Cho thuê đất 15 Thi Sách trái luật: Làm gì với 3,4 tỉ 'khắc phục hậu quả' nộp dư?
Đây là trường hợp khá hi hữu xảy ra trong vụ án cho thuê 'đất vàng' 15 Thi Sách trái quy định liên quan đến cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín và 4 đồng phạm.
Nộp "khắc phục hậu quả" dư
Trong vụ án này, gia đình các bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả 3,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, vụ án được xác định không còn thiệt hại. Vậy số tiền này thuộc về ai?
Theo nội dung vụ án, nhà đất 15 Thi Sách là công sản, việc tham mưu sắp xếp, xử lý thuộc trách nhiệm Ban chỉ đạo 09. Tuy nhiên, năm 2014 Phan Văn Anh Vũ với tư cách là chủ tịch HĐQT Công ty Bắc Nam 79 đã lợi dụng danh nghĩa tổ chức bình phong của Bộ Công an, ký nhiều văn bản hoặc đề xuất lãnh đạo Bộ Công an ký nhiều văn bản gửi UBND TP.HCM đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện để được thuê, giao chỉ định nhà đất này.
Ông Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm đã quyết định cho thuê đất, bán chỉ định nhà và khấu trừ tiền thuê đất đối với nhà đất số 15 Thi Sách trái quy định, khiến Nhà nước thất thoát số tiền 6,7 tỉ đồng do Công ty Bắc Nam 79 được hỗ trợ trái pháp luật và số tiền 802 tỉ đồng giá trị tiền sử dụng đất Nhà nước chưa thu được.
Sau đó, hành vi phạm tội của Vũ và các cán bộ công an đã bị xử lý trong vụ án "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Bản án hình sự phúc thẩm ngày 13-6-2019 của TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên phạt các bị cáo này với mức án khác nhau, đồng thời về trách nhiệm dân sự tòa án tuyên buộc Công ty Bắc Nam 79 bồi thường.
Trong vụ án xét xử hành vi của ông Tín và đồng phạm, hậu quả của vụ án không còn. Tuy nhiên, trong khi vụ án được đưa ra xét xử, gia đình các bị cáo đã nộp 3,4 tỉ đồng khắc phục hậu quả. Số tiền này hội đồng xét xử đã tuyên giao Cục Thi hành án dân sự TP tạm giữ để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án của Công ty Bắc Nam 79 trong việc bồi thường tài sản vật kiến trúc trên đất đối với nhà số 15 Thi Sách là 6,7 tỉ đồng.
Thu giữ hay hoàn trả?
Trong đơn đề nghị được khắc phục hậu quả, ông Lê Văn Thanh - nguyên phó chánh văn phòng UBND TP - cho rằng do nhận thức trách nhiệm của mình nên nộp tiền để tạm thời khắc phục một phần hậu quả thiệt hại cho Nhà nước. Sau này khi các cơ quan có thẩm quyền thu được tài sản từ Công ty Bắc Nam 79 đang bị tạm giữ trong vụ án "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" để khắc phục phần thiệt hại này thì các bị cáo xin được nhận lại.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thành Công - Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng phải hoàn trả 3,4 tỉ đồng cho gia đình các bị cáo. Bởi hậu quả của vụ án đã được giải quyết tại bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội, trong đó buộc Công ty Bắc Nam 79 phải bồi thường 6,7 tỉ đồng.
Tuy nhiên, các bị cáo muốn bày tỏ sự ăn năn, hối cải về hành vi sai phạm của mình nên đã vận động gia đình nộp thêm 3,4 tỉ đồng. Đó là nhận thức của các bị cáo, song khi đưa ra xét xử thì tòa án phải căn cứ vào quy định pháp luật để giải quyết. "Trong trường hợp này, nên ghi nhận ý chí rồi trả lại cho họ" - luật sư Công nêu.
TS Phan Anh Tuấn - trưởng bộ môn hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM - cho rằng các bị cáo đã có hành vi sai phạm gây thiệt hại cho Nhà nước. Nếu các bị cáo có ý muốn cùng Công ty Bắc Nam 79 khắc phục hậu quả thì pháp luật không cấm, thậm chí các bị cáo có thể nộp thay cho Công ty Bắc Nam 79 nếu công ty này đồng ý. Như vậy, thiệt hại sẽ nhanh được khắc phục. Còn trường hợp hậu quả đã được Công ty Bắc Nam 79 khắc phục rồi thì Nhà nước sẽ trả lại số tiền này cho người nộp.
Còn ông Đỗ Đức Vĩnh - nguyên kiểm sát viên cao cấp - cho rằng về thiệt hại trong vụ án hình sự sẽ được xác định bằng hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân liên quan, ở đây cụ thể là các bị cáo.
Theo ông Vĩnh, trong vụ án này, việc tòa tách bạch trách nhiệm dân sự chỉ của Phan Văn Anh Vũ (hay Công ty Bắc Nam 79) là không phù hợp. Bởi tất cả các bị cáo đều có lỗi khi gây ra vụ án này. Chính vì vậy, các bị cáo nghĩ mình có sai nên mới nộp tiền khắc phục hậu quả cho Nhà nước.
Tuy nhiên, khi các cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định các bị cáo không phải bồi thường thiệt hại nhưng các bị cáo vẫn muốn khắc phục hậu quả thì cơ quan thi hành án cần xem xét việc thi hành án đã thực hiện như thế nào, việc Công ty Bắc Nam 79 khắc phục hậu quả có khả thi không?
Nếu Công ty Bắc Nam 79 không thể khắc phục hậu quả thì có thể sử dụng tiền này để khắc phục, đến khi nào Công ty Bắc Nam 79 bồi thường được toàn bộ số tiền thì cần ghi nhận ý chí của bị cáo để hoàn trả cho bị cáo.
"Ở đây, các bị cáo hiểu rõ nguyên tắc thu hồi triệt để tài sản thiệt hại của Nhà nước, vì vậy việc các bị cáo nộp tiền để được hưởng tình tiết giảm nhẹ thì cũng phù hợp với quy định của pháp luật" - ông Đỗ Đức Vĩnh nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận