24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phượng Hồng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chính trị gia Mỹ kêu gọi Fed điều chỉnh chính sách

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin vừa gửi tới Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) một lá thư kêu gọi NHTW này cần hành động sớm để kiểm soát lạm phát.

Fed cần sớm điều chỉnh chính sách

Trong bức thư hôm thứ Năm gửi Chủ tịch Fed Jerome Powell, ông Manchin đã kêu gọi Fed cần ngay lập tức “đảo ngược hướng đi” của chính sách hiện nay, loại bỏ hỗ trợ kích thích trước khi kinh tế trở nên quá nóng. "Với suy thoái đã qua đi và sự phục hồi kinh tế đang diễn ra tốt đẹp và mạnh mẽ, tôi ngày càng lo lắng với việc Fed tiếp tục bơm các kích thích kỷ lục vào nền kinh tế", nhà lập pháp ôn hòa đến từ Tây Virginia viết.

Manchin cho rằng, các chính sách của Fed là "công cụ" đã giúp Mỹ tránh khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài do Covid. Tuy nhiên, ông kêu gọi Chủ tịch Powell và các quan chức Fed khác cần thu hẹp quy mô chương trình mua tài sản trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng hiện nay. “Chúng ta bắt buộc phải hiểu rằng, các phản ứng chính sách dài hạn được duy trì để đối phó với nguy cơ suy thoái kinh tế. Nó không phải là những chính sách cần thiết cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay và có thể dẫn đến lạm phát cao hơn mong muốn nếu không được loại bỏ kịp thời”, Manchin viết.

Những bình luận của Manchin không chỉ dành riêng cho Fed. Vị đảng viên Đảng Dân chủ này cho biết ông cũng "quan ngại sâu sắc" rằng, không chỉ biện pháp kích thích của Fed mà các đề xuất kích thích tài khóa bổ sung sẽ dẫn đến nguy cơ nền kinh tế phát triển quá nóng và khó tránh khỏi áp lực lạm phát tăng lên.

Người phát ngôn của Fed cho biết NHTW đã nhận được bức thư của ông Manchin và đang có kế hoạch trả lời.

Lạm phát cao rồi, nhưng sẽ trong bao lâu?

Những lời chỉ trích như trên xuất hiện ngày càng nhiều sau khi giá tiêu dùng tăng vọt vào tháng 6 với tốc độ hàng năm nhanh nhất kể từ năm 2008. Mọi thứ, từ ô tô đã qua sử dụng, vé máy bay đến máy giặt và thịt xông khói đều trở nên đắt đỏ hơn. Tuy nhiên, Fed, Nhà Trắng và nhiều nhà kinh tế đều cho rằng đợt lạm phát này sẽ chỉ là tạm thời và sẽ giảm dần khi cung bắt kịp nhu cầu tăng cao và nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường, hoặc gần như bình thường.

"Chúng ta sẽ không phải trải qua tình trạng lạm phát cao kéo dài. Chúng tôi tin phần nhiều các yếu tố gây ra tình trạng lạm phát tăng hiện nay sẽ “tự nhiên biến mất” khi quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế diễn ra", ông Powell nói trong cuộc họp báo vào ngày 28/7. Tuy nhiên, ông Powell cũng thừa nhận rằng, "có thể mất một thời gian" để giá cả giảm dần, đồng thời nhấn mạnh Fed sẽ không ngần ngại can thiệp nếu kỳ vọng lạm phát thực sự vượt khỏi tình trạng sụt giảm.

Nhiệm vụ của Fed đang trở nên phức tạp hơn bởi biến thể Delta hiện đang khiến các ca nhiễm tăng vọt tại quốc gia này trong những ngày gần đây. Điều này có thể khiến lạm phát giảm trong ngắn hạn nhưng lại làm cho các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng thậm chí còn tồi tệ hơn trong trung và dài hạn.

Một số CEO và chiến lược gia của Phố Wall cũng chia sẻ mối lo ngại của ông Manchin về lạm phát và chính sách của Fed. Giám đốc điều hành Jamie Dimon của JPMorgan và Giám đốc điều hành BlackRock Larry Fink gần đây đều cho biết họ không nghĩ rằng lạm phát sẽ chỉ là tạm thời.

Báo cáo việc làm trong tháng 7 vừa công bố của Bộ Lao động Mỹ cũng củng cố cho các quan điểm cho rằng nền kinh tế không cần đến các biện pháp kích thích khẩn cấp từ Fed vào lúc này. Báo cáo cho thấy, đã có thêm 943.000 việc làm trong tháng trước – mức nhiều nhất kể từ mùa hè năm ngoái. Rick Rieder, Giám đốc Đầu tư về thu nhập cố định toàn cầu của BlackRock đã viết trong một lưu ý rằng, số liệu việc tháng 7 cho thấy nền kinh tế đang "rất gần" với vị thế việc làm tối đa và rủi ro "quá nóng" đang xuất hiện trong một số lĩnh vực. Vì vậy, Rieder thúc giục Fed cần bắt đầu giảm bớt quy mô chương trình mua trái phiếu. “Fed đã thực hiện một công việc rất đáng ngưỡng mộ trong việc duy trì các chính sách để vượt qua đại dịch, nhưng họ cần phải cẩn thận trong giai đoạn này để không làm suy yếu phần lớn tiến bộ đã đạt được”, Rieder viết.

Bất chấp những lo ngại của Thượng nghị sĩ Manchin về gói kích thích tài khóa bổ sung, một số chuyên gia cho rằng chương trình nghị sự trị giá 4 nghìn tỷ USD của chính quyền Tổng thống Biden không phải là loại hỗ trợ ngắn hạn cho nền kinh tế mà thường sẽ gây ra lạm phát. Thay vào đó, đây là một khoản đầu tư dài hạn vào đường sá, cầu cống, chăm sóc trẻ em và đào tạo công nhân - tất cả những yếu tố có thể giúp giảm lạm phát và tăng năng suất trong trung và dài hạn. “Những lo lắng cho rằng kế hoạch này sẽ không thể tránh khỏi kích hoạt lạm phát cao và khiến kinh tế phát triển quá nóng là những lo lắng thái quá. Phần lớn hỗ trợ tài khóa bổ sung đang được xem xét này được thiết kế để nâng cao tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế và giảm bớt áp lực lạm phát”, Mark Zandi, kinh tế gia trưởng tại Moody's Analytics nêu quan điểm trong một báo cáo gần đây.

Trong khi liên tục nhắc lại quan điểm chưa lo ngại về đà tăng của lạm phát, Fed cho biết cần thấy nhiều cải thiện hơn nữa trên thị trường lao động trước khi có những điều chỉnh chính sách được đưa ra. Và khi thực tế tăng trưởng việc làm đã tương đối bền vững trong mùa hè này, liệu đây có là cơ sở để Fed điều chỉnh chính sách sớm hơn? (như nhiều quan chức Fed vào tháng 6 đã đồng thuận dự đoán lãi suất sẽ tăng vào năm 2023 và trước thời điểm đó sẽ bắt đầu giảm quy mô chương trình mua tài sản hàng tháng). Nhiều khả năng Fed sẽ vẫn không vội vàng kết thúc các chính sách nới lỏng hiện nay, nhất là trong bối cảnh biến thể Delta xuất hiện và đang trở thành rào cản mới trong con đường phục hồi thị trường lao động cũng như đe dọa đến việc mở cửa nền kinh tế một cách bình thường nhất có thể.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả