Cho vay qua app: Khó cấm, phải tìm cách quản
Công an vừa phá một vụ án “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” mà các đối tượng đã cho người dân vay với lãi suất đến 4,4%/ngày thông qua app – mọi giao dịch đều được thực hiện qua Internet và điện thoại di động.
Nếu đến hạn không trả được nợ thì nhân viên thu hồi nợ sẽ liên tục điện thoại cho người nợ để đòi nợ và/hoặc cho tất cả những người có trong danh bạ điện thoại của người vay để tạo áp lực lên người vay phải trả nợ (1).
“Tiên trách kỷ”
Hiển nhiên là khi nghe đến lãi suất cho vay 4,4%/ngày thì không ai không cảm thấy bất bình cho người “bị hại” và lên án kẻ cho vay nặng lãi theo kiểu “cắt cổ” này và có hướng suy đến sự lừa đảo, lập lờ thông tin để người vay “chui vào tròng” một khi đã vướng vào vay nặng lãi kiểu này.
Tuy nhiên, tỉnh táo mà nhìn lại thì không phải người cho vay qua app (tạm gọi là công ty cho vay) nào cũng là lừa đảo ở cái nghĩa là hoạt động “chui”, không phép, lãi suất cho vay vượt quá mức quy định theo luật pháp, cho vay có tính ép buộc, che giấu thông tin để lừa người vay...
Trong số các công ty cho vay nặng lãi mà Công an công bố như chủ sở hữu của app “Vaytocdo”, “Moreloan”, và “VD Online”, thử tra tìm thông tin về chúng trên Google thì hai cái đầu có website, còn cái thứ ba thì tìm mỏi mắt cũng... chưa thấy. Hai cái có website thì tuyệt nhiên không thấy có bất cứ một thông tin gì về ai là chủ sở hữu, chưa nói gì đến những thứ như địa chỉ, đăng ký kinh doanh... Nói tóm lại, những “công ty” cho vay qua app này đúng là tổ chức “tín dụng đen” ở cái nghĩa là tiến hành hoạt động cho vay không phép, và chỉ riêng hoạt động này thôi đã xứng đáng bị pháp luật sờ gáy, truy tố tội danh tương ứng.
Dẫu vậy, không thể phủ nhận rằng người vay hoàn toàn không bị dụ dỗ theo kiểu bị ép buộc, lừa phỉnh để vay tiền từ những app này. Họ hoàn toàn là những “nạn nhân” chủ động đi vay. Hơn nữa, cũng không thể nói khi đi vay, họ không biết gì về những khoản phí và lãi suất, bởi các mức này được thông báo rõ trước khi người vay ấn nút xác nhận (2). Do đó, đã để đến mức “vỡ nợ”, bị quấy rối bởi những kẻ đòi nợ (thuê) thì người vay trước tiên phải tự trách mình vì đã quyết định vay, dù biết vay sẽ phải trả lãi cao, dễ bị mất khả năng trả nợ, dễ bị đòi nợ qua (ứng dụng trên) điện thoại di động...
Không thể cấm
Sự hoạt động không phép thông qua app của những tổ chức tín dụng đen như trên rõ ràng là cần được ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với mọi công ty/hoạt động cho vay qua app đều là xấu xa, bất hợp pháp, cần bị cấm đoán. Quay trở lại với những trường hợp người vay vừa là “nạn nhân”, vừa là “tòng phạm” tiếp sức cho sự tồn tại của những app tín dụng đen nêu trên, câu hỏi đặt ra là nếu họ không vay từ những app này thì họ sẽ vay ai, ở đâu?
Câu trả lời chung chung thường thấy là hãy tìm đến các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương hoặc trực tiếp đến tổ chức tín dụng, ngân hàng tin cậy để được hỗ trợ (1). Xin nói luôn là những lời khuyên kiểu này chỉ để cho có. Kể cả có suôn sẻ đến đâu thì cũng không tổ chức nào có thể cho vay ngay trong 10 phút, bất kể người vay là ai, ở đâu, làm gì... Cần luôn nhận thức rằng có rất nhiều người chỉ có thể vay ngay, vay được từ các số điện thoại dán trên cột điện, dù ai cũng tỉnh táo, có năng lực dân sự, cũng biết nếu được thì phải vay từ các nguồn chính thống như ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Trong bối cảnh này, nếu cấm đoán, thì một bộ phận lớn có nhu cầu chính đáng trong số những người phải vay, chấp nhận vay nặng lãi sẽ rơi vào cảnh còn tuyệt vọng, khốn đốn hơn cả khi chấp nhận vay nặng lãi. Đó là chưa kể các hoạt động tín dụng đen bằng cách này hay cách khác vẫn sẽ luôn tồn tại, bất chấp pháp luật có nghiêm minh đến đâu (xem bài “Tín dụng đen sẽ “trường tồn”!) (3). Bởi vậy, giải pháp phải là đưa những hoạt động cho vay này vào khuôn khổ điều tiết của pháp luật trong chừng mực có thể.
Tìm cách quản
Cũng thử tra tìm trên Google thông tin liên quan sẽ thấy có một số điều “thú vị”. Có một số công ty chủ sở hữu app cho vay có đủ thông tin tối thiểu như đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên hệ; trên website thậm chí còn có cả mục Điều kiện và Điều khoản quy định chi tiết về giao dịch cho vay của mình. Như vậy, những thông tin công khai cho thấy công ty này là một thể nhân kinh doanh hợp pháp với dịch vụ cung ứng là (môi giới) cho vay trực tiếp qua app (hoặc trên website).
Trong bối cảnh tín dụng đen không thể dẹp bỏ thì sự tồn tại của những công ty cho vay trực tuyến này rõ ràng là giải pháp đỡ tệ hơn. Nói đỡ tệ hơn bởi đối tượng này vẫn có một số điểm không tốt, cần được điều chỉnh bởi pháp luật đặc biệt liên quan đến bảo mật thông tin và đòi nợ (chứ không phải là về phí và lãi suất, là những điều được công khai mà người vay được biết trước, biết rõ).
Lấy ví dụ với Công ty Tư vấn Tài chính X, chủ của ứng dụng “....Đồng”. Trong phần “Điều kiện và Điều khoản”, đọc thì sẽ thấy là có rất nhiều “cài cắm” tinh vi, có thể nói không quá lời là rất gian manh; toàn bộ rủi ro, bất lợi được công ty gạt hết sang người vay.
Chẳng hạn, điều khoản liên quan đến webstie của công ty quy định công ty có toàn quyền thay đổi bất kỳ tính năng, điều khoản, điều kiện áp dụng với người sử dụng website vào bất kỳ lúc nào, không cần báo trước; mọi thay đổi có hiệu lực ngay khi được cập nhật lên website; mọi dịch vụ hay sản phẩm đang được người dùng sử dụng sẽ phải chấp nhận các thay đổi, cập nhật đó.
Ngoài chuyện lời lẽ mơ hồ, hiểu kiểu gì cũng được, có một điều chắc chắn phải được hiểu đúng (theo ý đồ của công ty) là có một điều khoản nào đó công ty muốn điều chỉnh theo hướng có lợi cho mình thì chỉ việc “cập nhật” nó lên website. Như thế, một điều khoản tương ứng trong “hợp đồng” vay tiền hiện hữu của người vay với/thông qua công ty rất có thể là không còn đúng như ban đầu nữa mà phải theo điều khoản mới theo hướng bất lợi cho người vay.
Những quy định liên quan đến tính an toàn, chính xác, bảo mật của website và “bất kỳ sản phẩm dịch vụ nào” do công ty cung cấp cũng rất bất lợi cho người vay; công ty hoàn toàn không chịu trách nhiệm với bất cứ vấn đề nào phát sinh có thể gây thiệt hại cho khách hàng, dù rằng có thể lỗi là phía công ty, kể cả khi có virus máy tính liên quan đến các tài liệu, thông tin trên website...
Tương tự, ngay những chuyện tưởng như hiển nhiên như điều khoản công ty và các đối tác được phép gửi thông tin và hình ảnh của người vay cho các nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ liên quan, được phép liên lạc với người vay, điều mà công ty “cài cắm” chính là câu nèo sau đó rằng: “Vào bất cứ lúc nào bạn không muốn tiếp tục nhận được thông tin liên lạc từ ... Đồng, bạn có thể gọi điện trực tiếp vào số hotline của ... Đồng để nêu ra yêu cầu của mình”. Khi chấp nhận như thế này thì cầm chắc người vay sẽ còn tiếp tục “được” nhận thông tin liên lạc (chắc chắn là gồm nhiều liên lạc không mấy “thú vị” như tin nhắn khủng bố đòi nợ) từ “các đối tác” của công ty vì trong điều khoản chỉ nói là nếu không muốn nhận thông tin liên lạc từ công ty chứ không phải là từ “các đối tác” của công ty mà rất có thể trong đó gồm những kẻ đòi nợ thuê và/hoặc người cho vay thực sự. Hơn nữa, người vay gọi điện đến hotline để nêu ra yêu cầu nhưng sự nêu ra yêu cầu này không đồng nghĩa với việc công ty (và các đối tác) sẽ chấm dứt “thông tin liên lạc” với người vay, bởi đơn giản là chẳng có từ ngữ nào trong điều khoản này nói lên điều này cả!
Như vậy, song song với việc xử lý theo pháp luật các chủ nhân của website, app cho vay bất hợp pháp, nhà nước cần một mặt khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp cho vay trực tuyến/ngang hàng hợp pháp, có đăng ký, nhưng đồng thời phải đưa ra những quy định và tiêu chuẩn chi tiết về hình thức cho vay này để bảo vệ, hạn chế rủi ro cho người vay qua kênh này (xem thêm bài “Cần sớm quản lý cho vay ngang hàng”) (4), cũng như thắt chặt các quy định về đòi nợ nói chung.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận