24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Thúy Hằng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chọn hộ kinh doanh-doanh nghiệp: Quyền của người kinh doanh

Chuyển thành doanh nghiệp, hộ kinh doanh ngại chi phí tuân thủ đắt đỏ và việc thực thi các quy định về kế toán, kiểm toán.

Làm thế nào để hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể mở rộng quy mô, chuyển sang mô hình doanh nghiệp ? Vấn đề được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, chiều 2.5.

Ý kiến trái chiều

Kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.

Thế nhưng, quá trình phát triển kinh tế tư nhân những năm qua ghi nhận một thực tế, những quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành và mức chi phí tuân thủ cao đang là những rào cản chính, làm chậm quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp.

Chi phí đắt đỏ, một vấn đề căn bản khiến nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp. Theo tính toán của Economica Việt Nam, nếu hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân, chi phí tuân thủ lên tới 183 triệu đồng/năm.

Thêm nữa, hộ kinh doanh quan ngại, sau khi chuyển đổi thành doanh nghiệp bắt buộc phải tuân thủ các quy định về chế độ kế toán, kiểm toán; quy định về báo cáo thống kê hàng tháng; quy định về chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đối với người lao động trong doanh nghiệp đó.

Chọn hộ kinh doanh-doanh nghiệp: Quyền của người kinh doanh

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc, đã đề nghị chính thức hóa khu vực hộ kinh doanh cá thể trong các văn bản luật. Ông thậm chí đã yêu cầu Luật Doanh nghiệp mới dành một chương riêng cho khu vực hộ kinh doanh.Đang có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể sang mô hình doanh nghiệp. Đặc biệt, tại Hội thảo lấy ý kiến Sửa Luật Doanh nghiệp hồi tháng 2.2019.

Ông Lộc cho biết, Việt Nam đang có gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, chiếm 30% GDP của cả nước nhưng vẫn là khu vực kinh tế chưa được quan sát. Ông cho rằng việc chính thức hóa khu vực hộ kinh doanh cá thể trong các văn bản luật sẽ là mở cánh cửa cho hộ kinh doanh phát triển, nước ta sẽ có thêm hàng ngàn doanh nghiệp để hoàn thành được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của Chính phủ.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng, việc chính thức hóa khu vực hộ kinh doanh cá thể trong các văn bản luật có thể “giết chết” nhiều hộ cá thể đang kinh doanh trên thị trường.

Việc chuyển đổi này cần được nhìn nhận ở cả hai chiều, phía các hộ kinh doanh, nếu giữ nguyên mô hình kinh doanh cá thể, sẽ khó phát triển, khó tiếp cận vốn và tiếp thu công nghệ cao để qua đó tăng được năng lực cạnh tranh.

Về phía Nhà nước, việc các hộ kinh doanh cá thể giữ nguyên mô hình kinh doanh, sẽ thuộc khu vực kinh tế không quan sát được, Chính phủ sẽ khó khăn trong điều tiết chính sách kinh tế.

Việt Nam đang có khoảng 4,6 triệu hộ đăng ký kinh doanh, trong đó có khoảng 150.000 hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Những hộ kinh doanh này, về góc độ luật pháp, nên chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân. Việc chính thức hóa hoạt động kinh doanh của 150.000 hộ này sẽ tạo điều kiện để chính các hộ này phát triển trong dài hạn, đồng thời giúp Chính phủ trong việc đạt các mục tiêu phát triển kinh tế và doanh nghiệp cũng như cho nền kinh tế.

Dù vậy, vẫn cần thống nhất một điểm, việc chọn mô hình kinh doanh hay giữ nguyên mô hình hộ kinh doanh cá thể hoặc chuyển đổi thành doanh nghiệp, là quyền của người kinh doanh chiểu theo quy định pháp luật hiện hành.

Nhiều việc phải làm

Về bản chất, doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ, chịu trách nhiệm vô hạn về quá trình thành lập và kinh doanh của mình. Nếu buộc các hộ kinh doanh cá thể phải chuyển đổi thành doanh nghiệp một cách duy ý chí sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí phá hỏng mục tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của Chính phủ.

TS Lê Văn Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, với thực trạng nền kinh tế hiện nay, doanh nghiệp tư nhân được xem là mô hình phù hợp nhất để các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp doanh nghiệp, TS. Lê Văn Sang cho rằng “có nhiểu việc phải làm”.

Trước hết, quy định pháp lý, với định danh cụ thể là doanh nghiệp tư nhân cho khu vực này. Kế đến, giảm chi phí tuân thủ các quy định xuống mức thấp hơn, có thể là 20-25 triệu đồng/năm, thay vì mức 183 triệu đồng/năm như hiện nay, giúp các hộ thêm động lực chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Nhưng trước đó, cần có những điều tra cơ bản về quy mô và nguyện vọng, về tính chất và tình trạng công nghệ, để đánh giá tác động của việc chuyển đổi: đến chính doanh nghiệp sau chuyển đổi, đến khu vực kinh tế tư nhân, đến chính phủ và xã hội. Thông qua kết quả điều tra này, Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Việt Nam cũng có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế để có chính sách phù hợp, chẳng hạn chính sách ưu đãi tài chính đối với hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp của Nhật Bản.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả