Chủ động ứng phó rủi ro pháp lý do dịch Covid-19
Cùng với những cơ hội sản xuất kinh doanh đang mở ra, các đơn hàng quay trở lại, doanh nghiệp (DN) cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro về pháp lý, tài chính, bị phạt hợp đồng… do tác động của đại dịch Covid-19. Làm thế nào để DN đối phó và phòng ngừa các rủi ro này?
Phương thức giải quyết tranh chấp thân thiện và hiệu quả nhất với doanh nghiệp là thương lượng hợp đồng. Ảnh: NC st |
Chia sẻ về khó khăn của một dự án ngành sợi có tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, ông Võ Đình Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Dệt - May Nha Trang cho biết, đến nay, công tác đấu thầu mua sắm thiết bị đã hoàn tất. Tuy nhiên, nhà thầu trúng thầu cho biết không thể đáp ứng yêu cầu thời hạn giao hàng như cam kết là từ 6 - 9 tháng, mà kéo dài tới 16 tháng, thậm chí tới 22 tháng, với lý do là ảnh hưởng của dịch Covid-19. DN đứng trước nhiều rủi ro về tài chính, thời hạn đưa Nhà máy vào khai thác, chậm trễ giao hàng…
Ông Vương Vĩnh Hiệp, Tổng giám đốc Công ty TNHH Long Sinh cho biết, ngoài chi phí “3 tại chỗ”, thời gian qua, DN gặp rất nhiều khó khăn trong lưu thông hàng hóa, chuyển phát các chứng từ và chứng thư kiểm dịch thú y… DN đã phải chịu phạt 5.000 USD từ đối tác Nhật Bản vì chứng từ đến chậm, không kịp giải phóng hàng hóa…
Gặp nhiều khó khăn trong thực hiện hợp đồng thời gian qua, nhiều DN có xu hướng lấy dịch Covid-19 làm sự kiện bất khả kháng để lý giải nguyên nhân không thực hiện được hợp đồng. Mới đây, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2021.
Tuy nhiên, theo một số luật sư, không dễ áp dụng quy định này bởi phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể và vẫn phải chờ phán quyết cuối cùng của trọng tài hoặc tòa án. Trong thời gian chờ đợi phán quyết của tòa, có khi DN đã phá sản. Không ít trường hợp gặp khó khăn trong việc chứng minh không thể thực hiện được hợp đồng do Covid-19 mặc dù đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết.
TS. Lê Xuân Thân - Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tại Khánh Hòa, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa cho rằng, khi tái khởi động sản xuất kinh doanh sau giãn cách xã hội, DN cần lường trước các tình huống có thể xảy ra, DN có thể là bên vi phạm hoặc là bên bị vi phạm hợp đồng.
Khi xảy ra tranh chấp hợp đồng, theo ông Thân, DN có thể lựa chọn cách giải quyết theo hướng thuận tiện và dễ thực hiện hơn là dựa vào quy định về hoàn cảnh thay đổi cơ bản để đàm phán điều chỉnh hợp đồng với đối tác. Phương thức giải quyết tranh chấp thân thiện và hiệu quả nhất là thương lượng hợp đồng, trước khi nhờ bên thứ ba làm trung gian - đưa ra trọng tài để hòa giải hay khởi kiện ra tòa án để giải quyết tranh chấp.
Đồng thuận với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Giảng viên cao cấp Đại học Ngoại thương Hà Nội, Trọng tài viên VIAC cho rằng, quy định pháp luật về trường hợp áp dụng sự kiện bất khả kháng khá ngặt nghèo. Điều này có thể dẫn đến xung đột trong việc áp dụng khi đối tác nước ngoài của DN có cách hiểu khác về điều kiện áp dụng sự kiện bất khả kháng. Thực tế cho thấy, nhiều hợp đồng vẫn có thể thực hiện được nhưng bị kéo dài thời gian cung cấp như trường hợp của Dệt - May Nha Trang, nhưng chi phí gia tăng, chậm trễ giao hàng, DN không có lãi, thậm chí lỗ.
“Khi chi phí đầu vào tăng (chi phí, cước logistics tăng…), hợp đồng nên mở ra hướng để hai bên đàm phán, thỏa thuận lại hợp đồng, điều chỉnh lên, xuống cho phù hợp để cùng chia sẻ rủi ro, duy trì hợp đồng và đối tác làm ăn lâu dài”, bà Hằng gợi mở.
Từ các bài học thực tế, bà Hằng lưu ý, DN nên dành thời gian, kinh phí để kiểm tra đối tác trước khi ký kết bất cứ một giao dịch nào; thận trọng hơn khi đàm phán các điều khoản của hợp đồng và quản lý chặt chẽ việc thực hiện điều khoản hợp đồng đó thông qua phương tiện điện tử.
“Ngay khi đối tác lùi thời gian giao hàng là 16 - 22 tháng thay vì 6 - 9 tháng như cam kết ban đầu, DN cần phải kiểm tra lại thông tin từ nhiều nguồn khác nhau (đối tác khác của đối tác, hiệp hội DN, tham tán thương mại…) để có cơ sở đàm phán hợp đồng, chứ không chỉ dựa một chiều vào thông tin do đối tác cung cấp”, bà Hằng nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận