menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thúy Quỳnh

Cho phép các cơ sở bảo dưỡng kiểm định ô tô?

Trước tình trạng nhiều trung tâm đăng kiểm trong cả nước bị dừng hoạt động do sai phạm, khiến nhiều trung tâm bị thiếu hụt nhân lực kiểm định, nhiều ý kiến chuyên gia đề xuất nên cho phép các cơ sở bảo dưỡng định kỳ được kiểm định ô tô. Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) vừa có thông tin về vấn đề này.

Nguy cơ đứt gãy hoạt động kiểm định xe cơ giới

Theo ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, sau loạt vụ việc sai phạm tại các đơn vị đăng kiểm trên toàn quốc, hàng trăm đăng kiểm viên đã bị bắt tạm giam, trong đó có nhiều đăng kiểm viên bậc cao, trưởng các dây chuyền kiểm định. Việc này dẫn đến tình trạng hệ thống đăng kiểm xe cơ giới tại các địa phương bị thiếu nhân lực trầm trọng. Thực tế này dẫn đến việc tuyển dụng đăng kiểm viên hiện nay gặp nhiều khó khăn, cấp bách.

Để hỗ trợ Cục Đăng kiểm Việt Nam tháo gỡ khó khăn, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ đề nghị cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam ký hợp đồng lao động để tuyển các đăng kiểm viên làm việc tại các đơn vị đăng kiểm trực thuộc Cục cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức theo quy định.

Việc tuyển dụng đăng kiểm viên theo đúng quy định sẽ mất ít nhất 60 ngày kể từ khi thông báo tuyển dụng. Sau khi tuyển dụng, đăng kiểm viên đạt yêu cầu sẽ phải trải qua khoá đào tạo 1 năm mới được thi tuyển để cấp chứng chỉ đăng kiểm viên bậc thường và để đạt đăng kiểm viên bậc cao phải mất thêm 3 năm sau khi trở thành đăng kiểm viên bậc thường. Như vậy, từ khi thi đỗ kỳ thi tuyển đăng kiểm viên đến khi trở thành đăng kiểm viên bậc cao phải làm công tác kiểm định xe liên tục trong 4,5 năm.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, 1 dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên, bao gồm 1 đăng kiểm viên bậc cao có vai trò là trưởng dây chuyền kiểm định. Lãnh đạo trung tâm đăng kiểm, người có trách nhiệm ký giấy chứng nhận đăng kiểm cũng phải là đăng kiểm viên bậc cao, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trở lên.

Riêng đối với nhân sự tại Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN (VAR), phải là đăng kiểm viên có từ 5-10 năm làm việc mới đủ kinh nghiệm, các loại chứng chỉ để tự tin hoạt động độc lập.

Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hệ thống đăng kiểm thuộc Cục cần khoảng 250 - 260 đăng kiểm viên để làm việc để đảm bảo đúng, đủ chức năng, nhiệm vụ, nhưng hiện đang thiếu hụt khoảng 120 đăng kiểm viên, tương đương khoảng 50%. Còn toàn hệ thống đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước thuộc Cục và Sở GTVT, đơn vị tư nhân trong cả nước trước đây có hơn 2.000 đăng kiểm viên, hiện cũng đang thiếu khoảng 500 đăng kiểm viên, nhất là tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Qua tìm hiểu, từ khi sự việc sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm xảy ra đến nay đã gần 5 tháng và nhiều trung tâm vẫn đang tiếp tục bị khám xét, khởi tố, bắt giữ. Tuy nhiên, nhiều đăng kiểm viên đang có tâm lý mệt mỏi, áp lực, xin nghỉ việc. Song thực tế, đối với những đăng kiểm viên đã bị khởi tố, dù bị tạm giam hay tại ngoại, Cục Đăng kiểm Việt Nam vẫn đang trả lương do vẫn chưa bị xét xử.

Sai phạm tại các đơn vị đăng kiểm hiện nay đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận trách nhiệm và đang nỗ lực sửa sai, đến nay cũng đã được người dân đón nhận thông qua những giải pháp tháo gỡ ùn tắc đăng kiểm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân kiểm định phương tiện. Cục Đăng kiểm Việt Nam đang kiện toàn lại lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới theo hướng minh bạch, thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật, quy trình kiểm định theo hướng ngăn ngừa tiêu cực và tạo điều kiện tối đa để người dân thực hiện kiểm định xe thuận lợi, nhanh chóng, đơn giản.

Ý tưởng đề xuất cho phép các cơ sở bảo dưỡng kiểm định ô tô

Ông Nguyễn Tô An cho biết thêm, đề xuất cho phép các trung tâm bảo dưỡng kiểm định ô tô mới chỉ là ý tưởng. Mô hình này không mới, có tên gọi là mô hình đăng kiểm tại nhà đang được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, có thể tận dụng triệt để nguồn lực xã hội từ cơ sở vật chất của các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, nhưng dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Mô hình này đang được dư luận xã hội đồng tình, vì người dân được hưởng lợi trong việc tiết kiệm thời gian đưa xe đi xa, xếp hàng chờ kiểm định. Khi đến hạn đăng kiểm, người dân có nhu cầu đưa xe đi bảo dưỡng định kỳ có thể thực hiện kiểm định tại cơ sở bảo dưỡng luôn để đảm bảo đủ điều kiện tham gia giao thông. Cơ sở bảo dưỡng khi nhận được lịch hẹn đăng kiểm của khách hàng sẽ đăng ký với cơ quan quản lý ngày giờ kiểm định xe, khi đó, cơ quan quản lý sẽ bố trí nhân viên đăng kiểm đến cơ sở bảo dưỡng thực hiện kiểm định phương tiện cho người dân, đảm bảo được vai trò giám sát, quản lý Nhà nước trong kiểm soát hoạt động kiểm định xe cơ giới tại các cơ sở bảo dưỡng.

Bên cạnh đó, khi phương tiện đang trong giai đoạn bảo hành, bảo dưỡng, chủ xe đưa ô tô đến đại lý của nhà sản xuất để thực hiện việc bảo dưỡng theo đúng quy định, khuyến cáo. Đây là giải pháp về lâu dài, nhưng cần phải sửa đổi, bổ sung nhiều các văn bản hướng dẫn tuẩn thủ quy định của pháp luật và xây dựng hệ thống công nghệ áp dụng, nhất là cần xây dựng Quy chuẩn cho các cơ sở bảo dưỡng có nhuc cầu thực hiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.

Tuy nhiên, Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới không cho phép các cơ sở bảo dưỡng tham gia lĩnh vực này. Theo Nghị định, tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập về pháp lý, tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Theo các chuyên gia giao thông, để các cơ sở bảo dưỡng ô tô kiểm định được phương tiện cần nghiên cứu kỹ, có quy định cụ thể, chặt chẽ, để hạn chế tiêu cực, cần phải tách bạch riêng 2 nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa với kiểm định xe cơ giới. Nhất là Bộ GTVT cần có những quy định rõ ràng về tiêu chuẩn, tiêu chí, kỹ thuật giám định ô tô để các nhân viên tại các cơ sở bảo dưỡng nắm rõ, thực hiện; đồng thời, phải có cơ chế giám sát, quy định rõ ràng về hình thức xử lý, kỷ luật nếu để xảy ra tiêu cực.

Cục Đăng kiểm Việt Nam đặt mục tiêu miễn kiểm định lần đầu đối với ô tô mới từ ngày 1/7/2023. Cục đã xây dựng và trình Bộ GTVT dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, trong đó có quy định miễn đăng kiểm lần đầu cho ô tô mới. Khi dự thảo được ban hành, quy định trên sẽ được áp dụng. Việc miễn đăng kiểm lần đầu được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 sau khi đăng ký xe, chủ xe không cần đưa xe đến các đơn vị đăng kiểm, nhưng vẫn cần mang giấy đăng ký xe đến các đơn vị này để lập hồ sơ phương tiện, được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, dán tem kiểm định, nộp phí sử dụng đường bộ, nhưng không cần đưa xe vào dây chuyền để kiểm tra; giai đoạn 2 miễn kiểm định lần đầu được thực hiện ngay từ khi xe xuất xưởng từ các nhà máy, với công đoạn dán tem kiểm định sau khi người dân mua phương tiện và không cần phải đưa xe đến các trung tâm đăng kiểm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại