24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thanh Nga
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chủ homestay vùng núi phía Bắc ồ ạt rao bán "cắt lỗ" tiền tỷ vì ngấm đòn Covid-19

Trào lưu kinh doanh homestay, farmstay mới nở rộ tại vùng núi phía Bắc khoảng 5 năm gần đây. Nhưng đến nay, khi tình hình dịch bệnh phức tạp, nhu cầu du lịch bị nén lại khiến các chủ đầu tư rơi vào cảnh 'tiến thoái lưỡng nan'.

Các tỉnh miền núi phía Bắc với nhiều lợi thế từ thiên nhiên, không khí trong lành, mát mẻ, địa hình đồi núi trùng điệp. Hơn nữa, với đa dạng phong tục tập quán của các đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, giao thông kết nối tại các vùng này được chú trọng đầu tư nên rất thuận lợi di chuyển, đã tạo nên sự phát triển mạnh mẽ về du lịch.

Chủ homestay vùng núi phía Bắc ồ ạt rao bán "cắt lỗ" tiền tỷ vì ngấm đòn Covid-19
Trong những năm gần đây mô hình kinh doanh homestay, farmstay tại các tỉnh miền núi phía Bắc nở rộ nhanh chóng. (Trong ảnh là một homestay ở Sơn La). Ảnh Nguyễn Minh

Theo đó, tận dụng vào nhiều lợi thế trên, các mô hình kinh doanh homestay, farmstay tại vùng này ngày càng nở rộ. Trong 5 năm gần đây, không ít người đã mạnh tay xuống tiền cả vài chục tỷ đồng để đầu tư.

Tuy nhiên, từ năm 2020, dịch bệnh bất ngờ ập tới, hoạt động du lịch bị hạn chế. Trải qua 2 năm vắng khách nhưng chi phí vận hành vẫn mất cả vài chục triệu đồng/tháng. Đến nay, khi đã đủ thấm đòn từ dịch bệnh và nợ nần khiến nhiều nhà đầu tư buộc phải rao bán.

Theo khảo sát của PV Dân Việt, tại một số trang tin bất động sản xuất hiện nhiều homestay, farmstay đang được rao bán với giá từ 10 - 20 tỷ đồng, kèm theo đó là lời quảng cáo bán "cắt lỗ".

Đơn cử, một farmstay tại Tà Phìn (Sapa, Lào Cai), với diện tích 1.000m2, có tới 11 phòng từ trung cấp tới cao cấp, được hoàn thiện bằng các loại gỗ quý, đang được chào bán với mức giá gần 16 tỷ đồng. Bên cạnh đó, môi giới còn nhấn mạnh "đây là mức giá hữu nghị trong mùa Covid".

Chủ homestay vùng núi phía Bắc ồ ạt rao bán "cắt lỗ" tiền tỷ vì ngấm đòn Covid-19
Xuất hiện nhiều thông tin homestay, farmstay rao bán "cắt lỗ". Ảnh chụp màn hình

Chia sẻ với PV, chị Ngọc Huyền (sinh sống tại Hà Nội) cho biết, năm 2019 chị đã chi hơn 7 tỷ đồng để mua 3.000m2 đất tại Mộc Châu (Sơn La) để xây dựng farmstay. Sau khi mua bán hoàn tất, chị tiếp tục chi thêm 7 tỷ đồng để cải tạo đất trồng cây, xây dựng 10 phòng cho thuê nghỉ dưỡng, mua sắm trang thiết bị phục vụ.

Theo chị Huyền tính toán, nếu tình hình kinh doanh thuận lợi thì nhanh nhất trong 5 năm sẽ thu hồi được vốn. Tuy nhiên, mọi toan tính của nhà đầu tư này đều đổ vỡ khi mới chỉ đi vào hoạt động được 4 tháng, lượng khách vẫn chưa có nhiều thì đến đầu năm 2020 dịch bệnh bùng phát, khiến nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng bị nén lại.

"Chưa đi vào kinh doanh được bao lâu thì dịch bệnh tới. Mặc dù sử dụng chưa nhiều và liên tục vắng khách nhưng tiền nhân viên, tiền chăm sóc cây cối, phí vận hành vẫn mất 40 triệu đồng/tháng. Chưa kể tổng chi phí đầu tư hết gần 15 tỷ đồng thì trong đó có 7 tỷ đồng tôi đi vay, tiền lãi vẫn phải trả đều đến nay", chị Huyền kể.

Chị Huyền cũng trăn trở vì chưa biết bao giờ dịch bệnh mới kết thúc để tiếp tục kinh doanh bình thường. Đến đầu tháng 8/2021, vợ chồng chị đã quyết định rao bán farmstay với giá 14 tỷ đồng. Nhưng đến nay đã trải qua 1 tháng vẫn không có ai quan tâm.

"Thực tế dịch bệnh phức tạp, kể cả có người quan tâm cũng khó tới để xem được. Tôi cũng không còn đủ tiền để duy trì nên bán. Với số vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng, cộng thêm chi phí từ đó tới nay, nếu bán được giá 14 tỷ đồng là tôi đã lỗ gần 2 tỷ đồng, sau 2 năm đầu tư rồi", chị Huyền thất vọng nói.

Theo ông Phí Ngần - nhà đầu tư lâu năm ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cho biết, trong 2 năm, liên tiếp 4 đợt dịch khiến nhiều nhà đầu tư ở phân khúc du lịch, nghỉ dưỡng lao đao.

Nhà đầu tư này cho hay, đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng để kinh doanh phức tạp hơn việc chỉ mua đất nền để không chờ lãi bán rất nhiều. Bởi lẽ, đã kinh doanh dịch vụ sẽ phải chịu chi phí rất lớn từ việc cải tạo, nâng cấp, tiền lương nhân viên,...

"Thực tế nếu mua đất để không một thời gian sẽ có lãi, nhưng khi đã chi tiền tỷ xây dựng mà tình hình kinh doanh không tốt do ảnh hưởng từ dịch, thì việc các nhà đầu tư không chịu được áp lực tài chính từ nợ nần và các chi phí vận hành, buộc sẽ phải rao bán cắt lỗ", ông Ngần nói.

Bên cạnh đó, ông Ngần cho biết, trong những năm đây, du lịch ở các tỉnh miền núi phía Bắc thu hút được nhiều người quan tâm tới. Không ít nhà đầu tư tưởng đây là "miếng bánh ngon" đã mạnh dạn chi tiền từ vài chục tỷ đến cả trăm tỷ đồng. Nhưng thực tế nếu không có điều kiện dư giả mà sử dụng đòn bẩy tài chính, khi dịch bất ngờ ập tới tình hình kinh doanh không ổn định thì nhà đầu tư rất dễ rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan".

Ngoài ra, ông Ngần cũng nhấn mạnh: "Số tiền để đầu tư homestay, farmstay kinh doanh rất lớn. Hơn nữa, thời gian thu hồi vốn cũng rất lâu, nếu tình hình kinh tốt thì nhanh nhất là 3 năm, nếu không có thể kéo dài tới 5 - 7 năm".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả