Chủ tịch Chu Ngọc Anh: "Hà Nội sẽ kiến nghị Quốc hội cho thực hiện một số nội dung chưa có trong luật"
Liên quan đến công tác cải tạo chung cư cũ, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, trước mắt báo cáo Chính phủ, Quốc hội để có nghị quyết cho TP thực hiện một số nội dung chưa có trong quy định pháp luật.
Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội vừa chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội triển khai công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.
Công tác cải tạo chung cư cũ rất cấp thiết
Theo thống kê, hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư (trong đó, có 34 khu có diện tích đất từ 2ha trở lên và 42 khu có diện tích đất dưới 2ha) và 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954.
Các chung cư xuống cấp, nguy hiểm tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử.
Hiện trạng quản lý, sử dụng phức tạp, đan xen trách nhiệm, quyền sử dụng giữa tư nhân, tổ chức, nhà nước; một số khu có xen kẽ các công trình nhà ở thấp tầng, trụ sở cơ quan, văn phòng, dịch vụ thương mại, hạ tầng xã hội (trường học, cơ sở y tế...)...
Diện tích căn hộ chung cư cũ nhỏ < 30m2, 30-50m2/căn; tình trạng quá tải số người ở tại các căn hộ không đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng; nhiều hộ dân đã tự cơi nới, sửa chữa, ảnh hưởng kỹ thuật và mỹ quan đô thị;
Có hiện tượng cơi nới lấn chiếm không gian chung; đồng thời, do không được duy tu bảo trì thường xuyên, hệ thống hạ tầng đô thị hư hại, dẫn đến nhiều chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, hư hại nặng, nguy hiểm cho người dân.
Quá trình triển khai rà soát, đánh giá toàn bộ các chung cư cũ theo các mức tình trạng kỹ thuật để lựa chọn kiểm định đối với chung cư cũ có dấu hiệu nguy hiểm cấp độ D;
Kết quả rà soát: có 42 chung cư mức 1, có 1.449 chung cư mức 2, có 88 chung cư mức 3, có 25 nhà còn lại đã được cải tạo, sửa chữa đảm bảo an toàn cho người sử dụng; đã tổ chức kiểm định 401 chung cư (gồm: cấp B có 148 chung cư; cấp C có 245 chung cư; cấp D có 08 chung cư, trong đó, 02 nhà cấp D đã hoàn thành cải tạo, xây dựng lại và đưa vào sử dụng là C1 Thành Công và B6 Giảng Võ).
Đến nay, 18 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, cơ chế trước đây thực hiện theo 3 mô hình sử dụng nguồn vốn: Vốn ngân sách, Vốn ngoài ngân sách có sự hỗ trợ từ Thành phố và Vốn ngoài ngân sách. Hiện nay, 14 dự án đang triển khai; các chung cư cũ còn lại chậm triển khai hoặc chưa có nhà đầu tư đề xuất.
Chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội.
Tất cả chung cư cũ đều đã hết niên hạn
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho rằng, cần rà soát lại các khu chung cư cũ đã thực hiện cải tạo, tổng kết các chính sách thời gian qua.
Theo ông Đông, hiện tất cả chung cư cũ trên địa bàn thành phố đều đã hết niên hạn sử dụng nên cần tập trung bố trí ngân sách để lập quy hoạch, từ đó kêu gọi chủ đầu tư tham gia.
Trong khi đó, liên quan đến công tác bố trí nguồn vốn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho rằng, thành phố chủ trương xã hội hóa trong thực hiện cải tạo chung cư cũ. Do đó, với những nội dung khó thực hiện, đặc biệt là vấn đề hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân; nên chăng thành phố có thể lấy ngân sách bù trừ, để nhà đầu tư tham gia được.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các quận: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hà Đông có những kiến nghị liên quan đến phân công, phân cấp; hệ số đền bù...
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, công tác cải tạo chung cư cũ là rất quan trọng, cấp thiết.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thành phố đã sát cánh cùng Bộ Xây dựng trong việc sửa đổi bổ sung Nghị định 101/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Ngoài ra, còn một số vướng mắc nằm ở Luật Nhà ở và tới đây tổng kết, sửa đổi Luật Thủ đô, cần sửa đổi, bổ sung các nội dung chính sách đặc thù.
Trước mắt là tập trung xem xét những vướng mắc còn lại tại Luật Nhà ở, báo cáo Chính phủ, Quốc hội để có nghị quyết cho TP thực hiện một số nội dung chưa có trong quy định pháp luật...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận