24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lý Bằng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chủ động nắm bắt cơ hội từ EVFTA

Theo chương trình làm việc Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội, trong tuần này, UBTV Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Để đón được những lợi ích từ EVFTA, lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu sau dịch Covid-19, câu hỏi được nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm đặc biệt hiện nay là cần phải chuẩn bị những gì?

Nhiều ngành hàng xuất khẩu được hưởng lợi

Nghiên cứu đánh giá về tác động của EVFTA tới Việt Nam vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cho thấy, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành sang EU đến năm 2025, dự báo cũng rất tích cực. Đơn cử, với nhóm hàng nông sản, gạo tăng thêm 65%; đường tăng thêm 8%; thịt lợn tăng 4%; lâm sản tăng 3%; thịt gia súc, gia cầm tăng 4%; đồ uống và thuốc lá tăng 5%. Với nhóm ngành dịch vụ, vận tải thủy có thể tăng trưởng 100%, vận tải hàng không tăng 141%...

Đánh giá tác động tới ngành dệt may, dự báo đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% so với không có Hiệp định. Về sản lượng, nhìn chung EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% đối với ngành dệt và 14% với ngành may vào năm 2030.

Tương tự, với ngành da giầy, khi EVFTA có hiệu lực sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu vào EU. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tốc độ tăng xuất khẩu vào EU dự báo sẽ gấp đôi vào năm 2025, và tổng xuất khẩu giày da sẽ tăng khoảng 34%, sản lượng của toàn ngành tăng ở mức 31,8%. EVFTA cũng tạo cơ hội để Việt Nam cải thiện công nghệ sản xuất trong nước.

3 việc doanh nghiệp cần hành động ngay

Cùng với cơ hội từ EVFTA, nghiên cứu trên nhận định, EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức với Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam sẽ phải cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế, DN và hàng hóa, dịch vụ trong nước. Thứ hai, Hiệp định cũng bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, phát triển bền vững… Thực hiện đầy đủ các quy định này đòi hỏi Việt Nam phải cải cách hệ thống pháp lý.

Trước những thách thức này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng không đáng ngại nếu DN có sự chuẩn bị tốt để nắm bắt cơ hội. Cạnh tranh cũng được coi là động lực cho các DN liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. “EVFTA đặt ra yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật sẽ thúc đẩy chúng ta làm mới mình, phù hợp với các xu thế phát triển mới trên thế giới”, ông Trần Tuấn Anh nhìn nhận.

Để tận dụng tốt các cơ hội, Bộ Công Thương khuyến nghị DN Việt Nam có thể bắt đầu triển khai một số hành động. Đầu tiên và quan trọng nhất là các DN cần chủ động tìm hiểu thông tin về EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định đối với những mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.

Hai là, việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất... “Cần lưu ý là để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, DN cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ và tiêu chuẩn kỹ thuật của EU”, Bộ Công Thương lưu ý.

Ba là, DN cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

Khuyến nghị với DN, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, để tận dụng cơ hội từ EVFTA, các DN Việt Nam phải chịu các chi phí nhất định để điều chỉnh sản xuất, giúp DN có lợi thế khi xuất khẩu vào EU. Chẳng hạn như để đáp ứng quy tắc xuất xứ của Hiệp định, DN Việt Nam phải thay đổi về nguồn cung nguyên liệu, từ nước ngoài sang nội địa.

Chuẩn bị cho việc thực thi hiệu quả EVFTA, đến thời điểm này, Bộ Công Thương đã dự thảo các nội dung chính của Kế hoạch hành động của Chính phủ, trong đó xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các đơn vị phối hợp tổ chức thực hiện.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả