Cho dưa “nằm võng, khoác áo”, mẹ đảm TPHCM thu hoạch “mỏi tay” 6 tạ trái một mùa
Mùa dưa năm nay chị Huệ trồng hai vụ, thu hoạch tổng cộng 6 tạ trái, gồm dưa hấu và 3 giống dưa lưới là gold no1, snow và đốm vàng. Ngoài để sử dụng trong gia đình, chị còn mang dưa biếu tặng bạn bè, người thân và đối tác.
Chị Nguyễn Khoa Diệu Huệ (37 tuổi, sống ở Thủ Đức, TPHCM) bắt đầu làm vườn sân thượng từ 7 năm trước, xuất phát từ mong muốn có không gian sống xanh giữa phố thị và chủ động được nguồn thực phẩm sạch hàng ngày cho gia đình.
Năm nay, ngoài trồng các loại rau, chị còn chinh phục thành công hai vụ dưa trên sân thượng. Trong đó, vụ đầu chị chỉ chuyên trồng dưa lưới, gồm 3 giống là gold no1, snow và đốm vàng. Vụ tiếp theo, chị trồng thêm dưa hấu để có nguồn trái cây đa dạng.
Chị Huệ cho biết, thông thường dưa lưới tốn khoảng 3 tháng kể từ lúc gieo hạt cho đến khi thu hoạch, còn dưa hấu trồng ngắn ngày hơn. Việc trồng gối vụ các giống dưa giúp cả gia đình có trái cây thường xuyên để thưởng thức.
Vườn sân thượng của gia đình chị rộng 60m2, được thiết kế khoa học và ngăn nắp để trồng cả trăm gốc dưa một lúc mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ.
Để làm vườn hiệu quả, bà mẹ hai con ưu tiên trồng dưa trong chậu, cho leo giàn thay vì bò dưới đất để tối ưu không gian và thuận tiện chăm sóc. Gia chủ bố trí giàn chậu trồng thẳng tắp ở hai bên hông sân thượng và chính giữa vườn, đảm bảo cho dưa đón được nhiều nắng nhất.
Theo chị, dưa trồng trong chậu nhỏ nên khá thuận tiện dịch chuyển khi cần. Chị vẫn thường thay đổi vị trí các chậu dưa để làm mới không gian và giúp cho cây trồng hấp thu ánh nắng mặt trời tốt nhất.
Năm nay, tổng cộng hai vụ dưa, chị Huệ trồng và “về đích” thành công khoảng 240 gốc. Mỗi gốc chị chỉ giữ lại một quả để cây khỏe, tập trung dinh dưỡng nuôi trái.
Nữ gia chủ cho rằng, trước khi trồng bất kỳ cây gì cũng cần tìm hiểu kỹ đặc tính của từng loại, không được làm vườn theo phong trào. Để cây trái phát triển tốt phải chú ý tất cả các công đoạn và yếu tố như: thời tiết, đất trồng, rễ nông hay sâu, lượng nước, chất dinh dưỡng, những bệnh thường gặp ở cây,…
Bên cạnh đó, chị Huệ ưu tiên làm vườn theo phương pháp hữu cơ, tận dụng rau củ bỏ đi, bã đậu, đầu cá hoặc chuối, trứng, sữa hết hạn sử dụng để ủ làm phân bón, bổ sung dinh dưỡng cho dưa.
Khi cây đậu quả, chị dùng lưới bọc để tránh bị ong chích. Khi quả đạt trọng lượng khoảng 1kg, chị làm “võng” treo dưa để quả không bị rơi.
Vườn dưa được chăm sóc theo phương pháp hữu cơ nên đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và môi trường.
Nhờ đó mà vườn dưa sân thượng của gia đình chị năm nay cho năng suất cao, tổng hai vụ thu hoạch khoảng 6 tạ trái. Mỗi trái nặng trung bình từ 2,5 – 3kg, cá biệt có quả đạt trọng lượng gần 5kg.
“Mình thấy việc thu hoạch dưa còn vất vả hơn lúc trồng. Mỗi vụ dưa đạt khoảng 3 tạ trái, vận chuyển từ tầng 5 xuống dưới rất tốn công. Mình phải nhờ chồng và hai cậu con trai trợ giúp”, chị Huệ nói.
Dưa hấu vốn là cây thân bò dưới đất nhưng chị Huệ quyết định làm giàn treo dưa, vừa khắc phục hạn chế về mặt diện tích, vừa thuận tiện chăm sóc mà vẫn đảm bảo thẩm mỹ cho vườn.
Gần hết mùa dưa, chị Huệ trồng thêm các cây thân leo như bầu bí mướp, vừa tạo bóng râm mát, vừa có thêm rau sạch sử dụng hàng ngày.
Ngoài để sử dụng trong gia đình, chị còn mang dưa biếu tặng bạn bè, người thân và đối tác. Chị tiết lộ, điều hài lòng nhất không đơn thuần là vườn dưa sai trĩu, đủ trái cây cho các thành viên thưởng thức thường xuyên mà còn là những giá trị tinh thần đáng trân quý.
Sau những giờ làm việc căng thẳng, chị coi chuyện chăm sóc vườn như thú vui tao nhã để giải tỏa mệt mỏi, tái tạo năng lượng. Đây cũng là nơi để các con chị thỏa thích tìm hiểu về thiên nhiên hay giúp đỡ mẹ làm việc vặt, hạn chế sử dụng tivi, điện thoại thông minh,…
Ngoài để gia đình thưởng thức, chị Huệ còn chia sẻ thành quả lao động với bạn bè, người thân.
"Các con biết quan tâm, hỏi han khi thấy mẹ vất vả vác đất, trồng cây, thu hoạch rau trái trên sân thượng. Thậm chí, các cháu còn rất vui và tự hào, khoe với bạn bè, thầy cô về thành quả lao động không quản mưa nắng của mẹ. Những việc làm mỗi ngày của tôi tuy nhỏ bé nhưng giúp các con bồi đắp tinh thần yêu lao động, biết trân quý thiên nhiên", chị Huệ bày tỏ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận