tưởng rằng, những Sao Đỏ 2019 sẽ là thế hệ kết nối giữa các thế hệ doanh nhân Sao Đỏ của 20 năm và sẽ đánh dấu một hành trình, một thập kỷ phát triển mới. Các Doanh nhân Sao Đỏ 2019 được bình chọn đại diện cho chín ngành kinh tế khác nhau, là những doanh nhân đầy khát vọng phát triển, uy tín với chiến lược kinh doanh độc đáo.
Xin cảm ơn bà!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận