Chống dịch Covid-19 ở Việt Nam: Chìa khóa là sự đồng lòng, chiến lược là "tiết kiệm mà hiệu quả" nhờ công nghệ
Các biện pháp của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tiếp tục được thế giới đánh giá cao.
Chìa khóa chống dịch là sự đồng lòng
Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS, viện phân tích chính trị uy tín của Đức có văn phòng đại diện tại Việt Nam) đăng bài phân tích đánh giá cao khả năng kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam, trong đó nhận định chìa khóa thành công nằm ở hành động sớm và kiên quyết của Chính phủ, các cơ quan chức năng và cả nhân dân Việt Nam.
Theo phân tích của Trưởng Văn phòng đại diện KAS tại Việt Nam Peter Girke, việc Việt Nam ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên ngay từ ngày 22/1 là điều dễ hiểu, vì vị trí địa lý và mối quan hệ kinh tế với nước láng giềng Trung Quốc. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng số ca lây nhiễm ở Việt Nam tương đối thấp khi so sánh với Đức: cả hai nước ngày 17/2 ghi nhận 16 trường hợp ở mỗi nước, 4 tuần sau, Việt Nam tăng lên 61 ca trong khi ở Đức là 7.272 ca và 2 tuần sau nữa, vào ngày 30/3, con số ở Việt Nam là 194 ca thì ở Đức đã lên tới 66.885 ca.
Theo tác giả, có nhiều yếu tố khiến tỷ lệ lây nhiễm tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp và đều được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đánh giá cao.
Yếu tố then chốt nằm ở quyết định hành động sớm và kiên quyết của Chính phủ Việt Nam. Ngay từ đầu, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã được thành lập để giám sát và phối hợp biện pháp ở các cấp. Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp và hạn chế từ rất sớm với cấp độ ngày càng tăng, đồng thời tiến hành các cuộc diễn tập với nhiều kịch bản khác nhau có huy động lực lượng quân đội hỗ trợ y tế.
Nhân tố quan trọng là việc nhân dân ủng hộ các biện pháp chống dịch của Chính phủ và cùng chung tay trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Bên cạnh đó là việc tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về những biện pháp phòng ngừa, cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh.
Chiến lược “tiết kiệm mà hiệu quả” nhờ công nghệ
Project Syndicate, chuyên trang tập hợp những bài phân tích của các học giả, chuyên gia uy tín quốc tế, có trụ sở tại CH. Czech, đăng tải bài viết cho rằng, thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19 cung cấp “mô hình” mà các nền kinh tế mới nổi khác có thể học theo.
Không mạnh tay chi tiền xét nghiệm diện rộng như Hàn Quốc, không như Singapore thiết lập giám sát dịch tễ học mạnh mẽ, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tiết kiệm nhưng được chứng minh là hiệu quả như: sớm dừng các chuyến bay đến Trung Quốc, cách ly bắt buộc khu dân cư có người nhiễm trong 2 tuần, đóng cửa các trường học, cách ly người về từ các nước,… Các trung tâm kiểm dịch đã được thiết lập ở rìa thành phố, cung cấp 100% dịch vụ chăm sóc y tế, thực phẩm và nơi ở cho những người bị cách ly, kể cả du khách nước ngoài.
Nghiên cứu gần đây của Project Syndicate về chính sách phòng chống dịch của Việt Nam cho thấy, thành công ban đầu trong việc làm chậm tốc độ lây lan của virus là nhờ chính quyền đã tập trung vào truyền thông và tuyên truyền cho người dân ý thức phòng bệnh thông qua các nền tảng công nghệ và tích cực truy tìm mầm bệnh.
Với 65% trong số 96 triệu dân Việt Nam có khả năng tiếp cận Internet, các kênh thông tin chính thống và truyền thông xã hội (60% là tài khoản Facebook) đã chia sẻ hữu hiệu thông tin về chủng virus mới, cách phòng bệnh, thông tin nơi có ca nghi nhiễm, thông tin cụ thể các ca nhiễm và lộ trình di chuyển, tương tác của các ca bệnh. Trong thời đại tin giả lan truyền khắp nơi, việc hiểu được mối đe dọa, đặc biệt là tỷ lệ lây nhiễm của virus, là chìa khóa để công dân sẵn sàng hợp tác, cho dù bằng biện pháp giãn cách xã hội hay tự cách ly.
Ngay từ trước khi xuất hiện dịch Covid-19 ở Việt Nam, trung bình mỗi ngày hơn 100 bài báo về chủ đề này xuất bản trên 13 trong số các trang báo điện tử phổ biến nhất của Việt Nam, khiến tin giả gần như không còn đất sống. Do đó, người dân Việt Nam thường không coi Covid-19 chỉ là cúm mùa, mà là một căn bệnh nguy hiểm như dịch SARS năm 2003. Trải nghiệm về những dịch bệnh như SARS, cúm gia cầm và dịch tả lợn đã giúp người dân sớm cảnh giác với Covid-19, luôn sẵn sàng tinh thần chống dịch.
Tại Việt Nam, công dân tự giác khai báo sức khỏe thông qua ứng dụng của chính phủ có tên NCOVI. Khi mỗi cá nhân đều nhận thức được tính chất cấp bách và sẵn sàng trung thực khai báo về lộ trình di chuyển và các tương tác, việc truy tìm các đối tượng tiếp xúc với mầm bệnh sẽ phát huy hiệu quả, giúp thu thập thông tin một cách có hệ thống và xác định các cụm nghi nhiễm Covid-19 sớm nhất có thể.
Ngoài ra, Việt Nam còn chống dịch thông qua các hình thức đơn giản nhưng gây hiệu ứng mạnh mẽ. Ca khúc “Ghen Co Vy” đã trở thành hiện tượng truyền cảm hứng trên toàn cầu sau khi xuất hiện trên chương trình Last Week Tonight của MC đình đám người Mỹ John Oliver. Clip ca khúc này đã giúp xây dựng nhận thức cộng đồng về Covid-19 và tầm quan trọng của việc rửa tay.
Đáng chú ý, khi quy định tất cả hành khách về Việt Nam phải cách ly bắt buộc trong 14 ngày được siết chặt từ cuối tháng 3, nhiều người tham gia cách ly cập nhật và đánh giá cao chất lượng các khu cách ly, thực phẩm và hoạt động kiểm dịch, xét nghiệm của Việt Nam.
Các bài viết này thu hút hàng nghìn phản ứng tích cực trên Facebook. Hàng trăm hình ảnh về bữa sáng, bữa trưa, bữa tối và bữa ăn nhẹ được đóng gói cẩn thận được đăng tải rộng rãi đến mức thời gian cách ly 2 tuần lại trở thành khoảng thời gian thoải mái với nhiều người. Điều này khuyến khích mọi người vui vẻ tuân thủ quy định cách ly.
Khi đại dịch Covid-19 tồi tệ thêm từng ngày, từng giờ trên thế giới, kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy, bằng cách tập trung vào đánh giá sớm rủi ro, truyền thông hiệu quả và hợp tác giữa Chính phủ và người dân, một quốc gia có nguồn lực hạn chế với hệ thống chăm sóc sức khỏe còn hạn chế vẫn có thể kiểm soát đại dịch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận