Chủ động tận dụng cơ hội giữa bất ổn
Doanh nghiệp cần có sự tỉnh táo để nhận diện chính xác về các cơ hội, các điều kiện để hiện thực hóa cơ hội, tránh lạc quan thái quá hay kỳ vọng không căn cứ, dẫn tới những rủi ro cho tương lai kinh doanh của chính doanh nghiệp.
Thêm FTA đồng nghĩa với tăng trưởng xuất khẩu và GDP tốt hơn, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, đúc kết từ kinh nghiệm theo sát tiến trình hội nhập kinh tế của đất nước. “Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA đã trở thành “liều thuốc” tiếp sức cho kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch", bà Trang nói. Tuy nhiên để tận dụng tốt hơn nữa các FTA, đặc biệt FTA thế hệ mới, sự chủ động của chính bản thân doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất.
Hiệu ứng tích cực từ FTA
Khảo sát năm 2022 của VCCI cho thấy 63,2% doanh nghiệp cho biết, các FTA đã có tác động tích cực tới hoạt động kinh doanh của họ trong 5 năm trở lại đây. Tăng trưởng kinh tế cũng đang có sự cộng hưởng rất lớn của các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - một trong những động lực đóng góp khá lớn làm cho tăng trưởng kinh tế tốt hơn trong đại dịch Covid-19.
Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước CPTPP đạt 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP đạt 45 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), sau 2 năm triển khai (từ tháng 8/2020 đến hết tháng 7/2022), tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 83,4 tỷ USD, trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn so với tỷ lệ trung bình 24% giai đoạn 2016-2019 (33,5 tỷ USD/năm). Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA (sử dụng C/O mẫu EUR.1) năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong 6 tháng đầu năm 2022.
“Việc xuất khẩu tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan EVFTA giai đoạn đầu và các lợi ích từ việc thực thi EVFTA có thể lan tỏa tới nhiều khu vực dân cư yếu thế trong các lĩnh vực nông thủy sản, khu vực sử dụng nhiều lao động nữ…”, một chuyên gia từ Bộ Công thương cho biết.
Những lợi ích khác ít trực diện hơn xuất khẩu, nhưng cũng có ý nghĩa quan trọng, cũng đã bắt đầu trở thành hiện thực với một số doanh nghiệp. Khảo sát của VCCI cho biết 37,8% doanh nghiệp ghi nhận EVFTA với các lợi ích tiềm năng to lớn đã thúc đẩy các cơ hội hợp tác, liên kết với các đối tác để tận dụng sự gia tăng “cầu” từ Hiệp định này; 22,9% doanh nghiệp được hưởng lợi từ EVFTA thông qua việc có thể tiếp cận các nguồn cung từ EU đa dạng và thuận lợi hơn; 20,1% doanh nghiệp đã có thể tiếp cận các dịch vụ thuận lợi hơn, với giá cả/chất lượng tốt hơn khi giao dịch với các đối tác EU.
Cuối cùng, một số lợi ích cụ thể khác từ EVFTA cũng được các doanh nghiệp ghi nhận như khả năng doanh nghiệp mở rộng đầu tư sang EU thuận lợi hơn (12,6%), một số tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp được bảo vệ tốt hơn nhờ hiệp định (9,4%)…
Ngay cả với RCEP là hiệp định rất ít ý nghĩa từ góc độ thuế quan, tuy nhiên Giám đốc Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, RCEP lại cho lợi thế trực tiếp và quan trọng nhất là việc hài hòa hóa nguồn gốc xuất xứ khu vực với việc áp dụng phương pháp cộng gộp tỷ lệ xuất xứ từ sự cộng hưởng RCEP và 14 FTA khác mà Việt Nam đang có. Từ đó mở ra khá nhiều cơ hội và lợi ích cho các xuất khẩu nội khối khi nguồn cung, nguồn trung gian của phần lớn sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đến từ khu vực RCEP và đầu ra của một số sản phẩm cũng ở khu vực này.
"Khi cả chuỗi cung ứng nằm trong cùng một khu vực và có một bộ xuất xứ hoàn chỉnh thì đó chính là lợi thế để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn, nhiều hơn, hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu", bà Trang nói.
Trong bối cảnh mới, tận dụng FTA cần tư duy mới
TS. Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, năm 2023, Việt Nam sẽ vẫn phải đối mặt với dư âm của 3 cú sốc lớn thời gian qua, đó là dịch Covid-19; khủng hoảng năng lượng và chiến sự Ukraine khiến lạm phát và thực phẩm tăng mạnh, xu hướng tiêu dùng thay đổi; cùng với đó là sự biến động của các đồng tiền thanh toán.
Bên cạnh những khó khăn "ngoại thân" còn là yếu tố nội tại. Khảo sát năm 2022 của VCCI chỉ ra mức độ quan tâm và chủ động tìm hiểu các FTA của doanh nghiệp dù cải thiện nhưng vẫn khá khiêm tốn khi chỉ có 26,07% doanh nghiệp biết rõ, còn lại 18,16% doanh nghiệp không biết, 55,77% doanh nghiệp biết sơ sơ.
Báo cáo VPE500 2021 cho thấy 94% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, không đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.
Bên cạnh đó là vẫn còn hiện tượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật chậm hơn cam kết làm hạn chế khả năng tận dụng các lợi ích mà các hiệp định FTA có thể mang lại cho doanh nghiệp...
Từ những thách thức và tồn tại này, ông Lê Xuân Sang chỉ ra để tận dụng FTA cần có tư duy mới trong bối cảnh mới. Trong đó, ông nhấn mạnh việc thực hiện FTA thế hệ mới đòi hỏi phải có doanh nhân thế hệ mới, có “tri thức toàn cầu, hiểu biết địa phương/nước sở tại”.
Trong đó, doanh nghiệp chủ động gia tăng chất lượng hàng hóa, chinh phục các thị trường; hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng và chuẩn bị các biện pháp đối phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, các điều kiện trong giao thương, nâng cao năng lực; đồng thời, nỗ lực thay đổi tâm thế đương đầu cú sốc, tức là để chiếm lĩnh thời điểm bây giờ có nhiều cơ hội mở ra từ các cuộc khủng hoảng khi các chuỗi cung ứng đang được vẽ lại, xu hướng tiêu dùng thay đổi...
"Việt Nam cần tận dụng những cơ hội “trăm năm có một” khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy do các sự kiện địa chính trị, trong đó có một số mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh", ông Sang chỉ ra.
Doanh nghiệp cần khai thác tốt cơ hội từ các FTA |
Tuy nhiên sự nhận thức về các cơ hội và thách thức từ hội nhập và sau đó là chuẩn bị tương ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh phải bắt đầu bằng sự chủ động của chính doanh nghiệp. Bởi công tác xây dựng pháp luật thực thi các cam kết hội nhập có hiệu quả không, có thể hiện tốt nhất thực tiễn của doanh nghiệp trong khi vẫn bảo đảm tuân thủ cam kết hay không cũng phụ thuộc vào sự chủ động tìm hiểu, cung cấp thông tin, tham gia góp ý của doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp cần có sự tỉnh táo để nhận diện chính xác về các cơ hội, các điều kiện để hiện thực hóa cơ hội, tránh lạc quan thái quá hay kỳ vọng không căn cứ, dẫn tới những rủi ro cho tương lai kinh doanh của chính doanh nghiệp. Đồng thời, cần chú ý là việc tìm hiểu các cam kết các FTA cần được thực hiện trong tổng thể chung mà không phải là nhìn đơn lẻ một hiệp định, bởi mỗi FTA là một cơ hội để lựa chọn", nghiên cứu của VCCI chỉ ra.
Kỳ vọng tham gia chuỗi cung ứng ở phần thượng nguồn cao hơn
Thực chứng cũng cho thấy, câu chuyện phát triển của từng ngành cũng đặt ra những yêu cầu, tâm thế tham gia FTA khác nhau. Như với ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành xác định không phụ thuộc, vì vậy cần hướng tới chuỗi cung ứng tự cường và bền vững trong nước từ bông vải, dệt nhuộm đến may mặc để tận dụng các ưu đãi xuất xứ.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên thường trực Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghệ hỗ trợ Việt Nam nhấn mạnh, việc tự chủ hay tham gia chuỗi phải phù hợp với bài toán kinh tế và phát triển dựa trên lợi thế đất nước.
Đề cập đến trường hợp ngành điện tử vẫn đang chịu sự “thống trị” của khu vực FDI, bà nói: "Đây là sự phân công lao động sản xuất không có gì đáng xấu hổ. Quan trọng là làm sao để doanh nghiệp Việt được tham gia vào chuỗi cung ứng này ở hàm lượng công nghệ cao hơn, giá trị gia tăng cao hơn mà thôi".
Hiện, bản đồ của ngành điện tử toàn cầu đang được vẽ lại, chuỗi cung ứng toàn cầu đang được điều chỉnh lại với những cơ hội thách thức nhiều hơn cho doanh nghiệp Việt. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới cũng đang đang tìm cách đầu tư vào thượng nguồn Việt Nam.
Đã có rất nhiều đối tác từ chuỗi cung ứng truyền thống Foxconn, Apple, thậm chí như các công ty đến từ Canada và Đan Mạch cũng là công ty IT hàng đầu mong muốn tiếp cận cả chuỗi cung ứng của Việt Nam. Thậm chí tháng 10/2022, Hãng Boeing cũng đã tổ chức hội thảo với mong muốn thiết lập chuỗi cung ứng Boeing tại Việt Nam.
"Cho nên, chúng ta không mơ hoang mà hoàn toàn kỳ vọng có thể tham gia chuỗi cung ứng ở phần thượng nguồn cao hơn. Nhưng điều này hoàn toàn phụ thuộc vào định hướng, chính sách của Chính phủ để doanh nghiệp có thể vững tin vào ngành công nghiệp vô cùng tiên tiến nhưng đầy rủi ro này", bà nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận