Chủ tịch Agribank: Nếu chạy đua hoàn thành văn bản hướng dẫn 3 luật liên quan bất động sản sợ sẽ "làm quấy quá cho xong"
Ngày 20/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Agribank cho biết, ông đồng tình Quốc hội xem xét, thông qua thời hạn hiệu lực sớm với các luật này. Ông lý giải có hiện tượng nhiều tỉnh đang e dè, chờ đợi luật mới có hiệu lực để triển khai.
Trên thực tế, nhiều tỉnh đang e dè chờ đợi luật mới có hiệu lực để triển khai, mặc dù luật cũ vẫn hiệu lực, nhiều người vẫn ngại vì đang thực hiện luật này mà sang đầu năm sau làm theo luật mới không biết thực hiện thế nào? Nên tốt nhất là chờ đợi. Vì vậy, nếu không cho Luật có hiệu lực sớm, đang ách tắc ở dưới.
Song, ông cũng lo ngại việc Chính phủ phải chạy đua để hoàn thành sớm các văn bản hướng dẫn, có thể dẫn đến tình trạng "làm quấy quá cho xong". Điều cốt lõi là phải đảm bảo chất lượng nhất, tập trung vấn đề khơi thông những bất cập ở đạo luật cũ gây cản trở, tạo sự thông thoáng, đi vào thực tiễn.
“Với tinh thần áp dụng điều khoản mới, tôi cho rằng các luật có hiệu lực sớm sẽ có lợi nhiều hơn có hại. Nhưng nó sẽ có khoảng trống nhất định, nhưng cái được sẽ nhiều hơn cái không được”, Chủ tịch Agribank cho hay.
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Agribank
Theo ông Ấn, nếu xác định từ ngày 1/8 các luật có hiệu lực, Chính phủ cần cam kết thực thi hiệu quả, tránh khoảng trống pháp luật, trục lợi chính sách. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc để Chính phủ với các địa phương chịu trách nhiệm thực hiện.
Về vấn đề này, ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, 4 luật này có tác động rất lớn đến toàn bộ vấn đề của nền kinh tế; nếu triển khai sớm sẽ có hiệu quả cao, gỡ bỏ những “nút thắt” trong thực tiễn.
Tuy nhiên, trong quá trình đẩy nhanh hiệu lực thi hành nếu không thận trọng sẽ có những vấn đề xảy ra; có yếu tố trước mắt nhưng cũng có những yếu tố tác động lâu dài. Đây là điều cần phải cân nhắc, suy nghĩ rất chín chắn.
“Không nên đặt mục tiêu phải hoàn thành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật trước 1/8, phải đặt chất lượng và tính đồng bộ lên cao nhất, nhưng cũng phải bảo đảm hoàn thành trong năm 2024 theo quy định của các luật được Quốc hội thông qua”, ông Cường cho ý kiến.
“Tôi đề xuất cho phép thực hiện sớm các luật này nhưng đặt ra yêu cầu Chính phủ phải hoàn thành các nghị định, thông tư hướng dẫn hoàn thành trước 31/12 với chất lượng cao nhất. Những nội dung trong Luật mới nếu khi thực hiện không được lợi như Luật cũ thì đối tượng thực hiện được lựa chọn từ nay cho đến 31/12”, ông Cường nói.
Còn đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá tác động toàn diện khi đẩy sớm hiệu lực thi hành của 4 luật; tập trung làm rõ những tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, doanh nghiệp, người dân để có giải pháp xử lý thích hợp, bảo đảm lợi ích tối ưu cho nhà nước, doanh nghiệp, người dân; đánh giá rõ và sâu hơn các điều kiện bảo đảm thực hiện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận