Chính sách tiền tệ Việt Nam nhìn từ thông điệp của Fed
Áp lực từ Fed đang có xu hướng giảm dần, đây là cơ hội để NHNN có thể tính toán đến việc nới lỏng một cách hợp lý chính sách tiền tệ hay tăng cung tiền để đảm bảo phục hồi kinh tế, gia tăng nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Quá trình giảm lạm phát đã bắt đầu
Ngày 2/2 theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã thông báo sẽ nâng lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản, lên mức 4,5 - 4,75%, đánh dấu đợt tăng lần thứ 8 và cũng là đợt tăng thấp nhất trong lộ trình bắt đầu từ tháng 3/2022.
Mục tiêu của Fed hiện nay là kiềm chế lạm phát khi vật giá vẫn đang neo quanh mốc cao nhất 40 năm trở lại đây. Trong thông báo sau phiên họp chính sách, Fed nhận định lạm phát tại Hoa Kỳ đã hạ nhiệt phần nào, nhưng vẫn ở mức cao.
Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ tịch Fed Jerome Powell nêu rõ "số liệu 3 tháng qua cho thấy tốc độ tăng giá hàng tháng đã giảm. Nhưng dù các diễn biến này khá lạc quan, chúng tôi vẫn cần thêm bằng chứng để tự tin rằng lạm phát đang giảm bền vững".
Thị trường trước đó kỳ vọng Fed sẽ ra tín hiệu sớm kết thúc quá trình tăng lãi suất. Tuy nhiên, thông điệp của Fed sau phiên họp chính sách hiện không cho thấy bất kỳ manh mối nào. Tài liệu của cuộc họp cho biết Fed vẫn nhận thấy sự cần thiết của việc tiếp tục nâng lãi suất trong phạm vi mục tiêu.
Điểm tích cực đối với thị trường tài chính là nhận định của Chủ tịch Fed "quá trình giảm lạm phát" đã bắt đầu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 tại Hoa Kỳ tăng 6,4% so với một năm trước, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 9% vào mùa hè năm ngoái. Nhưng con số này vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% của Fed.
Fed hiện theo đuổi mục tiêu đưa lạm phát về ngưỡng 2% mà không gây ra suy thoái sâu hoặc khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng đáng kể từ mức 3,5% hiện tại - mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ gần đây.
Thị trường đang đặt cược 4,75% sẽ là "mức lãi suất tối đa" hoặc mức lãi suất mà cơ quan này nhận thấy hợp lý đối với nền kinh tế Hoa Kỳ và kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào cuối năm nay, sau đợt tăng mà các chuyên gia dự kiến là khoảng 0,25% vào tháng 3 tới.
Cơ hội để tính toán đến việc nới lỏng một cách hợp lý chính sách tiền tệ
Phản ứng nhanh trước quyết định của Fed, đồng USD giảm mạnh. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm hơn 1% xuống 101,06 điểm. Từ mức đỉnh xấp xỉ 115 điểm thiết lập vào tháng 9/2022, Dollar Index hiện đã giảm về ngưỡng 101 điểm, tương đương mức giảm gần 12,2%.
Trong nước, tỷ giá USD/VND cũng đã ổn định trong khoảng 2 tháng qua. So với đỉnh 24.888 đồng/USD (giá bán tại Vietcombank) ghi nhận hôm 25/10, đồng USD đã giảm hơn 5,1%.
Trao đổi với Mekong ASEAN, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia phân tích, mức tăng lãi suất 0,25% là điều được giới phân tích dự đoán từ trước. Tuy nhiên, phản ứng trước động thái này, chỉ số USD vẫn có xu hướng giảm. Điều này cho thấy tác động của đợt tăng lãi suất lần này với đồng USD không lớn, không gây ra việc tăng chỉ số USD như những lần trước đó.
"Theo đó, chỉ số USD tiếp tục giảm là một xu thế chắc chắn. Đây là điều có lợi cho nhiều đồng tiền nói chung trong đó có VND khi áp lực làm tăng tỷ giá hối đoái của VND so với USD không còn quá lớn", TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.
Phân tích rõ hơn, theo vị chuyên gia này, xu hướng các đồng tiền khác như Nhân dân tệ, Bảng Anh, Yên Nhật Bản,... đang tăng giá trị so với đồng dollar. Khi đó, áp lực tỷ giá không lớn nên áp lực lạm phát thông qua chỉ số hàng nhập khẩu cũng bị triệt tiêu, các yếu tố bên ngoài tác động đến lạm phát sẽ chỉ còn lại là vấn đề của giá cả thị trường thế giới, trong đó quan trọng nhất là giá nguyên nhiên vật liệu.
Mặt khác, các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,... đều đang rơi vào giai đoạn tăng trưởng thấp, có nguy cơ suy thoái nhẹ do cầu tiêu dùng giảm mạnh. Theo đó, chỉ số sản xuất (PMI) ở các quốc gia này giảm mạnh, đồng nghĩa giá cả thị trường thế giới đang ở mức thấp, nhất là các mặt hàng liên quan đến sản xuất.
"Như vậy, áp lực lạm phát của Việt Nam nói chung kể cả qua con đường tỷ giá hối đoái và giá vật liệu cơ bản đều không lớn. Đây là cơ hội để NHNN có thể tính toán đến việc nới lỏng một cách hợp lý chính sách tiền tệ hay tăng cung tiền để đảm bảo phục hồi kinh tế, gia tăng nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh", TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Ở một khía cạnh khác, ông Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để NHNN có thể phát đi thông điệp về việc giảm lãi suất. Vị chuyên gia này đánh giá, Việt Nam đã chứng kiến quý 4/2022 với mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm qua, cho thấy xu thế suy giảm tăng trưởng vẫn có thể kéo dài đến hết quý 1/2023, hy vọng có thể phục hồi vào giữa hoặc cuối quý 2/2023.
Do đó, đây là thời điểm để NHNN có thể tính đến việc điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất. Bởi trên thực tế, việc thay đổi cung tiền hay lãi suất đều cần một độ trễ chính sách nhất định, ông Nghĩa nhìn nhận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận