menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Huyền Trang

"Chôn" tiền tỷ vào đất… rồi bỏ hoang

Dòng vốn nhà đầu tư đổ vào đất để kiếm lợi nhuận khiến cho đất bị bỏ hoang ngày càng nhiều. Trong khi đó, người cần đất để ở thực và sản xuất lại thiếu.

Có những thời điểm, trên mạng xã hội, bên cạnh thông tin về Covid-19 thì dày đặc các thông tin về… đất, chứng khoán. Còn ở thị trường thực tế, bất chấp đại dịch tác động khiến giao dịch trên thị trường thường xuyên đối mặt với tình trạng đứt gãy, gián đoạn thì mức độ quan tâm đối với bất động sản luôn tăng mạnh với lực cầu F0 (nhà đầu tư mới).

Trong khi đó, nguồn cung trên thị trường hạn chế không đáp ứng nguồn cầu tăng nhanh, khiến giá bất động sản tăng nhanh và liên tục xác lập kỷ lục. Cá biệt, còn xuất hiện cả tình trạng "sốt đất" từ thành thị tới nông thôn.

CHI TIỀN TỶ MUA ĐẤT RỒI... BỎ HOANG

Từ năm 2020, việc kinh doanh cửa hàng ăn của anh Đỗ Duy Hùng (39 tuổi, đang trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) ngày một khó khăn. Thua lỗ trong kinh doanh, sang năm 2021, anh Hùng và mấy người bạn hùn tiền để đầu tư bất động sản, cụ thể là đất nền một số huyện ven trung tâm Hà Nội, xa hơn là đất tái định cư ở Măng Đen huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Khoảng tháng 1/2021, anh bỏ ra 2,1 tỷ đồng mua mảnh đất 124 m2 ở xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội, tương đương 17 triệu đồng/m2. Nhưng ngay sau Tết năm đó, khoảng tháng 3, khu vực này có hiện tượng "sốt". Có người trả anh Hùng 20 triệu đồng/m2. "Tôi đã bán luôn và thu lãi gần 500 triệu đồng", anh Hùng kể lại hành trình bước vào đầu tư bất động sản đầy may mắn.

Sau chiến thắng mở màn, anh Hùng dồn tiền, cùng vài người bạn đã có kinh nghiệm đầu tư bất động sản đi "săn" đất nền phân lô tại các dự án khu nhà ở và đô thị ở Hà Nam và Hải Dương. Lý do là đất nền phân lô ở các dự án tỉnh lẻ có giá vừa túi tiền, không phải chịu chi phí xây dựng và an toàn, không lo dính quy hoạch.

"Chôn" tiền tỷ vào đất… rồi bỏ hoang
"Chôn" tiền tỷ vào đất… rồi bỏ hoang
Hàng trăm lô đất nền sau tách thửa bỏ hoang ở các huyện ven trung tâm TP Hà Nội (Ảnh: Hà Phong).

Tương tự như anh Hùng, việc đầu tư của chị Nguyễn Quỳnh Hoa (42 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cũng diễn ra khá suôn sẻ khi các lô đất chị mua liên tục tăng giá.

Chị Hoa kể, nghề chính của chị là kinh doanh trường mầm non. Nhưng cầm cự đến cuối năm 2020, chị buộc phải dừng vì việc kinh doanh bị Covid-19 ảnh hưởng. Sau khi thu hồi vốn thì chị đầu tư đất nền ở Hòa Bình và may mắn là các lô của chị từ đầu năm 2021 đến nay đều tăng giá.

Dù thế, chị chưa chốt lời mà vẫn đang theo dõi diễn biến thị trường. Trong tổng tiền chị Hoa "ném" vào bất động sản thì có đến một nửa là chị đi vay ngân hàng. Nhưng tính ra, lãi suất ngân hàng thấp mà phần lãi thu về từ các lô đất đã mua cao hơn nhiều nên chị chờ giá tăng thêm để bán, đem tiền đầu tư chỗ khác.

Cả anh Hùng và chị Hoa đều thừa nhận họ chỉ đầu cơ kiếm lợi nhuận chứ không có ý định ở hay khai thác kinh doanh trên phần đất đã mua. Vì thế, thường mua xong, họ để đất đó, chờ tăng giá thì bán.

QUY HOẠCH ĐẤT Ở NHƯNG LẠI BỎ HOANG

Theo ghi nhận, tình trạng đất đai bỏ hoang còn xuất hiện ngay cả tại các khu đất đấu giá, dự án khu nhà ở, khu đô thị ở nhiều địa phương đã xây dựng xong hạ tầng. Nguyên nhân chính là sự tham gia của giới đầu cơ mua gom, chứ không có mục đích sử dụng.

Đầu tháng 2 này, phóng viên Dân trí khảo sát tại một khu nhà ở tại thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Khu nhà ở này được quy hoạch và xây dựng hạ tầng đồng bộ từ nhiều năm, nhưng tới nay đang số diện tích vẫn bỏ hoang, không được sử dụng.

"Chôn" tiền tỷ vào đất… rồi bỏ hoang
Dù đã hoàn thiện hạ tầng từ nhiều năm nhưng đa phần diện tích khu nhà ở này tại huyện Hải Hậu (Nam Định) đang bỏ hoang (Ảnh: Hà Phong).

Anh Vũ Công Khoa, một người dân sống cạnh khu nhà ở này, cho biết, để thực hiện khu nhà, Nhà nước đã thu hồi đất nông nghiệp của nhiều hộ dân. Sau khi đầu tư hạ tầng, các lô đất được đưa ra đấu giá để phục vụ người dân có nhu cầu ở và tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương. "Tất cả các lô đất trong khu nhà ở này đã có chủ nhưng đa số lại bỏ không vì không có mục đích ở. Do đó, việc mua đi bán lại ở đây cũng nhiều và giá đất liên tục tăng khi qua tay các nhà đầu cơ mới", anh Khoa chia sẻ.

Ghi nhận thêm tại tỉnh Nam Định cho thấy hàng loạt lô đất sau đấu giá ở huyện Giao Thủy cũng trong tình trạng bỏ không. Khi khách có nhu cầu hỏi mua, người có đất lại báo giá cao hơn nhiều so với giá ở thời điểm trúng đấu giá.

Từng tham gia đấu giá đất vào cuối năm ngoái nhưng anh Vũ Văn Thạnh (Giao Thủy, Nam Định) không thể mua được vì giá bị đẩy lên quá cao. "Lúc đó, người ở các nơi đổ về đấu giá rất đông và họ trả giá cao. Nhưng sau khi trúng đấu giá thì họ lại để đó hoặc bán sang tay cho người khác. Trong khi đó, những người cần đất xây nhà để ổn định cuộc sống như chúng tôi thì không thể mua được", anh Thạnh chia sẻ.

Không chỉ ở Nam Định, tại một số địa phương đang có tốc độ đô thị hóa nhanh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam… tình trạng đất đô thị bị bỏ hoang khi về tay nhà đầu cơ cũng diễn ra.

"Chôn" tiền tỷ vào đất… rồi bỏ hoang
Sau khi chuyển đổi sang đất ở, nhiều lô đất rơi vào tay nhà đầu tư rồi bỏ hoang ở Hà Nội (Ảnh: Hà Phong).

Lý do chính được chỉ ra là đất đai vẫn là một kênh đầu tư "hái ra tiền" với không ít người.

Chia sẻ với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết, thời gian qua, lực cầu nhà đầu tư mới - nhà đầu tư tài chính ngắn hạn tham gia thị trường khá lớn. Và đất nền chính là "món ăn" hấp dẫn nhất các nhà đầu tư tài chính này bởi khả năng sinh lời ngắn hạn hoặc ý định "găm" đất để chờ lên giá.

Cũng theo ông Đính, việc đầu tư vào đất nền không có mục đích sử dụng lâu dài sẽ không có các hoạt động tiếp theo để kích thích các ngành ăn theo như xây dựng, vật liệu, thiết bị máy móc, dịch vụ, logistics... mà cũng không làm cho bộ mặt đô thị được cải thiện.

"Nếu đất đai không được đưa vào sử dụng đúng mục tiêu, phù hợp quy hoạch, phù hợp phát triển kinh tế thì nó sẽ không tạo ra động lực kích thích phát triển kinh tế", ông Đính nhấn mạnh.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì cho rằng cần sớm loại bỏ cơ chế phân lô bán nền đấu giá ở các địa phương. Chính sách này không phù hợp để khuyến khích sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, bởi "địa phương đua nhau phân lô bán nền, đấu giá xong thì chôn tiền, đầu cơ để đấy, có làm gì đâu".

Có thể nói, hiện tượng sốt đất thời gian qua xảy ra một phần là do tác động của Luật Đất đai 2013 khi mở rộng quy định về phân lô bán nền. Các quốc gia trên thế giới dùng hình thức phân lô bán nền chỉ để giải quyết nhà ở đô thị, không đưa vào thương mại. Đưa đất nền vào thương mại là điều rất tối kỵ, theo ông Võ.

Về nguyên tắc, thị trường bất động sản phải được khai thác giá trị đầu tư trên đất chứ không phải người mua chờ tăng giá đất để gặt hái lợi nhuận. Việc bỏ tiền vào bất động sản để khi tăng giá thì bán đi là một hành động làm hại nền kinh tế.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả