24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thành Chung
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chống gian lận xuất xứ ngày càng cam go

Tổng cục Hải quan đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường chống gian lận, giả mạo xuất xứ, song trên thực tế công tác này vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Trước diễn biến khó lường của chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, đặc biệt là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, tình trạng hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ nước ngoài trung chuyển qua Việt Nam gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại thị trường nội địa đã xuất hiện nhiều hơn. Theo Tổng cục Hải quan, cơ quan này đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường chống gian lận, giả mạo xuất xứ, song trên thực tế công tác này vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều vụ việc gian lận ở quy mô lớn

Ông Nguyễn Khánh Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, nếu như năm 2016-2017, các vụ việc nhập khẩu hàng hóa gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam được phát hiện đều số lượng nhỏ, trị giá hàng hóa không lớn thì năm 2018 nhiều vụ việc được phát hiện ở quy mô lớn, giả mạo xuất xứ các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam, nhiều vụ trong số đó đang được đề nghị khởi tố hình sự.

Đơn cử như vụ việc Công ty TNHH MTV Thương mại tổng hợp Bảo Tiến An nhập khẩu từ Trung Quốc 3.300 bộ khóa mang nhãn hiệu Khóa Việt Tiệp, 1.560 van bếp ga đã dán tem kiểm nghiệm của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh Việt Nam.

Công ty TNHH XNK Trần Vượng, trong tờ khai hải quan có khai báo là loa kết hợp với máy ghi và tái tạo âm thanh, hàng mới 100% có xuất xứ Trung Quốc, trị giá hàng hóa ghi trên theo khai là 10.217 USD tương đương 238,8 triệu đồng. Tuy nhiên khi cơ quan hải quan kiểm tra hàng hóa thì phát hiện có 600 loa thùng kéo và 1.200 micro. Trên thùng loa có ghi tiếng Việt về nhãn hiệu và nơi sản xuất với trụ sở tại quận Tân Phú - TP. Hồ Chí Minh. Vụ việc này hiện đang đề nghị khởi tố vụ án hình sự.

Trường hợp khác là Công ty TNHH MTV XNK Thành Quý và Công ty TNHH Thương mại Aeolus Henan nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về, qua kiểm tra phát hiện 2.880 bút bi ghi nhãn hiệu Thiên Long, 438 bộ tay nắm khóa cửa Huy Hoàng, 287 dòng hàng không khai báo hải quan nghi vấn hàng giả nhãn mác. Hiện nay đã khởi tố vụ án hình sự và chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.

Bất cập và khoảng trống pháp luật

Ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan cho biết, trong quá trình kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, cơ quan Hải quan nhận thấy, quy tắc xuất xứ đối với một số mặt hàng còn lỏng. Ví dụ mặt hàng gỗ dán, gỗ ván ép tiêu chí xuất xứ là hàng hóa phải trải qua quá trình chuyển đổi mã số ở cấp 6 số, do vậy có tình trạng DN lợi dụng quy định này để thực hiện hành vi gian lận trong khai báo mã số HS nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra hồ sơ xin cấp CO còn chưa chặt chẽ. Có tình trạng DN nộp chứng từ không hợp lệ, sử dụng các chứng từ giả hoặc quay vòng chứng từ… Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đã có văn bản cảnh báo VCCI, Bộ Công thương về thực trạng nêu trên và kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Cũng theo ông Âu Anh Tuấn, vướng mắc khác là quy định của pháp luật về lĩnh vực xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa xuất nhập khẩu còn bất cập, khoảng trống. Đối với ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa không điều chỉnh nội dung ghi nhãn đối với hàng hóa xuất khẩu. Do vậy, đối với hành vi xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam không đáp ứng tiêu chí xuất xứ nhưng trên bao bì, sản phẩm ghi nhãn hiệu “Made in Vietnam”, “Producted in Vietnam”; “Products of Vietnam”, cơ quan Hải quan gặp khó khăn trong việc đấu tranh, phòng chống gian lận, giả mạo xuất xứ và xử lý vi phạm đối với hành vi này.

Đối với ghi nhãn hàng nhập khẩu, theo quy định tại Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP trường hợp trên nhãn gốc không thể hiện thông tin về xuất xứ, DN được phép bổ sung nhãn phụ trước khi lưu thông trên thị trường. Quy định này dẫn đến việc DN lợi dụng tại thời điểm nhập khẩu khai hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài nhưng trên nhãn chưa thể hiện thông tin xuất xứ hàng hóa; nhưng sau khi thông quan, DN gắn nhãn phụ có xuất xứ Việt Nam trên hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Theo ông Tuấn, cơ quan hải quan không kiểm soát được việc ghi nhãn phụ do hàng hóa đã thông quan và nằm ngoài địa bàn hoạt động hải quan. Lúc này, việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhập khẩu khi lưu thông ra thị trường trong nước thuộc trách nhiệm của Tổng cục Quản lý thị trường.

Bên cạnh đó, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP và Thông tư số 05/2019/TT-BTC không có quy định cụ thể về quy tắc xuất xứ đối với hàng lưu thông trong nước mà chỉ quy định quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Do vậy giữa các văn bản này và Nghị định 43 chưa có sự kết nối, thống nhất về cách thức ghi nhãn, xuất xứ đối với hàng hóa sản xuất kinh doanh lưu thông tại thị trường trong nước.

Ngoài ra, các quy định pháp lý thiếu hụt cũng bị vênh với điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Cụ thể là khoản d Điều 2 và khoản c Điều 3 của Hiệp định về Quy tắc xuất xứ của WTO quy định quy tắc xuất xứ áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu không được chặt chẽ hơn quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa nội địa; và không được phân biệt giữa các quốc gia thành viên. Như vậy, với tư cách là thành viên của WTO, Việt Nam cần xây dựng quy tắc xuất xứ đối với các hàng hóa sản xuất và tiêu thụ trong nước.

Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan Hải quan đã tập trung lực lượng tiến hành điều tra sâu đối với gian lận xuất xứ trong một số ngành hàng cụ thể như thép, gỗ, hải sản, xe đạp, pin năng lượng...

Hiện nay cơ quan Hải quan cũng đang tập trung phân tích các ngành hàng, mặt hàng có kim ngạch tăng đột biến để so sánh với quy mô, khả năng của sản xuất trong nước nhằm loại bỏ các mặt hàng từ nước ngoài chuyển vào Việt Nam lấy xuất xứ để xuất khẩu sang nước thứ ba, cạnh tranh không lành mạnh với các nhà sản xuất trong nước. Song để làm được việc này, cơ quan Hải quan cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý, cấp xuất xứ hàng hoá cũng như sự lên tiếng của các nhà sản xuất trong nước nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả