Cho trường vay nợ, đòi làm sao?
Bạn tôi rất “ấm ức” khi đi du lịch nước ngoài, nên quyết tâm đầu tư cho con học tiếng Anh.
Một hôm, bạn khoe đã tìm được trung tâm ngoại ngữ: "Đóng tiền một lần, họ dạy con em khi nào đạt IELTS 7.0 thì mới thôi, không thu thêm tiền".
Tôi cắc cớ hỏi: "Thế con em tới 70 tuổi mà vẫn không đạt IELTS 7.0 thì họ có trả lại tiền không?", bạn ngẩn người ra lẩm bẩm "ừ nhỉ".
Nhưng chờ học viên tới 70 tuổi mới xù tiền thì vẫn là hạ sách. Cao thủ chỉ cần sáu tháng. Sáu tháng đầu cho học với thầy giỏi. Sáu tháng sau đưa các ông "Tây balô" vào. Học viên tự khắc chán, bỏ và trở thành bên vi phạm hợp đồng, lấy cớ gì mà đòi lại tiền người ta. Nếu tiếc mà ép con học tiếp, có thể phải tốn thêm tiền điều trị tâm lý cho con. Thiệt đơn, thiệt kép. 12 tháng sau họ lập trung tâm mới và bỏ ra 20% chi phí quảng cáo để tiếp cận những người tương tự.
Mánh khóe trong giáo dục phổ thông đòi hỏi bài bản hơn, cần vốn lớn hơn, cho ba việc: chạy quảng cáo, làm truyền thông; xây cơ sở vật chất; và dùng tiền lương thu hút giáo viên nước ngoài, giáo viên giỏi từ các trường chuyên để tạo hình ảnh, với lời hứa tuyển dụng lâu dài, sau khi đạt mục đích sẽ kiếm cớ chấm dứt hợp đồng với đội ngũ nhân sự dùng để tiếp thị.
Pháp luật không hạn chế, nên nhà đầu tư thoải mái huy động vốn dưới tên gọi thương mại là "gói đầu tư giáo dục" mà không bị khống chế bởi trần, sàn, room, tỷ lệ vốn tự có... Điểm chết người nhất của hình thức này là thời hạn huy động vốn có thể lên tới 12 năm, đủ để các nhân sự cấp cao của nhà đầu tư xin thẻ xanh, nghỉ hưu ở nước ngoài, để lại ngân hàng - nhà trường - phụ huynh vật lộn với nhau, ôm hy vọng Chính phủ dùng ngân sách giải cứu.
Trái ngược với huy động vốn trong lĩnh bất động sản, giáo dục tại các quốc gia chịu ảnh hưởng Nho giáo được đối xử "như một loại tôn giáo" ở khía cạnh: không nghi ngờ, buông lỏng giám sát. Bởi vậy, đây là lĩnh vực các nhà đầu tư mặc sức tung hoành trong huy động vốn, chân chính cũng có, thất đức cũng có.
Tình trạng "mang con bỏ chợ" trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, xuất phát từ hai đặc trưng tâm lý nạn nhân và sáu bất thường trong quản lý, đầu tư giáo dục.
Ngoài tâm lý "đầu tư học hành cho con cái là khoản đầu tư không bao giờ ân hận", giáo dục còn có đặc trưng thứ hai: hầu hết phụ huynh không có năng lực hoặc thời gian trực tiếp đo đếm, đánh giá dịch vụ giáo dục nên họ đành phải dựa vào niềm tin; và kẻ bất lương đã "thả thính" đúng ở điểm đó để giăng câu.
Nhà đầu tư sẽ đón bắt hai đặc trưng tâm lý trên bằng việc huy động vốn đồng thời từ ngân hàng và phụ huynh rồi thiết kế ra các "gói đầu tư giáo dục", thuyết phục phụ huynh rằng, chỉ cần cho trường vay tiền, con em họ sẽ được học miễn phí cho tới lúc thành tài tại ngôi trường hoành tráng, trang trí bằng hàng loạt chứng chỉ, xếp hạng giáo dục nước ngoài - những điều mà đa số phụ huynh không đủ năng lực đánh giá trong mớ vàng thau lẫn lộn.
Về phương diện quản lý nhà nước, có một số điểm bất thường làm cho cơ hội "huy động vốn giáo dục" từ phụ huynh trở nên dễ dàng.
Thứ nhất, tầm nhìn quy hoạch trường học. Quỹ đất cấp cho các trường công khá dè xẻn. Vì vậy, một số trường tư thục có thể dễ dàng gây choáng ngợp phụ huynh bằng cơ sở vật chất to đẹp hơn gấp bội, còn chất lượng giờ giảng, lớp học khó lòng giám sát và đánh giá.
Thứ hai, trong khi Nhà nước đã ban hành điều kiện, thời điểm, trần tối đa mà nhà đầu tư có thể huy động được cho dự án bất động sản hình thành trong tương lai, thì điều tương tự không tồn tại trong lĩnh vực giáo dục.
Thứ ba, trái lại, pháp luật trong lĩnh vực giáo dục siết chặt các điều kiện thành lập mới cơ sở giáo dục, mà không quy định lộ trình tuân thủ, hồi tố với các đơn vị hiện hữu.
Thứ tư, trong một số lĩnh vực, để giảm rủi ro, pháp luật về ngân hàng có quy định về trần, tỷ lệ huy động vốn ngân hàng tối đa; tiêu chí thẩm định giá, thì trong lĩnh vực giáo dục thiếu vắng các quy định tương tự.
Thứ năm, trong khi lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, có các quy định về "gối đệm tài chính", tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro; tỷ lệ vốn sở hữu tối thiểu và chế tài ngặt nghèo, cơ chế định kỳ báo cáo và có thể bị buộc tạm ngừng kinh doanh khi rơi vào trạng thái "cần được kiểm soát đặc biệt"; thì các quy định của pháp luật về giáo dục chưa đạt được mức độ thông minh, hợp lý tương tự.
Thứ sáu, nếu công chứng sai phải đền tiền, thẩm định giá sai phải đi tù, thì trong quản lý giáo dục, một mặt các tổ chức kiểm định giáo dục không phải chịu trách nhiệm trước phụ huynh học sinh khi có hành vi gian lận trong kiểm định; mặt khác, nguồn cung nhân lực kiểm định viên giáo dục bị bóp nghẹt, dẫn đến thiếu hụt. Hai cơ chế này đã gián tiếp đẩy giá chợ đen của các loại giấy phép lên cao; cao tới ngưỡng nhà đầu tư giáo dục tử tế không thể xoay xở đâu ra lợi nhuận cao tương ứng để bù đắp.
Hai đặc trưng, sáu bất thường nêu trên gián tiếp gây ra nhiều vấn đề bất cập trong mối quan hệ giữa nhà trường - phụ huynh hiện nay, làm nhốn nháo môi trường giáo dục.
Phụ huynh, học sinh luôn ở thế yếu, không đủ sức sử dụng cơ chế thị trường để thanh lọc các nhà đầu tư giáo dục bất chính. Chỉ có thể thay đổi quy định pháp luật mới tạo cơ hội cho xã hội tử tế; việc "xã hội hóa giáo dục" mới bớt hoang dại và đi đúng mục tiêu đặt ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận