24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thanh Cường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chủ động hơn trong ứng phó phòng vệ thương mại

Xuất khẩu càng nhiều, nguy cơ dính kiện phòng vệ thương mại càng lớn.

Nhưng ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) đánh giá, các doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước đang dần thích ứng, chủ động hơn trong vấn đề này.

Thời gian qua, hàng hóa Việt Nam liên tiếp dính các vụ kiện phòng vệ thương mại, đặc biệt từ các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Canada? Ông bình luận gì về việc này?

Các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) được áp dụng rất phổ biến trong thương mại quốc tế.

Trước đây, số lượng vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam còn ít, bởi kim ngạch xuất khẩu vừa phải, giá trị một số mặt hàng xuất khẩu chưa lớn. Thời gian gần đây, quy mô xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng nhanh, đạt 265 tỷ USD (năm 2019) với hơn 30 ngành hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nền kinh tế đã vượt 500 tỷ USD.

Khi số lượng mặt hàng xuất khẩu phát triển nhanh, cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu từng mặt hàng sang các thị trường đều tăng lên, thì sự gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu là điều dễ hiểu.

Qua các vụ khởi kiện gần đây, ông thấy doanh nghiệp và các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đã thực sự chủ động ứng phó chưa?

Nhìn lại quá trình hội nhập của Việt Nam trong thời gian qua, với việc tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, có thể thấy, các doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước đang dần thích ứng và chủ động hơn.

Nhìn rộng ra, đó là cả quá trình với sự nỗ lực của Bộ Công thương, các cơ quan liên quan và cộng đồng doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức. Tại sao là cả quá trình, vì phòng vệ thương mại là lĩnh vực mới với Việt Nam và tương đối phức tạp, cả về pháp lý và yêu cầu, nguồn lực để ứng phó hoặc đề nghị cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào nội địa.

Đơn cử, nếu Mỹ sử dụng luật về phòng vệ thương mại từ hàng trăm năm nay, thì pháp luật về phòng vệ thương mại tại Việt Nam mới bắt đầu được xây dựng, hình thành từ năm 2005 và được hoàn thiện trong Luật Quản lý ngoại thương (năm 2017).

Ở góc độ doanh nghiệp, để có thể hiểu rõ và ứng phó tốt với phòng vệ thương mại, thì các doanh nghiệp, ngành hàng phải có đủ quy mô, nguồn lực. Trên thực tế, khi doanh nghiệp đạt đến một độ lớn tương đối tại thị trường xuất khẩu, thì sẽ lọt vào “tầm ngắm” của nước sở tại và có thể bị điều tra, áp dụng phòng vệ thương mại với hàng hóa nhập khẩu.

Như vậy, có thể thấy, trách nhiệm và khối lượng công việc của Cục Phòng vệ thương mại là khá nặng nề, thưa ông?

Cục Phòng vệ thương mại được thành lập tháng 8/2017. Tuy là một đơn vị mới, lực lượng cán bộ trẻ, các điều tra viên còn hạn chế về số lượng cũng như kinh nghiệm, nhưng trong thời gian qua, Cục đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành tốt việc xử lý khối lượng công việc lớn liên quan đến phòng vệ thương mại.

Tính đến nay, Bộ Công thương đã tiếp nhận, xử lý 176 vụ việc do các nước khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, riêng 8 tháng đầu năm nay, có 30 vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng Việt xuất khẩu. Ở chiều ngược lại, Việt Nam điều tra, áp dụng 17 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa nhập khẩu.

EVFTA vừa có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020, mở ra nhiều cơ hội cho ngành hàng nông sản Việt Nam, nhưng cũng đi kèm nguy cơ dính phòng vệ thương mại rất cao. Theo ông, làm thế nào để hạn chế tối đa việc dính kiện?

Nông sản là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam khi xuất sang EU và ngược lại. Đây cũng là ngành hàng tương đối nhạy cảm, ảnh hưởng đến đời sống của nông dân, nên khả năng EU cân nhắc áp dụng phòng vệ thương mại nếu hàng nhập khẩu từ Việt Nam gia tăng đột biến là rất hiện hữu.

Không chỉ với nông sản, khi EVFTA có hiệu lực, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU sẽ gia tăng do đại đa số các dòng thuế nhập khẩu sẽ về mức 0%, dẫn tới khả năng tăng số lượng vụ việc phòng vệ thương mại giữa 2 bên để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự gia tăng hàng hóa nhập khẩu.

Chính vì vậy, chúng tôi đã cung cấp, trao đổi thông tin với các hiệp hội ngành hàng về rủi ro này, đồng thời khuyến nghị các ngành hàng, doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ kim ngạch xuất khẩu sang EU.

Nói như vậy, EVFTA đi vào thực thi không có nghĩa là doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu bao nhiêu cũng được, mà phải phân bổ các mặt hàng hợp lý để đi đường dài?

Phòng vệ thương mại đã được quy định rõ trong EVFTA, nếu một bên giảm thuế nhập khẩu, mà hàng hóa của bên kia gia tăng đột biến, thì có quyền áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt.

Cụ thể, EVFTA quy định cơ chế tự vệ song phương (thời gian chuyển đổi là 10 năm), để đảm bảo việc cắt giảm thuế quan theo Hiệp định không gây ra những “cú sốc” với các ngành sản xuất trong nước. Quy định này tạo cơ sở pháp lý để đảm bảo quyền lợi của các bên; các bên được sử dụng công cụ tự vệ chính đáng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước nếu có thiệt hại hoặc bị đe dọa thiệt hại do việc cắt giảm thuế quan từ Hiệp định.

Chẳng hạn, nếu một mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU gia tăng đột biến, gây thiệt hại cho ngành sản xuất của các quốc gia thuộc khối này, thì EU có thể sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Họ có thể ngừng không giảm thuế nữa (ngừng thời gian giảm thuế 0% trong vòng 4 năm), hoặc đưa về mức thuế cơ sở đối với mặt hàng đó…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả