Chơi hụi... lụi sản nghiệp
Chơi hụi được nhiều người lựa chọn như một hình thức gửi tiền phòng thân, có người xem như “nuôi heo đất”… Tuy nhiên, đa phần các dây hụi tự phát, tự thỏa thuận nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thực tế tại không ít địa phương miền Tây đã xảy ra nhiều hệ luỵ từ vỡ hụi…
Bị cáo Lê Bích Trâm (33 tuổi, Hậu Giang) vừa bị tòa tuyên án 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại của Trâm có tới 51 hụi viên. Bản án đối với nữ chủ hụi này mặc dù “đích đáng” về mặt luật pháp, thế nhưng những hậu quả phía sau khó khắc phục. Bị cáo đã ly hôn, bản thân không còn bất kỳ tài sản nào để hoàn trả cho các bị hại. Nhiều bị hại là người lớn tuổi, không còn sức lao động, đem số tiền dành dụm góp hụi để tích trữ phòng thân, nay tiền mất nợ mang.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2016, Trâm đứng ra làm chủ hụi để hưởng hoa hồng, lúc đầu mở các dây hụi từ 100 đến 200 nghìn đồng, số lượng hụi viên chưa nhiều. Khoảng năm 2019, do lấy tiền của hụi viên sử dụng vào mục đích cá nhân nên Trâm phải vay nóng bên ngoài để bù, rồi tiếp tục mở thêm nhiều dây hụi, với giá từ 500 nghìn đồng đến 5 triệu đồng. Trâm gian dối đặt tên khống để hốt và bán hụi nhằm chiếm đoạt tài sản của các hụi viên.
Đến giữa tháng 4/2020, do mất khả năng tài chính nên Trâm tuyên bố vỡ hụi. Kết quả điều tra của cơ quan công an cho thấy, Trâm đã gian dối để chiếm đoạt tổng số tiền hơn 2,1 tỷ đồng.
“Khi hay Trâm bể hụi, tôi mất ăn, mất ngủ. Buôn bán cực nhọc, tiết kiệm từng đồng để hằng tháng đóng hụi với hy vọng có một khoản tiền kha khá sửa nhà. Vậy mà gần tới ngày hốt hụi thì chủ hụi tuyên bố bể hụi rồi bỏ trốn. Gần 200 triệu đồng của tôi giờ sao đây…” - bà N.T.T (xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, một trong những bị hại) ngậm ngùi.
Khó xử lý
Tại Trà Vinh, thời gian qua đã xảy ra những vụ lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng thông qua hình thức góp hụi, hốt hụi, bán khống hụi... Phương thức thủ đoạn lừa đảo chủ yếu là chủ hụi lập các dây hụi. Thời gian đầu, chủ hụi thực hiện đúng và đầy đủ việc thu tiền và giao tiền cho hụi viên, khuếch trương, khoe khoang tiềm lực kinh tế để rủ rê, lôi kéo nhiều người tham gia, sau đó lợi dụng sự tin tưởng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Từ năm 2021 đến nay, Công an tỉnh Trà Vinh tiếp nhận 16 vụ vỡ hụi có dấu hiệu tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của hàng trăm bị hại, với tổng giá trị tài sản chiếm đoạt trên 60 tỷ đồng, qua đó, khởi tố 7 vụ án, 7 bị can… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có tới 4.000 dây hụi, 1.334 chủ hụi, tổng số tiền góp hụi khoảng 845 tỷ đồng. Hình thức góp hụi phổ biến nhất là hụi tuần, tháng, hụi mùa. Những người tham gia thường mang tính tự phát, trên cơ sở tự thỏa thuận giữa các thành viên, đa số các dây hụi đều không thông báo đến chính quyền.
Thời gian đầu, chủ hụi thực hiện đúng và đầy đủ việc thu tiền và giao tiền cho hụi viên, khuếch trương, khoe khoang tiềm lực kinh tế để rủ rê, lôi kéo nhiều người tham gia, sau đó lợi dụng sự tin tưởng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Việc người dân đến tòa nộp đơn khởi kiện tranh chấp nợ hụi không phải là chuyện hiếm. Mỗi bị đơn có hàng chục đến hàng trăm nguyên đơn khởi kiện. Đa phần là hụi viên đi kiện chủ hụi vì bị giật hụi, phần lớn các vụ việc được tòa án giải quyết theo thủ tục tranh chấp dân sự.
Một thẩm phán tòa cấp huyện ở Hậu Giang cho biết, việc xét xử dân sự liên quan hụi thường khá phức tạp và khó khăn; rất nhiều người tham gia chơi hụi không nắm vững các quy định pháp luật, không quan tâm đến hình thức, nên chịu rất nhiều bất lợi khi xảy ra tranh chấp.
Theo ông Lê Văn Nam - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hậu Giang, phần lớn sau các vụ vỡ hụi, cơ quan thi hành án gặp vô vàn khó khăn trong việc thi hành bản án. Bởi, khi vỡ hụi, tài sản của các chủ hụi chẳng còn gì để thi hành, còn hụi viên nếu có nhận lại được tiền thì cũng rất ít ỏi so với con số đã mất. Những tài sản có giá trị như nhà, đất đều đã được cầm cố, thế chấp trong ngân hàng với số tiền lớn.
Pháp luật hiện có những quy định, hướng dẫn liên quan đến hụi, điều chỉnh quan hệ dân sự này. Tuy nhiên, thực tế ít có hụi viên yêu cầu chủ hụi phải đem văn bản thỏa thuận đi chứng thực và cũng hiếm có chủ hụi nào khai báo với chính quyền địa phương khi mở các dây hụi lớn. Theo một lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, mỗi địa phương cần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, bằng nhiều hình thức các văn bản pháp luật liên quan đến hụi cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân nắm được, nhất là Nghị định 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về họ, hụi, biêu, phường…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận