Chủ khách sạn Đà Nẵng: Dù lỗ vẫn phải hoạt động
“Hiện tại các doanh nghiệp như chúng tôi gần như đều phải bù lỗ nhưng không thể không hoạt động. Bởi không hoạt động thì cơ sở hạ tầng hỏng hóc, nhân sự mai một kỹ năng”...
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Tổng giám đốc điều hành khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, dịch bệnh khiến tỷ lệ thất nghiệp tại Đà Nẵng tăng lớn nhất trong vòng 10 năm qua, tăng trưởng âm đến gần 10% năm 2020. Hơn 40% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động; 51% doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động với lực lượng nhân sự nòng cốt; gần 62% doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm từ 80-100%.
“Hiện tại các doanh nghiệp như chúng tôi gần như đều phải bù lỗ nhưng không thể không hoạt động. Bởi không hoạt động thì cơ sở hạ tầng hỏng hóc, nhân sự thui chột kỹ năng, do đó tình hình rất căng thẳng. Như quần thể Ariyana Đà Nẵng trước đây có hơn 800 nhân sự còn bây giờ cố gắng duy trì 200 nhân sự. Nhiều doanh nghiệp khác cũng trong tình cảnh tương tự”, ông Quỳnh nói.
Dẫn chứng số liệu khảo sát của ATM Asia rằng, 38,5% nhân sự đã có việc và không muốn quay trở lại nghề du lịch, ông Quỳnh nhận định, ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung gặp một thách thức rất lớn là nguồn nhân sự như thế nào.
Cũng theo ông Quỳnh, tính cách của người Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng là không bao giờ muốn phá sản, cố gắng cầm cự để không phá sản, vì thế nỗi lo về tài chính có thể khiến họ có quyết định sai lầm.
Trong khi các ngân hàng đều báo lãi khủng thì doanh nghiệp du lịch không tiếp cận được vốn vay; các chính sách về giãn nợ, giảm lãi suất cũng chưa được thực hiện triệt để.
Trước tình hình trên, ông Quỳnh đề xuất Nhà nước cần hỗ trợ giảm thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường các gói vay lãi suất thấp cho doanh nghiệp du lịch để phục hồi kinh doanh; trích nguồn Quỹ công đoàn để hỗ trợ cho người lao động thất nghiệp, đặc biệt là những lao động có con nhỏ…
Đối với doanh nghiệp, theo ông Quỳnh, trải qua một năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, chủ các doanh nghiệp cần đánh giá lại tình hình sức khoẻ tài chính, tập trung quản lý tài chính, đầu tư đúng chỗ; nên giữ cái gì, bán cái gì, chấp nhận “vết cắt” đau đớn để duy trì doanh nghiệp và đồng thời có kế hoạch dài hơi để tồn tại bao lâu, tồn tại như thế nào.
Về kết quả hoạt động du lịch năm 2020, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, năm 2020 là một năm vô cùng khó khăn của ngành du lịch Việt Nam nói chung và ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng. Dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu tăng trưởng về du lịch, nguồn thu ngân sách, kéo theo sự sụt giảm của các ngành thương mại, giao thông, xây dựng, kinh doanh bất động sản..., gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch.
Năm 2020, số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 2,7 triệu lượt, giảm 63,2% so cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế giảm 75,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt hơn 13 ngàn tỷ đồng, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Trên địa bàn thành phố có 3097 đơn vị kinh doanh lữ hành; 1.2398 cơ sở lưu trú du lịch, 4.464 hướng dẫn viên (trong đó có có 1.160 hướng dẫn viên nội địa và 3.304 hướng dẫn viên quốc tế). Trong thời gian qua, dịch bệnh đã tác động rất lớn đến ngành dịch vụ, du lịch, dẫn đến sự sụt giảm mạnh về lượng khách và ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố.
Theo bà Hạnh, trong thời gian tới, du lịch Đà Nẵng vẫn còn những khó khăn thử thách cần vượt qua, đó là phải giữ gìn điểm đến an toàn trước dịch bệnh; sự cạnh tranh điểm đến trong và ngoài nước; sự thay đổi về xu hướng, thị hiếu của khách du lịch.
Trong khi đó, doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn để khôi phục kinh doanh trong điều kiện thiếu vốn, thiếu nhân lực và phải trả lãi vay; Và nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch do lao động phải nghỉ việc quá dài đã chuyển sang làm ngành nghề khác.
Năm 2021, ngành du lịch Đà Nẵng phấn đấu số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ năm 2021 tăng 85-86% so với năm 2020 (ước đạt hơn 5 triệu lượt), trong đó khách quốc tế tăng 37-38% (ước đạt gần 970 ngàn lượt); doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tăng 85-86% so với năm 2020 (ước đạt hơn 8 ngàn tỷ đồng).
Để đạt được mục tiêu trên, bà Hạnh cho biết, ngành du lịch sẽ triển khai phương án đón và phục vụ khách quốc tế trong trạng thái bình thường mới khi chính phủ cho phép. Lập và triển khai phương án tổ chức khách sạn cách ly có thu phí phục vụ chuyên gia, doanh nhân, công dân Việt Nam nhập cảnh có nhu cầu; Chuẩn bị các sản phẩm du lịch mới như chương trình Đêm Đà Nẵng, Bãi biển đêm Mỹ An, Du lịch đường thủy nội địa, Phát triển du lịch cộng đồng tại Hòa Bắc, Hòa Ninh và Nam Ô...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận