Chủ động “sống chung” với đại dịch
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và chưa biết lúc nào mới kết thúc, theo các chuyên gia, đã đến lúc doanh nghiệp phải tìm cách “sống chung” với đại dịch bằng nỗ lực của chính mình và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau thay vì trông chờ vào chính sách hỗ trợ.
Khó khăn chưa từng có
Phát biểu tại Tọa đàm “Giải pháp kinh tế và pháp lý giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch”, TS. Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, hiện nay Chính phủ đang nỗ lực kiểm soát dịch, đưa Việt Nam về trạng thái bình thường mới và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, những đổ gãy, khó khăn của doanh nghiệp đang hiện hữu và có rất nhiều câu hỏi cần lời giải đáp.
Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nêu lên 5 vấn đề doanh nghiệp quan tâm đó là: Khi nào hết giãn cách; trong giãn cách làm thế nào để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; doanh nghiệp cần chuẩn bị gì trong trạng thái bình thường mới; lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh khi chính sách giãn cách khác nhau và hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau giãn cách.
Theo các chuyên gia, chế biến nông thủy sản ở đồng bằng Sông Cửu Long là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất từ đợt dịch lần này. Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP. Cần Thơ cho biết, nếu như các ngành chế tạo có thể lưu trữ được nguyên liệu để phục hồi sản xuất thì các ngành chế biến nông - thủy sản không thể không thu hoạch, bởi điều đó sẽ gây tổn thất lớn cho nông dân. Trong khi thu hoạch được thì lại gặp khó trong khâu bảo quản, lưu trữ do yêu cầu về kho lạnh. Việc tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn do ách tắc trong khâu vận chuyển, lưu thông… Bên cạnh đó, chính sách để duy trì sản xuất thì có nhưng địa phương triển khai chưa đồng nhất gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đơn cử như 13 tỉnh ở đồng bằng Sông Cửu Long thì có 13 chính sách, quy định khác nhau. Trong khi quá trình đưa nông sản từ cánh đồng đến nhà máy không thể ở cùng một địa phương.
Chưa kể, theo bà Võ Thị Thu Hương - Phó giám đốc VCCI Chi nhánh TP. Cần Thơ, đã có sự đổ vỡ trong chuỗi giá trị khi thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, như đối với ngành chế biến thủy hải sản, trước áp lực về tài chính và sức ép tâm lý người lao động…
Số liệu thống kê cũng cho thấy, chỉ trong 3 tháng của quý II, tại đồng bằng Sông Cửu Long đã có 10.000 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường, trong khi 6 tháng đầu năm con số này chỉ là 3.000 doanh nghiệp. Trong khi trên phạm vi cả nước, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng qua lên tới 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020; trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Ông Lam khẳng định đây là khó khăn lớn nhất từ trước tới nay và cũng là đợt dịch ảnh hưởng lớn nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện.
Chủ động “sống chung” với đại dịch
Trả lời cho câu hỏi khi nào sẽ hết giãn cách của doanh nghiệp, ông Phạm Bình An cho rằng, Chính phủ và các địa phương đang nỗ lực tối đa để khống chế dịch bệnh, thế nhưng câu trả lời vẫn là bất định. Vì vậy ngay lúc này doanh nghiệp phải xác định “sống chung” với dịch.
Về phương án sản xuất trong thời điểm giãn cách, hiện đã có nhiều thay đổi, đơn cử như TP.HCM đã cho phép doanh nghiệp hoạt động theo 4 mô hình với mục tiêu nâng tỷ lệ 5%-10% doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất trong điều kiện an toàn.
Tuy nhiên, để có thể giữ vững hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, cần có sự phối hợp của ba bên: Chính quyền - doanh nghiệp và người lao động. Cụ thể, chính quyền cần có chính sách trao quyền chủ động cho doanh nghiệp, chỉ hỗ trợ về mặt chuyên môn; doanh nghiệp xây dựng mô hình, chịu trách nhiệm vận hành; người lao động có vai trò tham gia, tuân thủ nghiêm túc.
Bên cạnh đó, trước khi nhà nước trao quyền cụ thể thì doanh nghiệp phải chủ động hết sức, đặc biệt không nên “bơi” một mình mà cần liên kết với nhau, liên kết với hiệp hội và học hỏi các kinh nghiệm tốt từ doanh nghiệp bạn. Ông Nguyễn Phương Lam dẫn chứng, trong cùng một khủng hoảng, các doanh nghiệp nước ngoài thường có xu hướng tự tìm cách xử lý thay vì trông đợi sự hỗ trợ từ Chính phủ, do đó, quan trọng là sự chủ động, không ai hiểu doanh nghiệp bằng chính chủ doanh nghiệp, cần đưa ra chiến lược để tự cứu lấy mình.
Bên cạnh đó, cần có sự thống nhất của các địa phương theo quy định của Chính phủ để tránh gây tổn thất về thời gian và chi phí xét nghiệm nhanh Covid-19 cho doanh nghiệp; đẩy nhanh tốc độ triển khai chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng do Covid-19 trên từng địa phương. Đồng thời, ưu tiên tiêm ngừa vaccine cho người lao động tham gia sản xuất 3 tại chỗ để đảm bảo sản xuất liên tục, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, tạo tâm lý an tâm cho người lao động.
Đối với băn khoăn của doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc phải đền hợp đồng khi không thể giao hàng đúng hạn, PGS.TS. Đỗ Văn Đại - Trưởng khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP.HCM, Trọng tài viên VIAC cho rằng, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng công cụ pháp lý về “sự kiện bất khả kháng” để vượt qua khó khăn này. Cụ thể, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quy định một sự kiện được coi là bất khả kháng tại khoản 1 Điều 156: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Chính vì vậy, nếu vì dịch Covid-19 mà cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định dừng hoạt động từ đó doanh nghiệp không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng thì doanh nghiệp có thể viện dẫn “sự kiện bất khả kháng” để miễn thực hiện nghĩa vụ, miễn trách nhiệm.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý bản thân dịch Covid-19 không là sự kiện bất khả kháng bởi lẽ trong nhiều trường hợp vẫn có thể thực hiện hợp đồng ngay trong dịch bệnh. Chính vì vậy phải tùy vào hoàn cảnh cụ thể để xem xét chứ doanh nghiệp không được sử dụng một cách tùy tiện sự tồn tại của dịch Covid-19 để được miễn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng trên danh nghĩa của “sự kiện bất khả kháng”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận