"Chủ đầu tư yếu kém, chộp giật sẽ sớm bị loại khỏi cuộc chơi"
TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá khi Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi hiệu lực sớm, các chủ đầu tư yếu kém, chộp giật sẽ có thể sớm bị loại khỏi cuộc chơi.
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cho phép Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7, sớm hơn 6 tháng so với hiện nay.
Nói về những điểm nhấn của thị trường bất động sản khi 02 Luật nói trên có hiệu lực, TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) kỳ vọng thị trường năm 2024 sẽ thanh lọc những chủ đầu tư tài chính kém, thay vào đó là những chủ đầu tư tài chính tốt, sản phẩm tốt với pháp lý hoàn chỉnh... mới có ghế trong “sân chơi" bất động sản khi các luật mới có hiệu lực.
Trong đó, những quy định mới của Luật Kinh doanh Bất động sản sẽ loại bỏ nhiều môi giới bất động sản không chuyên, tạo ra một môi trường kinh doanh bất động sản lành mạnh và minh bạch trên thị trường. Về Luật Nhà ở, quy định mới về điều kiện mua nhà ở xã hội tạo cơ hội tiếp cận nhà ở đối với người dân, đặc biệt là nhóm người có thu nhập thấp vẫn có thể sở hữu nhà.
Theo hồ sơ thẩm định mà Bộ Tư pháp vừa công bố, tại Quyết định số 388/QĐ-TTg ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 phải hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 1,06 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Dù nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội, song một số nơi có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của đề án.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo trên của Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết và hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cho phép hai Luật nêu trên có hiệu lực sớm từ ngày 1/7.
Cũng theo hồ sơ thẩm định, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm sẽ góp phần phát huy nguồn lực đồng bộ từ nhà ở, bất động sản, đất đai góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng. Qua đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đề ra; kịp thời đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của doanh nghiệp, nhân dân.
Trước đó, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 11/2023, đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Theo dự thảo nghị quyết vừa được Bộ Tư pháp công bố, Chính phủ đề xuất cho phép hai luật này có hiệu lực sớm 6 tháng.
Theo đó, Luật Nhà ở có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển nhà ở.
Luật bổ sung 2 chính sách mới là phát triển nhà lưu trú công nhân và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang. Bên cạnh việc được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội như hiện hành, đối tượng người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp còn được thuê nhà lưu trú công nhân. Đối tượng là lực lượng vũ trang được mua, thuê, thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang.
Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản cũng mang nhiều nội dung mới có tính đột phá nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Đồng thời, Luật thiết lập công cụ kiểm soát quản lý thị trường bất động sản để thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững; góp phần quan trọng vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận