'Chủ cho thuê mặt bằng tiền tỷ nên thức thời, giảm giá'
Kinh doanh truyền thống đang bị thương mại điện tử đe dọa. Chủ mặt bằng nên chia sẻ khó khăn với người kinh doanh.
"Theo tôi vấn đề thuê mặt bằng, tùy thuộc vào hoàn cảnh (giá thuê, tài chính, cuộc sống, gia đình...) của người cho thuê và người đi thuê. Ví dụ trường hợp của tôi.
Tôi hiện có hai bất động sản (BĐS) đang cho thuê. BĐS thứ nhất là mảnh đất vườn 25. x 80m = 2.000 m2 (100 m2 thổ cư), hai mặt tiền đường nhựa 6m ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trên đất có sẵn 5 cây sầu riêng, ba cây bơ cổ thụ và 20 cây sưa đỏ bốn năm tuổi.
Vì không ở đây nên tôi cho người thuê làm quán cà phê sân vườn, giá rẻ chỉ 5 triệu đồng một tháng, ký hợp đồng 5 năm, cọc một năm. Tôi chỉ yêu cầu người thuê chăm sóc và nuôi dưỡng số cây trên để sau này về ở sử dụng.
BĐS thứ hai là nhà cấp bốn (còn mới) 5 x 40 = 200 m2, đường trục chính ở TP Dĩ An, Bình Dương cho người thuê làm cửa hàng bán tạp hóa (kho hàng để phía cuối nhà), ký hợp đồng 5 năm, tăng 5% hàng năm, cọc một năm, giá thuê rẻ chỉ 10 triệu đồng một tháng (xung quanh kiốt rộng 30 m2 chủ thuê 5 triệu đồng một tháng). Nhà tôi ở gần đây.
Cả hai người thuê trong suốt quá trình thuê đến giờ không kêu ca và xin giảm giá gì cả".
Độc giả bachphamvu kể về hai bất động sản đang được cho thuê của mình và nhấn mạnh chuyện thuê mặt bằng kinh doanh phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bình luận trên nằm sau bài viết Chủ mặt bằng thà để trống chứ không giảm giá thuê.
Tác giả cho rằng nhiều chủ mặt bằng có khả năng tài chính đủ để họ chịu được việc mặt bằng trống mà không gặp áp lực lớn về thu nhập, nên họ chọn giữ giá thuê hiện tại. Đồng thời, họ tin rằng giữ giá thuê ổn định là cách tốt nhất để bảo toàn giá trị bất động sản.
Hiện tượng người thuê trả khiến nhiều mặt bằng bị bỏ trống được các độc giả quan tâm thảo luận. Một độc giả cho rằng các mặt bằng nằm ở mặt tiền có giá thuê cao ngất ngưỡng sẽ hết thời vì khi phát hiện ra mua hàng online rẻ hơn, người tiêu dùng sẽ không dễ dàng chấp nhận 'gánh' phí thuê mặt bằng với người bán.
Độc giả Hoàng cùng nhận định: "Mô hình kinh doanh truyền thống đang mất vị thế độc tôn, nhường cho thương mại điện tử, càng ngày càng rõ rệt, nếu không thức thời thì sẽ bị đào thải.
Dạng nhà ống mặt tiền rộng 4 mét không còn phù hợp với thời nay, kinh doanh nhỏ lẻ chỉ đủ bán cà phê cóc, đủ sống qua ngày, muốn làm giàu thì phải có mặt bằng rộng, có chỗ để xe rộng rãi thoáng, giờ một chiếc xe ô tô chắn cửa sang cả nhà hàng xóm thì buôn bán cho ai?
Nhìn sang các nước phát triển xem họ kinh doanh như thế nào? Giao thông của họ thông thoáng như thế nào? Siêu thị thay thế chợ cóc? Bất động sản cũng phải tương xứng với giá trị bỏ ra mua để có dòng tiền ổn định, nếu không cũng chẳng có giá trị gì ngoài kênh giữ tiền thay vì ném vào ngân hàng".
Độc giả Dang Phung nói: "Kinh tế thị trường và quy luật bàn tay vô hình sẽ giải quyết hết mọi vấn đề. Theo tôi biết những người sở hữu mặt bằng mà neo giá cho thuê cao đa số là được thừa kế tài sản. Còn người tự tay làm nên thì họ sẽ giảm giá cho thuê vì nhiều lý do ví dụ một tháng cho thuê 10 triệu bỏ trống một tháng mà có đòi thêm 11 triệu thì cũng chẳng đáng là bao mà không cho thuê tầm 3 tháng là biết kết quả lời lỗ ra sao".
Độc giả tahien vu cho rằng mặt bằng đang cạnh tranh khốc liệt và bên cho thuê phải thay đổi tư duy: "Chủ các mặt bằng cho thuê hầu hết là có năng lực tài chính. Họ bỏ trống mặt bằng 10 năm cũng chẳng sao. Tuy nhiên họ không hiểu thời đại đã khác.
Mặt bằng nhà phố cũng giống chợ truyền thống, sẽ đi bị cạnh tranh khốc liệt. Lợi nhuận có được từ mặt bằng sẽ phải giảm dù họ có muốn hay không. Họ cố níu giữ giá thuê tháng không giảm, nhưng một năm chỉ cho thuê được 6 tháng , vậy tổng thu theo năm cũng đã giảm phân nửa".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận