Chính thức “khai tử” ô tô made in Việt Nam Vinaxuki: Giấc mơ dang dở của đại gia nghìn tỷ
15.000 xe tải, 400 xe buýt và 75.000 tấn phụ tùng ô tô các loại ra đời mỗi năm là những kỳ vọng từ nhà máy sản xuất của Vinaxuki. Tuy nhiên, sau 2 năm, nhà máy Vinaxuki đã phải ngừng hoạt động và dự án đã chấm dứt hoàn toàn khi khu đất 46 ha đã bị thu hồi.
Chính thức “khai tử” Vinaxuki - “Ô tô Made in Việt Nam”
Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) được giao hơn gần 46 ha đất phục vụ sản xuất. Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy của Vinaxuki được cấp phép xây dựng từ năm 2010 với tổng vốn đầu tư ban đầu là 1.360 tỷ đồng.
Đi vào hoạt động từ năm 2011, tuy nhiên chỉ sau 2 năm, nhà máy Vinaxuki đã dừng hoạt động và bỏ hoang từ đó đến nay. Dự án ô tô “Made in Việt Nam” từng được đặt kỳ vọng lớn khi nhà máy có thể sản xuất 15.000 xe tải, 400 xe buýt và 75.000 tấn phụ tùng ô tô các loại mỗi năm.
Sau khi dừng hoạt động, một phần đất của dự án nhà máy của Vinaxuki đã bị thu hồi một phần vào năm 2017.
Đến tháng 6/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thu hồi đất của Công ty TNHH Một thành viên Ô tô Vinaxuki Thanh Hóa và cho Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn cầu - Tập đoàn Đầu tư Tài chính (TF Group) thuê đất để tiếp tục sử dụng vào mục đích thực hiện dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng với tổng mức đầu tư 6.900 tỷ đồng.
Quyết định dừng dự án và thu hồi toàn bộ quỹ đất của nhà máy Vinaxuki tại xã Đại Lộc và Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa vừa được ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành, giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các thủ tục tiếp theo đúng quy định pháp luật.
Như vậy, mang theo nhiều kỳ vọng, niềm tự hào của người dân đất Việt, nhưng dự án “Ô tô Made in Việt Nam” đầu tiên đã nhanh chóng bị đổ bể và sự chấm dứt hoạt động của Vinaxuki như giọt nước tràn ly.
Vẫn là nhà máy ô tô, nhưng không phải Vinaxuki
Nhà máy sản xuất ô tô của Vinaxuki bị UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi đất và đã được cho Công ty cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn cầu thuê đất để tiếp tục sử dụng thực hiện dự án Cụm nhà máy lắp ráp ô tô, máy xây dựng.
Về quy mô, nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn cầu được thiết kế với công suất dự kiến ban đầu là 6.000 xe/năm khi đạt 100% công suất, sản lượng dự kiến đạt 30.000 xe/năm.
Mức vốn đầu tư của dự án này là 6.900 tỷ đồng, giai đoạn 1 có vốn đầu tư 1.993 tỷ đồng, bao gồm các gói san lấp và hạ tầng nhà xưởng. Sau khi đi vào hoạt động chính thức, công ty phấn đấu đạt mục tiêu tung ra thị trường 17 sản phẩm chiến lược với doanh thu ước đạt 12.000 tỷ đồng/năm và tạo ra 11.000 việc làm cho lao động địa phương tỉnh Thanh Hóa.
Công ty CP giải trí nghe nhìn Toàn cầu khởi công nhà máy. Ảnh VNN.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, Công ty CP giải trí nghe nhìn Toàn cầu có mã số thuế 0108938313, do ông/bà Vũ Văn Hùng làm đại diện pháp luật, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 10/10/2019. Công ty có địa chỉ trụ sở tại Số nhà 22 ngách 59 ngõ 147 đường Xuân Đỉnh, Phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Mục tiêu của Công ty CP giải trí nghe nhìn Toàn cầu là sản xuất đa dạng, gồm lắp ráp ô tô điện, sản xuất pin, lắp ráp các loại máy thi công... nhằm hướng đến các quốc gia Đông Nam Á.
Được biết, ngày 20/11/2020, Công ty CP giải trí nghe nhìn Toàn cầu trúng đấu giá khối tài sản trị giá 28,3 tỷ đồng gồm toàn bộ tài sản, công trình kiến trúc gắn liền với diện tích đất thuê trả tiền hàng năm nằm trong khu đất phạm vi hàng rào có diện tích 136.758,5m2 của Công ty TNHH Một thành viên ô tô Vinaxuki Thanh Hóa.
Vẫn hoạt động kinh doanh về lĩnh vực ô tô, nhưng giấc mơ ô tô Việt đầu tiên đã chính thức chỉ còn trong ký ước của nhiều người.
Đại gia nghìn tỷ khuynh gia bại sản vì giấc mơ “Ô tô Made in Việt Nam”
Ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch HÐQT Công ty Vinaxuki được biết đến là đại gia sở hữu trong tay khối tài sản nghìn tỷ. Tuy nhiên, vì giấc mơ ô tô đầu tiên mang thương hiệu Việt mà ông đã trở thành con nợ gần 1.600 tỷ đồng.
Trong bức “tâm thư” gửi lời kêu cứu đến Thủ tướng, ông Huyên từng cho biết, khó khăn lớn nhất dẫn đến dự án chế tạo xe ô tô con chết yểu chính là việc tháng 6/2010 khi Vinaxuki cơ bản xây dựng và lắp đặt xong các dây chuyền công nghệ và bắt đầu sản xuất thử thì khủng hoảng quay lại.
Giấc mơ ô tô Việt Vinaxuki bị dang dở. Ảnh G.T.
Ông cũng từng chia sẻ, Vinaxuki sản xuất đến 40 loại xe các loại, trong đó có 1-2 mẫu có tỷ lệ nội địa hóa đạt 40%. Đặc biệt, ông Huyên còn mời những kỹ sư Nhật Bản thiết kế xe rồi chuyển giao công nghệ, nhằm hiện đại hóa nhà máy sản xuất, ông cũng mời kỹ sư Thụy Điển.
Thời kỳ đầu, Vinaxuki sản xuất xe tải và là đối thủ cạnh tranh đáng kể so với Trường Hải. Đồng thời, Vinaxuki cũng là một trong số ít những công ty Việt Nam có mặt trong VAMA.
"Vào thời điểm hoàng kim, xe tải bán đắt như tôm tươi. Một ngày chúng tôi lắp hơn 100 xe vẫn không đủ giao vì giá xe khá rẻ. Ví dụ cùng chất lượng như nhau, động cơ, khung gầm như nhau Vinaxuki chỉ bán 80 triệu thì các hãng khác họ bán tới 100 triệu", ông Huyên chia sẻ.
Tuy nhiên, thất bại của Vinaxuki xuất phát từ việc ông quyết định sản xuất ô tô con với tiêu chí "xe tốt, giá rẻ" dành cho người Việt. Với mục tiêu đó, ông Huyên đã định hướng tương tự các cường quốc ô tô như Nhật Bản hay Hàn Quốc là đầu tư vào khâu học tập thiết kế, tiến tới tự sản xuất thân vỏ xe, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa.
"Với ô tô, thân vỏ xe quan trọng nhất, chiếm tỷ lệ nội địa hóa lên tới 32% của xe, trong khi động cơ chưa đến 20%. Chỉ cần sản xuất thân vỏ xe, còn mua lốp sản xuất tại Việt Nam, ghế, kính tại Việt Nam, thêm động cơ nữa là lắp thành xe. Dần dần sẽ có các hãng sản xuất phụ tùng của Việt Nam, sẽ có xe Việt Nam mà giá vẫn rẻ", ông chủ Vinaxuki khẳng định.
Chính vì thế, ông Huyên dồn toàn lực để cho ra đời những chiếc xe con với tỷ lệ nội địa hóa cao bằng việc thế chấp nhà cửa, đất đai để đầu tư vào dây chuyền sản xuất, mua nguyên liệu, đào tạo nhân sự và mời chuyên gia nước ngoài…
Mọi dự định, kế hoạch của ông chủ Vinaxuki bị đổ bể bởi những khoản vốn lớn để đầu tư công nghệ hiện đại. Đặc biệt, vào thời kỳ năm 2010, sau khi hoàn thiện nhà máy, cho ra đời hàng nghìn xe ô tô thì khủng hoảng kinh tế quay lại, xe làm ra ế, giá xe giảm khiến việc thu hồi vốn giảm mạnh. Càng hoạt động càng thua lỗ khi bước sang năm 2012, công ty bị lỗ 45 tỷ đồng và năm 2014 đã là 1.600 tỷ đồng.
Giấc mơ ô tô con đầu tiên mang thương hiệu Việt nhằm cạnh tranh với những cường quốc hàng đầu thế giới nhanh chóng tan thành mây khói khi chiếc xe đầu tiên thậm chí còn chưa được hoàn thiện.
Đến nay, ông Huyên sống dựa vào những đồng lương hưu ít ỏi, nhà cửa đều đã phải bán hết để trả nợ lãi ngân hàng.
Đoạn kết buồn của một người tâm huyết với giấc mơ ô tô Việt, nhưng chưa đủ tầm./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận