Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Nhiều quy định bị phản ánh như 'trên trời rơi xuống'
Theo ông Vũ Hồng Thanh, nhiều quy định các Bộ đưa ra bị phản ánh là vô lý, như "trên trời rơi xuống" khiến doanh nghiệp khó tuân thủ, điển hình như quy định PCCC.
Sáng 10/5, tiếp tục phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng đang có tâm tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, vòng vo. Theo ông Vũ Hồng Thanh, trước đây có thể đa số đồng thuận giải quyết và xử lý nhưng giờ chỉ cần một bộ, ngành không đồng ý là quay trở lại xin ý kiến, quy trình thủ tục rất mất nhiều thời gian, chi phí tăng cao.
"Các quy định mới doanh nghiệp nói rất vô lý, rất khó tuân thủ, ví dụ như quy định về phòng cháy, chữa cháy. Thậm chí trên mạng đưa tin có những quy định của các Bộ như "trên trời rơi xuống" và doanh nghiệp không thể nào thực hiện được", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.
Ông Vũ Hồng Thanh nêu thực trạng nhiều dự án đầu tư rồi, bổ sung thêm các phương tiện, thiết bị, vật liệu phòng cháy, chữa cháy rồi nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn. Từ đó, ông đề nghị trong thời gian tới, các cơ quan chức năng phải có biện pháp tháo gỡ, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong thủ tục phòng cháy, chữa cháy.
Bên cạnh đó, việc hoàn thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính báo cáo đã xử lý rồi, nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, có doanh nghiệp phản ánh chưa được hoàn thuế hàng trăm tỷ đồng. Doanh nghiệp tiếp cận tín dụng đã khó, nếu không được hoàn thuế thì lấy nguồn ở đâu để sản xuất, kinh doanh.
"Đề nghị Chính phủ sớm có cách giải quyết. Anh nào sai rồi thì xử lý nghiêm, còn anh nào làm đúng thì phải có cách. Còn bây giờ cứ treo như thế thì hoạt động sản xuất kinh doanh rất khó", ông Vũ Hồng Thanh kiến nghị.
Cho ý kiến thêm về vấn đề du lịch, ông Vũ Hồng Thanh nhận định du lịch quốc tế có tăng trưởng nhưng là so với nền trước đây không có khách, nếu so với năm 2019 (thời điểm trước dịch) thì tăng rất thấp. Khách nội địa tăng cao trên 100 triệu nhưng chất lượng, doanh thu từ du lịch không cao.
"Các kỳ nghỉ vừa qua, người dân mang cơm, đồ ăn thức uống đi sử dụng, doanh thu các nhà hàng không được bao nhiêu. Trên các trang mạng nói cách thống kê khách du lịch, có khi 1 người đi mấy tỉnh nhưng vẫn tính là mấy lượt khách. Cần xem lại thống kê và chất lượng phục vụ du lịch để phản ánh chính xác", ông Vũ Hồng Thanh nói.
Báo cáo tại phiên họp về tình trạng thiếu lao động tại một số nơi, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, trong thời gian qua vẫn còn tình trạng cục bộ vài nơi, vài thời điểm có sự chuyển dịch thị trường lao động, có nơi thừa, nơi thiếu lao động làm gián đoạn công tác sản xuất, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, các doanh nghiệp cũng có sự điều tiết, hạn chế khó khăn trong công tác sản xuất. Do đó, đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đánh giá các nội dung trong dự thảo báo cáo, tiếp thu các ý kiến đã phát biểu, phối hợp cùng các cơ quan hữu quan tổng hợp đầy đủ ý kiến của cử tri và Nhân dân, đối chiếu rà soát số liệu đảm bảo chính xác và thống nhất, bổ sung các nội dung về các vấn đề giảm tốc tăng trưởng, chậm phê duyệt quy hoạch, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… để hoàn thiện báo cáo đạt chất lượng cao.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị bổ sung các nội dung như: dịch bệnh trong trồng trọt và chăn nuôi, an ninh nguồn nước, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, phụ cấp cán bộ cơ sở trong lĩnh vực y tế, giáo dục…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận