Chờ Quốc hội quyết định việc thu phí cao tốc đầu tư công
Nếu được Quốc hội thông qua, cao tốc đầu tư công sẽ được thu phí theo Luật phí và lệ phí, ngoài mục đích thu hồi vốn đầu tư về ngân sách nhà nước để tiếp tục ưu tiên tái đầu tư cho giao thông, còn có nguồn chi cho công tác quản lý và bảo trì. Mức phí chưa được công bố, nhưng có thể khoảng 1.000 - 1.500 đồng/km/xe 12 chỗ ngồi.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ xem xét báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư (cao tốc đầu tư công).
Bộ này cho rằng, việc thu phí với đường cao tốc đầu tư công là hết sức cần thiết. Nghị quyết của Quốc hội về nội dung này được đề xuất theo hướng cho phép thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, thu theo cơ chế phí (Luật phí và lệ phí).
Dù chưa thu phí, nhưng các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đầu tư công mới đưa vào sử dụng đều cắm biển trạm thu phí, để sẵn sàng áp dụng thu phí ngay khi phương án được thông qua (Ảnh cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45: H.Việt).
Về sử dụng nguồn phí thu được, Bộ GTVT đề xuất nộp ngân sách Nhà nước và sử dụng theo quy định, ưu tiên cho đầu tư, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; hỗ trợ các dự án đầu tư đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT trong trường hợp bị ảnh hưởng khi các tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác (so với phương án tài chính ban đầu); phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và địa phương theo tỷ lệ ngân sách từng cấp tham gia góp vốn vào dự án cao tốc.
So sánh phương tiện lưu thông trên cao tốc và quốc lộ song hành, Bộ GTVT đưa ra con số, mỗi phương tiện tiết kiệm bình quân khoảng 2.265 đồng/km, trong đó 25% từ tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện (nhiên liệu, bảo dưỡng) và 75% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa và hành khách trên đường (giảm 60% thời gian). Trong đó, xe khách 30 chỗ ngồi trở lên tiết kiệm được nhiều nhất với khoảng 12.300 đồng/km, thấp nhất với xe tải dưới 2 tấn khoảng 1.900 đồng/km. Lợi ích bình quân mỗi phương tiện khoảng 2.800 đồng/km/xe tiêu chuẩn (dưới 12 chỗ ngồi).
Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2030 có 5.000 km đường bộ cao tốc, để đạt mục tiêu này cần nguồn vốn khoảng 813.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 cần hơn 393.000 tỷ đồng. Thời gian qua, cùng với việc thông qua chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam và một số tuyến cao tốc liên vùng từ ngân sách nhà nước, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ nghiên cứu phương án thu hồi nguồn vốn đầu tư.
Bộ GTVT cũng đưa ra tính toán, chi phí cho công tác bảo trì, bảo dưỡng đường bộ mỗi năm khoảng 830 triệu đồng/km. Riêng chi phí quản lý, bảo trì với đường cao tốc giai đoạn 2021-2025 ước bình quân khoảng 9.067 tỷ đồng (khoảng 1.813 tỷ đồng/năm cho hơn 1.624km đường cao tốc đưa vào sử dụng cùng giai đoạn, tức hơn 1,1 tỷ đồng/km cao tốc/năm).
“Việc nghiên cứu xây dựng và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là hết sức cần thiết”, Bộ GTVT nhấn mạnh, và kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội nội dung trên.
Trước đó, năm 2021, trong tờ trình Chính phủ về phương án thu phí cao tốc đầu tư công, Bộ Tài chính cho biết, suất đầu tư cao tốc khoảng 130 tỷ đồng/km với đường 4 làn xe, và 190 tỷ đồng/km với đường 6 làn xe. Chi phí quản lý, bảo trì khoảng 830 triệu đồng/km/năm. Lợi ích kinh tế do cao tốc mang lại cho chủ phương tiện khoảng 2.518 đồng/km/xe dưới 12 chỗ ngồi so với đi đường bộ thông thường. Từ đó, Bộ Tài chính xuất mức thu phí cao tốc đầu tư công có thể từ 1.000 - 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn.
Năm 2017, khi xây dựng phương án đầu tư cao tốc Bắc - Nam trình Chính phủ báo cáo Quốc hội, Bộ GTVT cũng đưa ra đề xuất thu phí với các dự án thành phần đầu tư công khi đưa vào sử dụng, mức phí được đề xuất khởi điểm cũng từ 1.000 - 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận