Chống thất thu thuế xuất nhập khẩu: Tránh lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu
Hiện Bộ Tài chính mà trực tiếp là Tổng cục Hải quan đang chủ trì xây dựng "Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu"...
Kiểm soát, chống thất thu thuế hàng hóa xuất nhập khẩu qua hoạt động thương mại điện tử tại cửa khẩu và đơn vị chuyển phát nhanh là một trong những nội dung được đề cập trong "Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu" mà Tổng cục Hải quan đang xây dựng.
Tại tọa đàm với chủ đề "Quản lý hải quan đối với hoạt động thương mại điện tử" do Báo Hải quan phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức ngày 19/9, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình cho biết: hiện Bộ Tài chính mà trực tiếp là Tổng cục Hải quan đang chủ trì xây dựng "Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu".
Mục tiêu đặt ra là nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định pháp luật tránh việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để trốn thuế, vi phạm các chính sách mặt hàng, sở hữu trí tuệ, xuất xứ, vận chuyển hàng cấm vào Việt Nam và ngược lại.
Theo ông Công Bình, những vấn đề đặt ra cho Việt Nam hiện nay là hoàn thiện cơ sở pháp lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý thương mại điện tử nói chung và hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đặc biệt là việc kiểm soát, chống thất thu thuế hàng hóa xuất nhập khẩu qua hoạt động thương mại điện tử tại cửa khẩu và đơn vị chuyển phát nhanh.
Thiếu tướng, PGS.TS Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, trước thực trạng lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, Văn phòng Thường trực đang phối hợp với các bộ, ngành, lực lượng chức năng khảo sát, đánh giá tình hình xây dựng kế hoạch chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử để tham mưu với Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia phê duyệt.
Cho rằng thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong giai đoạn phát triển công nghệ 4.0, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, đến nay Việt Nam vẫn chưa có các quy định riêng đối với quản lý nhà nước về thương mại điện tử đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.
Cơ quan quản lý nhà nước đang thực hiện quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu như hàng hóa thông thường. Tuy nhiên, việc quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về hàng hóa được giao dịch qua thương mại điện tử được thực hiện từ khi người khai thực hiện khai báo với cơ quan quản lý nhà nước.
Do đó, thông tin liên quan về hàng hóa được gửi đến cơ quan quản lý tại thời điểm muộn hơn rất nhiều so với thời điểm giao dịch thương mại điện tử được xác lập và cơ quan quản lý không biết được thời điểm thực tế phát sinh các giao dịch thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Công Bình nhấn mạnh, dự thảo Đề án đang đề xuất các nhóm giải pháp. Theo đó, đối với nhóm giải pháp liên quan đến việc thông quan hàng hóa cần phải thực hiện hai nhiệm vụ.
Thứ nhất, cần phải xây dựng các thủ tục hải quan, thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhằm kiểm soát được hàng hóa nhưng giảm thời gian, thủ tục cho người khai hải quan. Để triển khai được nhiệm vụ này cần thiết phải xây dựng một Nghị định quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa qua biên giới nhằm quy định về thủ tục hải quan, chính sách mặt hàng, chính sách thuế...
Thứ hai, cần xây dựng một hệ thống nhằm quản lý được hoạt động thương mại điện tử. Do các giao dịch được thực hiện thông qua hệ thống, phần mềm, nền tảng công nghệ... nên để quản lý được hoạt động này các cơ quan quản lý cũng cần phải có hệ thống phù hợp.
Với nhóm giải pháp liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, hiện tại hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử không chỉ gửi về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh, bưu chính mà còn có thể gửi qua các doanh nghiệp vận chuyển về Việt Nam bằng đường biển, đường sắt, đường bộ.
Vì vậy, cần có quy định về việc miễn kiểm tra chuyên ngành, cấp giấy phép đối với hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trong từng trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, có quy định về việc giảm thời gian kiểm tra chuyên ngành.
Liên quan đến chính sách thuế, hiện nay do chưa có hệ thống để tiếp nhận, lưu giữ, xử lý dữ liệu liên quan đến giao dịch thương mại điện tử nên các khách hàng khi thực hiện mua hàng qua các sàn giao dịch, website điện tử bán hàng vào thời điểm hàng hóa được giảm giá nhưng khi về đến Việt Nam cơ quan hải quan không có căn cứ để tính thuế trên trị giá hàng hóa đã giảm mà tính nguyên giá của hàng hóa, như vậy không phản ánh đúng trị giá giao dịch của hàng hóa.
Do đó cần có quy định cụ thể về việc chấp nhận trị giá giao dịch qua thương mại điện tử là trị giá thực của giao dịch để thực hiện tính thuế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận