Chống đầu tư “chui” FDI
Bộ Chính trị nhận định: các hiện tượng chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” trong đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (FDI) ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Việc siết lại chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư FDI từ nay đến 2030 đã được Bộ Chính trị đề ra định hướng.
Theo Nghị quyết về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đến 2030 được Bộ Chính trị ban hành hôm 20-8, do hoạt động đầu tư FDI ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại (và cả lạc hậu) đầu tư vào nước ta, quy mô vốn và chất lượng dự án tăng nên “bộ mặt” FDI ở Việt Nam ngày càng thay đổi.
Bên cạnh những tích cực, Bộ Chính trị nhìn nhận việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Thể chế, chính sách đầu tư về FDI chưa theo kịp phát triển. Chính sách ưu đãi thì dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định. Môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh tuy đã cải thiện nhưng còn hạn chế. Chất lượng, hiệu quả thu hút và quản lý FDI chưa tốt. Số lượng các dự án quy mô nhỏ, công nghệ thấp, thâm dụng lao động còn lớn, phân bổ không đều. Tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký còn thấp. Việc đóng góp cho ngân sách nhà nước ngày càng giảm so với trước. Sự liên kết, tương tác với các khu vực khác của nền kinh tế còn thiếu chặt chẽ. Hiệu ứng lan tỏa về năng suất và công nghệ chưa cao. Tỉ lệ nội địa hóa còn thấp.
“Các hiện tượng chuyển giá, đầu tư “chui”, “núp bóng” ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp, dự án lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm các chính sách về lao động, tiền lương, thuế, môi trường...”, Bộ Chính trị nhận định.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định nguyên nhân của những tồn tại trên là do chủ quan và ý thức của các cấp ngành còn kém, thu hút đầu tư bằng mọi giá. Trong khi tư duy, chính sách chưa đầy đủ. Khả năng phân tích, dự báo của các bộ, ngành còn kém.
Nghị quyết ngày 20-8 của Bộ Chính trị yêu cầu Chính phủ phải hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài. Yêu cầu xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”. Phải đưa cả các yêu cầu đáp ứng về “điều kiện an ninh, quốc phòng” trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài phải được đối xử bình đẳng như nhà đầu tư trong nước.
Bộ Chính trị yêu cầu Chính phủ phải nâng cao các tiêu chuẩn, quy định về sản phẩm, điều kiện bảo vệ môi trường, tài nguyên, tiết kiệm năng lượng theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Kiên quyết không mở rộng, gia hạn đầu tư những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên...
Nghị quyết đề ra: trong giai đoạn 2021-2025, khu vực FDI cần thu hút được 150 - 200 tỉ đô la Mỹ (30 - 40 tỉ đô la/ năm), vốn thực hiện khoảng 100 - 150 tỉ đô la (20 - 30 tỉ đô la/năm). Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50%. Tỉ lệ nội địa hoá tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30%. Giai đoạn 2026-2030, vốn đăng ký của khu vực FDI phấn đấu đạt mức 200 - 300 tỉ đô la (40 - 50 tỉ đô la/năm), vốn thực hiện khoảng 150 - 200 tỉ đô la (30 - 40 tỉ đô la/năm). Khi đó, 100% doanh nghiệp FDI đều sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, so với thực tế năm 2018. Tỷ lệ nội địa hóa đạt mức 40%...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận