Chủ đầu tư "siêu" dự án Louis City Hoàng Mai không qua đấu thầu là ai?
Dù bị chỉ ra nhiều sai phạm sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, nhưng dự án Louis City Hoàng Mai đã 'thần tốc' khởi công và ngang nhiên ký hợp đồng mua bán nhà khi chưa hoàn thiện hạ tầng...
Bóng dáng Lã Vọng
Tại kết luận về việc thanh tra toàn diện các dự án của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng (Công ty Lã Vọng) và các đơn vị thành viên trên địa bàn TP Hà Nội, Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2000, UBND TP Hà Nội giao Công ty CP Đầu tư phát triển Hạ tầng đô thị (UDIC) tổ chức nghiên cứu, lập dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ (tên thương mại đang rao bán rầm rộ là dự án Louis City Hoàng Mai).
Từ năm 2000 đến 2007, UDIC làm chủ đầu tư dự án nhưng mới triển khai được một số công tác chuẩn bị đầu tư. Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoặc chi tiết Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ ngày 3/8/2017, tổng diện tích dự án là 23,87 ha. Trong đó, đất ở 12,165 ha, bao gồm đất: ở thấp tầng là 9,459 ha; cao tầng là 0,6629 ha.
Năm 2011, UBND TP Hà Nội giao UDIC làm chủ đầu tư dự án không thông qua đấu thầu là thực hiện không đúng quy định tại Điều 13 và Điều 14 Nghị định 90 của Chính phủ.
Siêu dự án ự án Louis City Hoàng Mai "đắp chiếu" sau nhiều năm, bất ngờ rao bán rầm rộ.
Ngày 20/10/2016, UDIC, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Louis (công ty thành viên của Công ty Lã Vọng) và Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới (công ty con của Công ty Lã Vọng) ký hợp đồng hợp tác kinh doanh để tham gia góp vốn thực hiện dự án này. Giá trị góp vốn là 300 tỉ đồng, trong đó UDIC góp 45 tỉ đồng (chiếm 15%), Công ty Louis góp 150 tỉ đồng (50%), Công ty Ngôi nhà mới góp 105 tỉ đồng (35%).
Các bên xác nhận chi phí của UDIC từ khi nghiên cứu dự án đến thời điểm kí hợp đồng là 10 tỉ đồng, số tiền này các bên đã hoàn trả cho UDIC theo tỉ lệ góp vốn.
Đến năm 2017, UBND TP Hà Nội đồng ý cho UDIC hợp tác đầu tư với Công ty Louis và Công ty Ngôi nhà mới thành lập Công ty CP đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai tiếp tục triển khai, hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án.
Ngày 12/12/2017, UBND TP Hà Nội cho phép giao Công ty CP đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai làm chủ đầu tư dự án, thời gian thực hiện dự án từ quí IV/2016 đến quí IV/2023.
Chưa xong hạ tầng nhưng chủ đầu tư dự án Louis City Hoàng Mai đã ký Hợp đồng mua bán với khách hàng.
Theo tìm hiểu PV, đại diện pháp luật của Công ty Hoàng Mai thời điểm thành lập là ông Lê Văn Vọng. Ông Vọng cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Lã Vọng, đồng thời nắm quyền kiểm soát tại Công ty Ngôi nhà mới với 97% cổ phần thời điểm đó, và là cổ đông sáng lập tại Công ty Louis.
Tháng 2/2018, hai doanh nghiệp có liên quan đến Tập đoàn Lã Vọng đồng loạt rút vốn khỏi Công ty Hoàng Mai. Hiện tại, người đại diện mới thay cho ông Lê Văn Vọng là ông Nguyễn Văn Quang giữ chức Chủ tịch HĐQT, ông Lưu Xuân Thuỷ là Tổng Giám đốc.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Quang không phải là "người lạ" đối với anh em ông Lê Văn Vọng và Lê Văn Vân. Bởi có nhiều công ty ông Quang làm đại diện pháp luật thì ông Vân và ông Vọng đều là cổ đông lớn.
Đại gia "thoát xác" trước thanh tra
Cái tên gắn liền với Công ty Lã Vọng và các đơn vị thành viên đầu tư phải kể đến chính là ông Lê Văn Vọng – Cựu Chủ tịch của Công ty Lã Vọng.
Khoảng năm 2017-2018, ông Lê Văn Vọng đã thực hiện thoái vốn tại doanh nghiệp này. Lã Vọng Group có vốn điều lệ 500 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập, trong đó ông Lê Văn Vọng nắm giữ 60% cổ phần.
Trong các đơn vị thành viên, ông Lê Văn Vọng cũng thực hiện thoái hết vốn và không còn là người đại diện pháp luật của Công ty Ngôi Nhà mới và rút vốn tại các doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Louis và Công ty Hoàng Mai.
Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm tại 9 dự án của Công ty Lã Vọng và các đơn vị thành viên đầu tư ở Hà Nội.
Được biết, ngôi Nhà Mới được thành lập từ tháng 11/2003, với quy mô vốn điều lệ ban đầu là 320 tỷ đồng. Ông Lê Văn Vọng đóng vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và cũng là người đại diện theo pháp luật của Ngôi Nhà Mới trong một thời gian dài.
Công ty này được vị doanh nhân Lê Văn Vọng thành lập nhằm mục đích thực hiện dự án cùng tên (Khu nhà ở cao cấp Ngôi nhà mới) có diện tích 19,5 ha tại huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Ngoài ra, Ngôi Nhà Mới cũng đã để lại nhiều dấu ấn trên thị trường bất động sản Hà Nội khi tham gia thâu tóm quỹ đất "vàng" tại một số dự án.
Trong đó, đáng chú ý là dự án BT cải tạo và xây dựng hê thống cống nối thông hồ Vục, hồ Đầu Băng và hô Tư Đình tại Hà Nội, có tổng mức đầu tư hơn 610 tỷ đồng. Khi thực hiện dự án, Ngôi Nhà Mới sẽ được đối ứng bằng quỹ đất hơn 9,9 ha trên phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Vị trí lô đất này ngay gần Dự án Khu đô thị Louis City Đại Mỗ, cũng do Ngôi Nhà Mới làm chủ đầu tư.
Có thể thấy, sự thoái lui của doanh nhân Lê Văn Vọng tại một loạt doanh nghiệp càng được chú ý sau khi Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra toàn diện các dự án của Công ty Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội (ngày 3/8/2018).
Yêu cầu được đưa ra sau khi có thông tin doanh nghiệp này được ưu ái giao nhiều khu "đất vàng" để thực hiện dự án bất động sản, sản xuất kinh doanh, giao thông theo hình thức hợp đồng BT. Trong đó có một số dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định và ý kiến của các cơ quan liên quan.
Thực tế, sau quá trình thanh tra Thanh tra Chính phủ đã phát hiện rất nhiều vi phạm. Đáng chú ý, 9 dự án do Công ty Lã Vọng và các đơn vị thành viên đầu tư đều có chung một công thức: Chỉ định đầu tư dự án BT - đổi đất lấy hạ tầng - qua đó dần sở hữu các khu đất ở đô thị và các khu đô thị có giá trị hàng ngàn tỉ đồng tại Hà Nội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận