Chống bán phá giá tôm Việt Nam: Đạo đức kinh doanh phải luôn được coi trọng
Chính phủ Việt Nam luôn sát cánh, chủ động, tích cực bảo vệ các lợi ích hợp pháp của DN có được từ các cam kết thương mại quốc tế.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết luận cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với biện pháp chống bán phá giá với tôm Việt. Theo đó, 31 DN xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0%. Trong danh sách này có nhiều DN lớn như Minh Phú, Sao Ta, CP Việt Nam, Camimex...
Các DN tôm nên duy trì nhịp độ tăng trưởng vừa phải ở thị trường Mỹ |
Đây là tin vui chung cho ngành tôm Việt Nam và là động lực, tạo tâm lý phấn khởi cho các DN tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Quan trọng hơn là thông tin này đã giúp cổ phiếu nhiều DN tôm tăng giá như: CMX (Công ty cổ phần Camimex), MPC (Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú), FMC (Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta)…
Theo thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 7/2019, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 334 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là tháng duy nhất kể từ đầu năm xuất khẩu tôm ghi nhận có sự tăng trưởng. Nhu cầu thị trường sôi động giúp hoạt động xuất khẩu tăng trưởng tích cực. Cùng với đó, giá tôm nguyên liệu và giá tôm xuất khẩu có chiều hướng tăng trở lại. Trong tháng 7, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang 8 thị trường chủ lực (EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan) đều tăng trưởng dương, trong đó tăng mạnh nhất là thị trường Trung Quốc (47,7%) và thị trường Mỹ (37,2%), tương đương giá trị đạt 77 triệu USD. Tính chung, 7 tháng/2019, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ đạt 327,4 triệu USD, tăng 5%.
Điểm đáng lưu ý là nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam đang tăng dần do tồn kho giảm trong khi Mỹ cũng đang giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc. Song song với đó, nhu cầu tiêu thụ tôm ở Trung Quốc, Nhật Bản cũng đang tăng dần lên vào nửa cuối năm, trong khi sản lượng tôm ở Ấn Độ được dự báo giảm 20 - 30% do ảnh hưởng thời tiết và do giá giảm, VASEP cho biết thêm.
Việt Nam bắt đầu xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ từ năm 1996, khối lượng và kim ngạch tôm xuất khẩu vào Hoa Kỳ liên tục tăng trưởng với tốc độ cao theo từng năm. Chính điều này đã khiến Liên minh Tôm miền Nam Hoa Kỳ (SSA) nộp đơn khởi kiện lên DOC và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) do nghi ngờ các công ty tôm Việt Nam bán phá giá, làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp tôm của nước này.
Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta chia sẻ, kết luận mới đây của DOC càng chứng tỏ các DN tôm Việt trung thực trong hoạt động, hợp tác, khai báo số liệu kinh doanh tới DOC đầy đủ, chính xác và kịp thời. Ở chiều ngược lại, điều đó cũng cho thấy DOC hết sức công bằng khi xem xét thấu đáo hồ sơ được cung cấp; cũng minh chứng hãng luật được các DN bị đơn thuê bảo vệ đã làm việc tận tâm. Đặc biệt, trong bối cảnh khá ảm đạm từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đây thực sự là một điểm sáng đáng trân trọng. Đó là kết quả tốt nhất trong 13 lần xem xét hành chính liên quan đến ngành tôm Việt Nam mà DOC vừa thông qua, và điều đó càng chứng minh rằng, DN muốn tồn tại và phát triển bền vững thì đạo đức kinh doanh phải luôn được coi trọng hàng đầu. Và trong điều kiện cụ thể hiện nay, mặc dù có lợi thế nhưng các DN tôm nên duy trì nhịp độ tăng trưởng vừa phải ở thị trường Mỹ, nhằm tránh tình huống bất lợi trong tương lai, ông Lực nhấn mạnh.
Ở góc độ rộng hơn, sự kiện trên cũng gửi đi thông điệp rằng Việt Nam đã, đang và sẽ đấu tranh tích cực để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của nhà xuất khẩu trong các vụ kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ và ở các nước khác. Đây là công cụ tốt để ngăn chặn việc lạm dụng trong điều tra chống bán phá giá và các biện pháp phòng vệ khác. Nó cũng cho thấy Chính phủ Việt Nam luôn sát cánh, chủ động, tích cực bảo vệ các lợi ích hợp pháp của DN có được từ các cam kết thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, thị trường Hoa Kỳ đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, khó đoán định từ chính sách bảo hộ của Tổng thống Donald Trump. Về lâu dài, các DN cần có kế hoạch sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm có chất lượng cao nhất; đồng thời cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm thiểu tác động bởi thuế chống bán phá giá và các vấn đề liên quan đến hàng rào kỹ thuật tại thị trường Hoa Kỳ.
Về lâu về dài, các DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam hãy chủ động, nên coi các biện pháp phòng vệ thương mại như một loại rủi ro trong kinh doanh và luôn có sẵn phương án xử lý; Khi có vụ kiện xảy ra, thay vì buông xuôi và lảng tránh, hãy chủ động tham gia vụ kiện bằng cách tham vấn các cơ quan quản lý, thậm chí chủ động đứng đơn kháng kiện… Thêm nữa, trong quá trình kinh doanh tại bất kỳ thị trường nào, cần coi trọng công tác tự cảnh báo, xem xét kỹ các nguy cơ để đưa ra phương án kinh doanh thích hợp như điều chỉnh tần suất bán, giá cả, thay đổi phương thức thanh toán…
Bên cạnh đó, DN nên thường xuyên tham gia các buổi hội thảo, tọa đàm, tập huấn… để được cung cấp, phổ biến, cập nhật thông tin thị trường kịp thời, cách nhận thức đúng đắn về vấn đề này và nhận được cảnh báo sớm từ các cơ quan quản lý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận