24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đào Văn Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chợ cá 'âm phủ' ở miền Tây

Chợ Tha La nằm cặp kênh Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, còn có tên gọi khác là chợ "âm phủ' vì người mua, kẻ bán chỉ xuất hiện sau 0h, trời chưa sáng đã vãn.

2h45, bà Sang tỉnh giấc khi điện thoại reo hồi chuông báo thức đầu tiên. Người phụ nữ vùng biên lay cháu nội dậy, khoác thêm áo ấm, nón rồi bồng lên xe máy. Đứa nhỏ hơn 3 tuổi "thâm niên" một năm theo nội mua bán cá vì cả nhà bận mưu sinh ngoài chợ, không ai trong coi.

Chợ cá Tha La tồn tại gần 30 năm, đông đúc vì thuận lợi cho ngư dân ngoài đồng rẽ vào bán, tiểu thương cũng dễ dàng toả đi các chợ. Chỉ cách nhà gần 5 km, bà Sang với cháu có mặt tại chợ lúc 3h, khi nơi đây leo lét vài ánh đèn pin gắn trên đầu tiểu thương. "Chục năm trước chợ họp từ 0h, mấy năm nay nước nhỏ, chợ vắng người nên họp trễ hơn", bà giải thích.

Người phụ nữ 62 tuổi lái xe máy cũ kỹ, phía sau ràng hai giỏ xách lớn, đi về phía cuối chợ. Chỗ bà ngồi sát mé sông, gần hàng cây bạch đàn trồng để giữ đất, lá cây xào xạc từng hồi theo cơn gió ngoài đồng thổi vào. Trong lúc chờ ngư dân, bà lót tấm chăn nhỏ, cởi áo khoác làm gối để đứa cháu ngủ thêm.

Gần 15 phút sau, tiếng xuồng máy lạch tạch từ đồng xa hướng về bến chợ. Bà Sang lấy chiếc cân loại 100 kg để sẵn, chỉnh kim đúng số 0. Ngư dân bắt đầu chuyền từng sọt cá còn tươi roi rói lên bờ. Họ chẳng cần ngả giá hay hỏi han vì mỗi xuồng câu lưới chỉ bán một loại cá cho mối quen. Giỏ cá linh và cá vụn của bà Sang bắt đầu có những chú cá đầu tiên. Bà thêm ít nước vào chỗ cá linh và một thau nước đá cho cá vụn để giữ độ tươi ngon.

Mỗi khi xuồng về, các tiểu thương xúm lại, hỏi chủ xuồng khuya nay bắt được những loại cá nào. Mỗi người tự lựa phần cá, lươn đã "xí phần", cân từng loại, trả tiền cho ngư dân. Cảnh mua bán cá ở mỗi xuồng chỉ mất chừng 20 phút. Sau đó ngư dân không vội về ngay mà ngồi tại chợ nhâm nhi ly cà phê, ăn dĩa cơm tấm hoặc ổ bánh mì như một thói quen.

Bên cạnh xuồng máy ra chợ cân cá, một số ngư dân nhà ở xa chọn đi xe máy cho nhanh hơn. Bà Trần Thị Hiền, nhà ở thị xã Tân Châu, khuya nay đánh bắt được gần chục kg cá các loại, một nhúm tép, vài kg cua. Xe vừa vô chợ, tiểu thương đã xúm lại. Vào những đêm người mua nhiều hơn người bán, lắm lúc tiểu thương phải tranh nhau nếu không muốn lỗ tiền xăng và công sức thức đêm.

Bà Nương - là mối quen của nhiều ngư dân, bắt đầu cân cá thiểu, cá khoai sông, cá rô đồng. Riêng mớ cá lộn xộn, bà đòi cân xô giá 20.000 một kg song chủ xuồng không đồng tình muốn lựa ra từng loại, mong bán có giá hơn. Người phụ nữ tóc bạc phơ, phát huy kinh nghiệm mua bán hàng chục năm, phân tích: "Mớ này toàn cá tra sông giá có 15.000 đồng được mấy con cá bóng tượng là ngon nhưng nhỏ xíu. Bây tách ra coi chừng lỗ".

Chợ lao xao gần hai tiếng thì vãn khi mặt trời chưa ló dạng. Ngư dân tranh thủ về chợp mắt sau một đêm dầm sương gió ngoài đồng. Trong ký ức của những tiểu thương mua cá ở chợ Tha La, những năm nước lớn cảnh mua bán tấp nập từ 0h. Hàng chục xuồng câu lưới thi nhau cập bến, nhộn nhịp, sáng bừng một góc quê.

Bà Sang bán cá tại chợ hơn 20 năm. Lúc trước bà phải đi xe tải, mua cả tấn cá mỗi đêm, nước đá phải trữ sẵn vài bao. Song bây giờ, mỗi đêm bà chỉ cân được gần trăm kg cá, hưởng chênh lệch 2.000 đồng mỗi kg. "Hồi trước với bây giờ tiền lời cũng như nhau vì cá ít bán có giá hơn nhưng chợ vắng ai cũng buồn", bà nói. Cá tôm khan hiếm, người bán lác đác vài xuồng câu, thương lái cũng bỏ nghề tìm kế sinh nhai khác hoặc lên Sài Gòn, Bình Dương... làm công nhân.

Chợ cá ít người song vẫn có ban quản lý. Ông Lê Văn Em, thức từ 3h, bắt đầu thu mỗi tiểu thương 3.000 đồng tiền phí chợ. Ông kể ban đầu chợ họp dưới dốc cầu Tha La. Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương dời chợ sang bên hông cầu. Vài năm gần đây, khi chợ cá vãn, một chợ "chồm hổm" tiếp tục bán các món quà bánh ở quê, thịt, rau củ, hàng xén, song họp đến 8h cũng tan vì người quê có thói quen đi chợ rất sớm.

"Chẳng ai nhớ chợ có tên 'âm phủ' từ khi nào, có thể các chú quay phim thấy lạ nên đặt tên vậy", ông Em kể.

Mùa nước nổi là nét đặc trưng của miền Tây. Nước từ dòng Mekong vào Việt Nam sớm nhất tại các huyện biên giới thuộc hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch. Nước về còn mang theo nhiều sản vật, tôm, cua, cá, rắn cùng các loại bông súng, điên điển. Người dân tranh thủ ra đồng săn bắt sản vật kiếm thêm thu nhập trong ba tháng mùa nước.

Ngoài chợ Tha La, ở miền Tây trước đây có một phiên chợ tương tự - chợ chiếu "âm phủ" hay chợ chiếu "ma". Chợ này họp từ nửa đêm đến rạng sáng, trên gò đất cao trong khuôn viên chùa An Khánh, cạnh sông Ngã Cại, xã Định Yên, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp. Theo thời gian, làng nghề dệt chiếu dần mai một, nay chợ không còn nữa.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả