menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Cao Đức Giang

Chớp thời cơ từ hội nhập: Doanh nghiệp cần gì?

Việt Nam có độ mở của nền kinh tế rất lớn và doanh nghiệp Việt từng được ví von như “đội thuyền thúng ra biển lớn”. Hội nhập càng sâu, doanh nghiệp Việt càng phải chịu nhiều sóng gió. Họ đang bị cạnh tranh rất gay gắt, không chỉ trên thị trường quốc tế mà ngay cả trên sân nhà bởi nhiều doanh nghiệp ngoại sừng sỏ thâm nhập. Để đứng vững và thành công trong cạnh tranh, doanh nghiệp Việt cần những gì và phải làm gì?

Chớp thời cơ từ hội nhập: Doanh nghiệp cần gì?

​​“Sản phẩm phải đáp ứng mong đợi của thị trường”

Bà Nguyễn Thy Nga, Giám đốc V-startup Việt Nam

Chính sách và môi trường kinh doanh ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp khởi nghiệp. Hiện, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đó là khả năng tiếp cận vốn, thủ tục tài chính, thuế,...

Do vậy, cần có những giải pháp khơi thông những vướng mắc để số doanh nghiệp thực sự đi vào hoạt động gia tăng một cách thực chất, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có môi trường thuận lợi để phát triển.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung đầu tư công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn nhằm khai thác hiệu quả hơn mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước để góp phần giúp khu vực tư nhân trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, phải nâng cao năng lực để đáp ứng được mong đợi của thị trường. Các nhà đầu tư luôn đòi hỏi doanh nghiệp phải có tư duy để đưa ra sản phẩm đáp ứng được thị trường và thị trường hiện nay là một thị trường phi biên. Bởi vì, khi các nhà đầu tư đến Việt Nam, đồng nghĩa với sản phẩm của doanh nghiệp Việt mà họ đầu tư phải có khả năng phát triển ra khu vực và toàn cầu.

Chớp thời cơ từ hội nhập: Doanh nghiệp cần gì?

​​“Muốn hội nhập thành công cần tiên phong sáng tạo”

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, không còn ranh giới trên thế giới ảo, hàng tỷ người được kết nối với nhau qua mạng Internet. Cơ hội rất lớn nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Vì thế, để nâng cao năng lực cạnh tranh thì các doanh nghiệp trong thời đại số buộc phải nhanh và thích nghi với nó. Nếu không nhanh, không nhận thức đúng, không tìm hiểu… thì kết quả là: nhẹ thì chậm chân, nặng thì bị loại khỏi cuộc chơi 4.0 này.

Trong ngành công nghệ thông tin của chúng tôi cũng vậy, thách thức cũng vô cùng lớn nhưng nếu chinh phục được nó lại chính là cánh cửa mở ra để đến với hội nhập toàn cầu. Tập đoàn Công nghệ CMC đã phải đối mặt với thách thức từ chính khách hàng, đối tác khi họ không cung cấp sản phẩm IT truyền thống nữa mà chuyển hết lên nền tảng điện toán đám mây (cloud), thế nên những doanh nghiệp nắm được cloud, tiên phong chuyển đổi số là những đơn vị sẽ chiếm lĩnh thị trường. Doanh nghiệp muốn hội nhập thành công cũng cần tiên phong sáng tạo. Trong 3 năm qua, CMC đã học hỏi từ các công ty công nghệ toàn cầu như Facebook, Amazon, Google… để xây dựng hệ sinh thái công nghệ cho riêng mình, đó là hệ sinh thái hạ tầng mở, giúp các doanh nghiệp và tổ chức chuyển đổi số.

Tôi vẫn thường nói với nhân viên rằng: “Bây giờ không phải là thời đại “Cá lớn nuốt cá bé” nữa, mà là “Cá nhanh nuốt cá chậm”. Mình có to, có lớn mà không nhanh, không thay đổi… thì có khi không bằng những start-up công nghệ mới thành lập. Cho nên, tôi muốn CMC phải là “cá nhanh”. CMC hướng tới những thị trường gấp 20 lần Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, nhu cầu vô cùng lớn, vì thế chúng tôi xác định luôn phải nhanh, phải sẵn sàng, sáng tạo...

Chớp thời cơ từ hội nhập: Doanh nghiệp cần gì?

​​“Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực”

Ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc VCCI TP.HCM

Trong khi doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn lúng túng gỡ khó ở chính thị trường trong nước thì các doanh nghiệp ở các quốc gia khối ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore đã chuẩn bị cho mình những điều kiện cần thiết để tham gia một “sân chơi” mới. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa của chúng ta chưa hiệu quả nên các doanh nghiệp không tiếp nhận được.

Mặt khác, trình độ quản lý của các chủ doanh nghiệp nhỏ rất yếu do phần lớn đi lên từ các hộ gia đình, đã vậy việc đào tạo ở các doanh nghiệp này cũng khá hạn chế. Trong một môi trường sản xuất, kinh doanh khắc nghiệt như hiện nay, điều này càng làm cho các doanh nghiệp khó khăn hơn. Đó là những rào cản lớn khiến cho khối doanh nghiệp trong nhiều năm qua không “cất cánh” lên được. Do đó, bản thân các doanh nghiệp phải tự chuyển đổi, thích ứng với bối cảnh cạnh tranh mới, cần có tầm nhìn xa, kinh doanh dựa vào những giá trị cốt lõi, bền vững và nhanh nhạy với thị trường.

Chớp thời cơ từ hội nhập: Doanh nghiệp cần gì?

​​“Nâng cao năng suất lao động là ưu tiên số 1 với doanh nghiệp”

Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Việt Nam càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì càng đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải nỗ lực nhiều trong việc nâng sức cạnh tranh, tránh thua ngay trên sân nhà trước.

Về chiến lược với doanh nghiệp sản xuất thì việc nâng cao năng suất lao động rất quan trọng, có thể coi là ưu tiên số 1. Để nâng cao năng suất lao động thì có nhiều bài toán và giải pháp đặt ra, như nâng cao trình độ, nhận thức người lao động thông qua đào tạo, sản xuất thông minh hơn nhờ dây chuyền công nghệ hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin biến nhà máy thành nhà máy công nghệ, nhà máy thông minh… hay quản lý và kiểm soát các khâu từ sản xuất, vận hành cho đến bán hàng được chuyên nghiệp và hiệu quả.

Còn đối với doanh nghiệp thương mại, việc nắm bắt xu hướng cũng như xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa nhà cung cấp và khách hàng là ưu tiên số 1. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể chọn nhiều giải pháp như núp bóng doanh nghiệp lớn, làm nhà thầu nhỏ, hay lựa chọn các thị trường ngách phù hợp.

Riêng đối với doanh nghiệp dệt may, thường nhà quản lý sẽ tìm các giải pháp để nâng cao cạnh tranh về giá, về tốc độ đáp ứng đơn hàng, về quy mô sản xuất, về năng suất lao động, khả năng nắm bắt xu hướng, nhu cầu thị trường theo mùa, theo năm.

Chớp thời cơ từ hội nhập: Doanh nghiệp cần gì?

“Doanh nghiệp phải tự nâng cao “sức khỏe” cho chính mình”

TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT)

Để hội nhập thành công, doanh nghiệp cần “định vị” chính xác môi trường hội nhập gồm những ai, điều kiện để hội nhập là gì? Trong bối cảnh hiện tại, muốn hội nhập thành công, doanh nghiệp cần phải phát triển theo từng nấc thang. Theo đó, doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược kinh doanh rõ ràng, khả thi, hoạch định các mục tiêu, đâu là mục tiêu trước mắt, đâu là mục tiêu dài hạn.

Tình trạng chung của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là có quy mô vừa và nhỏ, cơ sở vật chất, máy móc thiết bị ít, bị hạn chế về nguồn vốn đầu tư, dây chuyền công nghệ. Tuy nhiên, để sản phẩm hàng hóa có thể trụ vững trong nền kinh tế thị trường thì chất lượng hàng hóa phải bảo đảm, phải đáp ứng tối đa nhu cầu của người sử dụng. Trong bối cảnh cạnh tranh, doanh nghiệp cần phải xác định và tìm ra thế mạnh của riêng mình, tập trung vào phân khúc thị trường phù hợp, từ đó đầu tư dây chuyền công nghệ, cho ra sản phẩm có lợi thế riêng, giúp khẳng định thương hiệu cho doanh nghiệp.

Người ta nói nhiều đến việc tìm đối tác để liên doanh, liên kết, nhưng tôi cho rằng, bản thân doanh nghiệp “khỏe” thì sẽ tồn tại được hoặc đối tác cũng tự tìm đến doanh nghiệp. Vì thế, để hội nhập thành công, mỗi doanh nghiệp phải tự nâng cao “sức khỏe” cho chính mình. Nhà nước chỉ đóng vai trò tạo ra môi trường, cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp tồn tại và phát triển, chứ không thể làm thay doanh nghiệp.

Chớp thời cơ từ hội nhập: Doanh nghiệp cần gì?

​​“Doanh nghiệp phải bắt đầu hành động”

Ông Robert Trần, Giám đốc điều hành Phụ trách thị trường Bắc Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Tư vấn Chiến lược RBNC

Một câu hỏi đặt ra là, điều kiện đã sẵn sàng, môi trường kinh doanh đã và đang ngày càng thông thoáng hơn, doanh nghiệp cần làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập? Tôi chỉ có một câu trả lời thôi, đó là bắt đầu hành động. Nhưng, khi đã làm thì phải làm đúng ngay từ đầu, phải có chiến lược, kế hoạch rõ ràng, đánh giá rủi ro và dự phòng, nhân sự, tài chính phải luôn luôn đảm bảo.

Doanh nghiệp muốn hội nhập kinh tế quốc tế, trước tiên phải định vị được mình. Nếu không hiểu mình “cần” và “muốn” gì sẽ khó mà vươn ra biển lớn được. Trước đây tôi vẫn thường hay nhắc, bạn có thể “muốn” nhiều thứ nhưng doanh nghiệp của bạn lại “cần” cái khác. Điều này bây giờ vẫn luôn luôn đúng và chưa bao giờ cũ. Vì thế, các chủ doanh nghiệp của Việt Nam không nên hiểu nhầm giữa hai khái niệm này.

Lâu nay, có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển qua những thị trường khác, nhưng họ rất mơ hồ. Bài học này tôi đúc rút ra sau gần 20 năm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trên thương trường, càng mơ hồ, càng “ngơ ngác” thì càng dễ thất bại. Nghĩa là, muốn hội nhập tốt, chính bản thân các doanh nghiệp phải tự chủ, chứ đừng thụ động và trông chờ vào hỗ trợ từ các nguồn lực khác.

Chớp thời cơ từ hội nhập: Doanh nghiệp cần gì?

​​“Doanh nghiệp phải phát triển dựa trên nền tảng gốc”

Ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý nhà Toàn Cầu (Global Home)

Để nâng cao năng lực doanh nghiệp khi hội nhập, theo tôi, cần phải bảo đảm hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất, cần cải tiến công nghệ sản xuất, dây chuyên sản xuất, áp dụng triệt để công nghệ 4.0 vào tất cả các quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để bảo đảm xu hướng cạnh tranh, chuyên nghiệp hóa và minh bạch hóa các khâu sản xuất và quản trị doanh nghiệp. Thứ hai, phải phát triển dựa trên nền tảng gốc, là thế mạnh thực sự của mình, tránh trường hợp đi vào những lĩnh vực không phải là sở trường của doanh nghiệp mà là sở đoản.

Thực tế hiện nay cho thấy, có một hiện tượng là thị trường bất động sản đang nóng sốt, kéo theo rất nhiều chủ doanh nghiệp chọn giải pháp duy trì hoạt động sản xuất và tích lũy lợi nhuận để đi đầu tư bất động sản, nhằm tăng lợi nhuận và phát triển thêm một kênh đầu tư. Điều này tạo ra một hiệu ứng có lợi trước mắt đối với doanh nghiệp, nhưng vì họ không quan tâm đến giá trị nội tại, nên sẽ nảy sinh bất cập trong các vấn đề lớn như nhân sự, thị trường mục tiêu, khách hàng. Đến khi thị trường bất động sản không đạt như kỳ vọng thì doanh nghiệp không chỉ mất đi giá trị tích cực từ lĩnh vực này, mà khi quay về với lĩnh vực kinh doanh truyền thống cũng sẽ không hiệu quả.

Chớp thời cơ từ hội nhập: Doanh nghiệp cần gì?

​​“Tiếp tục cải thiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp”

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM

Những năm gần đây, sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng sâu sắc, rõ nét hơn, bắt đầu từ Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị năm 2009 về xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Các nghị quyết của Đảng trong thời gian gần đây đều khẳng định vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp. Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII của Đảng đã có nghị quyết riêng về việc phát triển kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Các cuộc gặp gỡ đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nhân, cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp đã tạo lực đẩy các bộ, ngành vào cuộc gỡ bỏ bớt giấy phép con, giảm thủ tục hành chính gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Cạnh tranh trong thế giới phẳng, cơ hội và thách thức luôn đan xen, nhưng với doanh nghiệp Việt Nam, thách thức nhiều hơn cơ hội, bởi vị thế cạnh tranh quốc gia của chúng ta còn hạn chế so với các nước. Trình độ, năng lực, tầm vóc, tiềm năng… của doanh nghiệp Việt theo đó cũng còn nhiều hạn chế so với đồng nghiệp các quốc gia phát triển. Chính vì vậy, rất cần Đảng, Chính phủ và chính quyền các cấp cải thiện nhiều hơn, nhanh hơn các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, phải giải quyết cho bằng được việc giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, giảm thiểu sự bất bình đẳng trong chi phí đầu vào giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ngoại.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại