Chơi hoa, cây cảnh - nét thi vị của ngày Xuân
Ngày Tết luôn có ý nghĩa thiêng liêng trong tâm thức của người Việt.
Bên cạnh việc ăn Tết, thì việc thưởng thức vẻ đẹp của hoa và cây cảnh ngày Tết được xem là một thú vui tao nhã, một nét thi vị của ngày xuân, bởi có hoa là có Tết. Vì thế mà khi xuân về thiếu đi sắc hoa thì dường như chưa trọn nghĩa của ngày Tết.
Những chậu đào cảnh được bày bán ở quảng trường Hòa Bình. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN
Theo quan niệm xưa, ngày Tết càng nhiều hoa, cây cảnh trong nhà sẽ mang đến nhiều điều tốt đẹp cho gia đình trong năm mới.
Những loài hoa, cây cảnh có màu sắc tươi sáng, rực rỡ như đỏ, vàng... mang ý nghĩa tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ, sự may mắn và tạo cảm giác ấm áp cho ngôi nhà trong những ngày đầu Xuân mới.
Chính vì lẽ đó, dù bận rộn với bao công việc, mọi người vẫn luôn dành thời gian để dọn dẹp, trang trí và làm đẹp lại nhà cửa bằng những lọ và chậu cây cảnh.
Nét thi vị của ngày xuân
Mỗi độ Tết, đến Xuân về, lòng người như lâng lâng bay bổng giữa muôn vàn hoa khoe sắc. Nhà thơ Huy Cận từng bộc bạch: “Nếu một ngày không có hoa, cuộc đời như tăm tối”, “hoa là niềm vui, là hạnh phúc, là sự kết nối người với người”. Có lẽ vì thế mà chơi hoa ngày Tết dường như trở thành một nét thi vị của ngày Xuân.
Những ngày này hoa, cây cảnh hiện hữu khắp mọi ngõ ngách, nẻo đường và trong từng gia đình.
Và vì thế, những cành hoa, chậu cây trở thành những món quà Tết ý nghĩa mà người Việt tặng nhau khi Xuân về Tết đến. Một cành Đào, chậu Mai hay chậu Cúc Vạn thọ… như lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng, sống thọ và tài lộc… của những người bà con, thân thích, bạn bè hay hàng xóm láng giềng gửi tặng nhau.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, những chợ hoa Tết đã xuất hiện và hoạt động từ khoảng giữa tháng Chạp đến hết ngày 30 Tết. Đối với người yêu hoa thì chợ hoa Xuân luôn là lựa chọn đầu tiên.
Có người đi chợ hoa chỉ để thưởng thức và ngắm nhìn những chậu cây, chậu hoa đủ màu sắc và thể loại, để cảm nhận không khí Tết. Nhưng với người có thú chơi hoa thì việc đi chợ hoa ngày Tết lại là cả một nghệ thuật.
Các bạn trẻ trải nghiệm chợ hoa đêm Quảng Bá, Hà Nội: Ảnh: Nhật Anh - TTXVN
Việc chọn hoa còn tùy theo lứa tuổi và sở thích của từng người. Người cao tuổi thường hay chọn hoa Mai, Đào, Cúc… các loài hoa này tượng trưng cho sự mạnh mẽ và cao thượng.
Người trẻ tuổi thì thích hoa Hồng, Thược Dược, Violet… thể hiện sự năng động, trẻ trung. Và vài năm trở lại đây, bên cạnh những loại hoa và cây cảnh truyền thống còn có rất nhiều loại cây hoa ngoại nhập.
Tùy theo đặc trưng của vùng miền, địa phương mà mỗi nơi lại có loài hoa biểu trưng cho Tết khác nhau. Ví như hai loại hoa đặc trưng nhất đại diện cho hai miền Bắc-Nam là hoa Đào và hoa Mai.
Hoa Đào biểu trưng cho sự đổi mới, sinh sôi, phát triển mạnh mẽ và được xem là tinh hoa của Ngũ hành. Còn hoa Mai là biểu tượng cho sự may mắn, tốt đẹp, khởi đầu cho một năm mới thịnh vượng.
Bên cạnh hoa Đào và hoa Mai, người Việt còn có nhiều loài hoa để chơi Tết, với màu sắc và chủng loại đa dạng. Có lẽ vì vậy, khi chọn hoa chơi Tết, người mua còn chú trọng cả đến tên gọi và tác dụng phong thuỷ của các loài.
Ví như hoa Cát tường mang ý nghĩa may mắn, hanh thông mọi việc; hoa Đỗ quyên và Trạng nguyên mang mong ước đỗ đạt, thành đạt; hoa Thủy tiên mang lại điều may mắn, như ý, tăng thêm tài khí cho gia đình; hoa Hải Đường thể hiện sự phú quý, giàu sang…
Bên cạnh đó, một số loại cây khác lại có ý nghĩa sung túc, trường thọ như: hoa Vạn thọ, Bách tán, Sống đời… như lời cầu chúc một năm mới dồi dào sức khỏe cho cả gia đình.
Thú chơi cây cảnh cũng lắm công phu
Việc chọn hoa chơi Tết đã công phu nhưng việc chọn cây cảnh bày Tết còn cầu kỳ hơn nhiều. Việc chọn cây không đơn giản chỉ là ngắm cây và chọn, mà đó còn thể hiện sự tinh thông, am hiểu về nghệ thuật phong thuỷ đối với cây cảnh. Đối với người sành về cây cảnh, thì thế và dáng của cây là rất quan trọng.
Không khí ngày Tết thêm vui tươi khi đâu đó trên phố thỉnh thoảng xuất hiện những cảnh đào Tết với những nụ cười rạng rỡ. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN
Thế cây phải vững chãi, cành lá sum suê, trong đó phải có cả lá-lộc-chồi, nếu loại cây có quả thì phải có đủ cả loại quả chín và xanh. Một cây hội đủ những yếu tố như thế mới có thể được xem là một cây cảnh đẹp, bởi nó hội tụ đủ nét tứ quý cho một năm. Điều đó cũng biểu hiện sự an khang, thịnh vượng cho gia chủ.
Khi đi chợ ngày Tết, người mua thường chọn một số loại cây mang ý nghĩa cho sự no đủ và nhiều điều tốt lành cho năm mới, như cây Sung, Phát tài, Kim ngân thể hiện mong muốn giàu sang, tiền bạc luôn dồi dào; hay cây Quất theo quan niệm dân gian là biểu tượng cho sức khỏe, bình an, trường thọ và sự may mắn trong tình duyên…
Không chỉ vậy, những người yêu hoa, cây cảnh còn thích chọn theo bộ tứ quý gồm: Tùng-Cúc-Trúc-Mai thể hiện sức sống mãnh kiệt, bình dị và thanh tao. Trong đó, Tùng-Trúc tượng trưng cho người nam quân tử nên được bày bên ngoài, còn Cúc-Mai là cây tượng trưng cho thiếu nữ nên được bày bên trong.
Bên cạnh đó, nhiều người còn chọn bày Tết là các loại cây bonsai, với những dáng cây được tạo kiểu, mang ý nghĩa biểu trưng cho văn hóa Việt Nam và phương Đông như: Tam đa, Ngũ phúc... Trong đó, Tam đa là thế cây tượng trưng cho ba ông Phúc, Lộc, Thọ; còn Ngũ phúc là thế cây có năm tán, tượng trưng cho Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh.
Ngoài ra, ngày nay, nhiều người còn thích chọn cây cảnh được tạo dáng theo kiểu cách tân, có giá trị thẩm mỹ cao, như cây được uốn theo thế hạn phụ thạch (cây ôm đá), hay kiểu cây liền rễ (còn gọi là qua cầu)…
Và khi Xuân đến Tết về, nhà nhà có chậu Cúc, chậu Vạn thọ bên hiên, trong nhà có cây Quất trĩu quả hay chậu hoa Mai vàng và cành Đào thắm... Những điều giản dị ấy dường như làm không khí gia đình thêm ấm cúng, trang nghiêm nhưng cũng tươi mới và sinh động.
Cứ như thế, tục chơi hoa, cây cảnh ngày Tết của người Việt được gìn giữ và lưu truyền. Đây không chỉ là nét truyền thống, mà còn là hơi thở mùa xuân, là những điều tốt đẹp trong văn hóa đón tết cổ truyền của dân tộc./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận