Chông chênh tiến độ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Những khó khăn trong việc tiếp cận và giải ngân nguồn vốn tín dụng có thể đẩy Dự án BOT Đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Vỡ tiến độ
Hiếm có một công trình hạ tầng giao thông theo hình thức PPP nào lại gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn tín dụng như Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do UBND tỉnh Tiền Giang làm Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Chỉ trong vòng từ đầu tháng 6/2019 đến nay, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT, hiện chỉ còn đóng vai trò là bộ quản lý ngành) đã phải phát 2 công văn gửi Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đề nghị sớm giải vòng vây tín dụng cho Dự án.
Trong Công văn 6320/BGTVT – ĐTCT ngày 5/7/2019, Bộ GTVT đề nghị VietinBank và các tổ chức tín dụng hợp vốn, trên cơ sở tham khảo các dự án tương tự đã và đang triển khai, quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP và các quy định có liên quan tiến hành thẩm định cấp tín dụng song song với việc thẩm định, điều chỉnh Dự án của UBND tỉnh Tiền Giang.
“Trường hợp kết quả thẩm định cho thấy không đảm bảo các điều kiện cho vay đối với Dự án, VietinBank cần sớm thông báo kết quả cụ thể cho nhà đầu tư để hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đề nghị.
Theo ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, sau 3 tháng tăng tốc, Dự án đã hoàn thành được 22%, tăng 12% so với trước quý I/2019, chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư (khoảng 2.000 tỷ đồng, tương đương 20% tổng mức đầu tư).
Điều đáng nói là, nguồn vốn này đang cạn dần, nên nếu không sớm khơi thông vốn tín dụng và khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (2.186 tỷ đồng) chậm nhất là trong tháng 8/2019, Dự án sẽ đứng lại trong ít tuần tới, biến mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020 thành mục tiêu xa vời.
Ông Hồng cho biết, đã có lúc, Dự án tưởng như giải được nút thắt về nguồn vốn đeo đẳng hơn 10 năm qua, khi nhóm ngân hàng do VietinBank đứng đầu đã đồng ý ký hợp đồng tín dụng với nhà đầu tư vào giữa tháng 6/2018, với nội dung cung cấp khoản vay tối đa lên tới 6.850 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, sau đúng 1 năm, vẫn chưa có đồng vốn nào được giải ngân, do các nhà tài trợ vốn bổ sung một loạt điều kiện tiên quyết.
Nút thắt mới
Theo Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, để đảm bảo nguồn vốn cho Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 99/TB - VPCP ngày 18/3/2019, nhà đầu tư đã liên tục gửi văn bản giục VietinBank thẩm định và tháo gỡ các vướng mắc của Hợp đồng tín dụng. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã phát 2 công văn gửi Ngân hàng Nhà nước, VietinBank, trong đó khẳng định việc khơi thông nguồn vốn vay là có tính chất then chốt, quyết định đối với Dự án.
Cho đến cuối tháng 5/2019, VietinBank Chi nhánh 4 (đầu mối tín dụng) mới có văn bản trả lời về việc xem xét chủ trương cấp tín dụng cho Dự án, trong đó đưa ra một loạt yêu cầu làm khó nhà đầu tư.
Cụ thể, nhà tài trợ vốn yêu cầu thay đổi cơ cấu nguồn vốn Dự án trong tổng mức đầu tư vừa điều chỉnh từ hơn 9.800 tỷ đồng lên 12.550 tỷ đồng, trong đó có yêu cầu ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu là 2.575 tỷ đồng. Điều đáng nói là, hiện phần vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho Dự án mà Chính phủ đã trình Quốc hội bố trí chỉ là 2.186 tỷ đồng. Vì vậy, việc cân đối bố trí thêm cho Dự án khoảng 400 tỷ đồng nữa sẽ cần sự đồng thuận của Chính phủ, Quốc hội, làm kéo dài thời gian và rất khó thực hiện, nhất là trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay.
Đại diện doanh nghiệp dự án cho biết, với phần vốn chủ sở hữu, ngân hàng yêu cầu nhà đầu tư phải bỏ ra tới 30% tổng vốn đầu tư (gồm cả phần hỗ trợ của ngân sách), khoảng 3.765 tỷ đồng, cao hơn mặt bằng chung của các dự án BOT giao thông (chỉ từ 12 đến 15%).
Tại Công văn số 4849/BGTVT - ĐTCT gửi VietinBank ngày 19/5/2019, Bộ GTVT đã đề nghị áp dụng mức vốn chủ sở hữu cho Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là 20% tổng mức đầu tư. Đây cũng là quan đểm của Kiểm toán Nhà nước khi yêu cầu nhà đầu tư xây dựng phương án nguồn vốn chủ sở hữu ở mức 20% tổng mức đầu tư (không gồm phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước) để trình Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định điều chỉnh phương án tài chính và làm cơ sở đàm phán với các tổ chức tín dụng.
“Yêu cầu của ngân hàng về tỷ lệ vốn chủ sở hữu 30% sai khác rất lớn với quy định hiện hành cũng như chưa có tiền lệ và không phù hợp với ý kiến của Kiểm toán Nhà nước khiến nhà đầu tư không thể đáp ứng được”, ông Hồng nói.
Bên cạnh đó, ngân hàng còn yêu cầu nhà đầu tư đàm phán với các tổ chức tín dụng khác để vay phần thuế giá trị gia tăng và gửi thông báo cam kết cấp tín dụng (khoảng 930 tỷ đồng) đến ngân hàng đầu mối trước ngày giải ngân đầu tiên. Điều này cũng rất khó đáp ứng khi thời gian hoàn thuế VAT phụ thuộc vào việc giải quyết của cơ quan thuế và khả năng ngân sách.
“Việc cho vay này cần tài sản bảo đảm khi vay. Trong khi để bảo đảm nguồn vay, nhà đầu tư đã thế chấp dự án tại liên danh 5 ngân hàng, nên không còn nguồn để thế chấp từ khoảng 930 tỷ đồng riêng phần thuế này”, lãnh đạo doanh nghiệp dự án đánh giá.
Trong khi đó, đại diện VietinBank cho biết, hiện dự án này chưa có đủ các văn bản pháp quy liên quan thay đổi về tổng mức đầu tư, mức phí, lưu lượng xe, thời gian thu phí…, nên chưa có cơ sở để các tổ chức tín dụng đồng tài trợ đánh giá chính xác hiệu quả và khả năng trả nợ. Ngân hàng đề nghị nhà đầu tư phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để các tổ chức tín dụng đồng tài trợ thẩm định, cho ý kiến.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,1 km, quy mô 4 làn xe, có vai trò quan trọng kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm chỉ đạo.
Kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 20/2/2019, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “Sớm đưa Dự án thông tuyến vào năm 2020 để đáp ứng yêu cầu vận tải liên vùng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận