menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trịnh Ngọc Dũng Pro

Chính sách tiền tệ - Bài 3 - Mối quan hệ giữa tiền, giá và lạm phát

Trong phần này, chúng ta tìm hiểu mối quan hệ quan trọng giữa tiền và mức giá. Mối quan hệ này được thể hiện rõ nhất trong lý thuyết số lượng tiền tệ. Lý thuyết có thể được giải thích theo phương trình sau:

M × V = P × Y

Trong đó:

M là số lượng tiền

V là tốc độ lưu thông của tiền

P là mức giá trung bình

Y là sản lượng thực tế.

Lý thuyết này giả định rằng trong một khoảng thời gian nhất định, số tiền có trong nền kinh tế sẽ được sử dụng để mua tất cả hàng hóa và dịch vụ trong một nền kinh tế (M × V = P × Y). Thời gian gần đây chúng ta thấy hầu hết các nền kinh tế đều có xu hướng tăng “M” để kích thích tăng trưởng kinh tế tức là để “Y” tăng. Tuy nhiên, trong thời kỳ gián đoạn chuỗi cung ứng, “Y” tăng chậm hơn tốc độ tăng của “M” sẽ làm cho “P” tăng, vì theo lý thuyết, 2 vế luôn cân bằng. Thêm nữa, trong trường hợp tiền không được quay vòng nhờ sản xuất và tiêu thụ mà chảy 1 chiều vào tài sản tích luỹ thì “V” sẽ giảm. Đây là 2 nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề lạm phát duy trì ở mức tương đối cao tại một số nền kinh tế lớn như Mỹ/Châu Âu. Theo thông tin mới nhất thì các nước lớn đang tìm cách giảm đà tăng của “M” trước khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Vì khi chấm dứt dịch bệnh, “V” tăng lại sẽ làm vế “M x V” tiếp tục tăng (kể cả sau khi đã ngừng tăng M) và sẽ dẫn đến việc “P” (tức lạm phát) tăng ngoài khả năng kiểm soát.

Mỗi khi xảy ra lạm phát phi mã, chính phủ các nước luôn phải bỏ ra rất nhiều công sức để tái cân bằng và vấn đề này luôn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lâu dài. Lạm phát có thể phân biệt thành “lạm phát kỳ vọng (có thể dự đoán) - expected inflation” và “lạm phát bất ngờ (ko thể dự đoán) - unexpected inflation”.

Trong nền kinh tế hiện đại, với internet và tốc độ thông tin nhanh chóng, hiệu ứng của việc từ lo sợ lạm phát dẫn đến lạm phát thực tế (1 dạng tự thuyết phục bản thân - Self Persuasion) càng được nâng lên.

Để hiểu rõ hơn về lạm phát, hãy cùng xem xét những câu chuyện sau:

Hãy tưởng tượng một thế giới nơi lạm phát cao nhưng tất cả các mức giá (bao gồm cả giá tài sản) trong một nền kinh tế được tự động neo “hoàn hảo” theo lạm phát. Trong một thế giới như vậy, liệu các tác nhân kinh tế có quan tâm đến lạm phát? Chắc là không. Nếu giá trung bình của hàng hóa và dịch vụ tăng 5%, lương của mọi người (và tất cả các mức giá khác) sẽ tự động tăng tương đương, do đó sẽ khiến các tác nhân kinh tế thờ ơ với thông tin về lạm phát. Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả giá cả, tiền lương, tiền công, tiền thuê nhà, v.v. đều không được tự động neo theo lạm phát, trong trường hợp đó, các tác nhân kinh tế chắc chắn cần phải suy nghĩ về lạm phát cẩn thận hơn.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu lạm phát trong thế giới này vẫn hoàn toàn có thể dự đoán được, mặc dù giá không không được tự động neo theo lạm phát ? Trong thế giới tưởng tượng thay thế này, các tác nhân kinh tế sẽ phải suy nghĩ về lạm phát, nhưng không quá khó, miễn là họ có khả năng dự báo tác động của lạm phát với tất cả các mức giá trong tương lai. Vì vậy, nếu mọi người biết rằng lạm phát sẽ ở mức 5% trong năm tới, thì mọi người có thể mặc cả để tăng 5% lương của mình để đáp ứng điều này, và những nhà bán hàng có thể lên kế hoạch tăng giá hàng hóa và dịch vụ của họ 5%. Trong thế giới này, sự kỳ vọng về lạm phát 5% sẽ trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm.

Tuy nhiên, chu kỳ kinh tế khó khăn sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu lạm phát không thể đoán trước được. Lấy ví dụ trường hợp của một nhà sản xuất thép. Giả sử một ngày nhà sản xuất xem xét thị trường thép và thấy rằng giá thép trên thị trường đã bất ngờ tăng 10% (trong khi dự báo về lạm phát chỉ 5%). Với thông tin này, nhà sản xuất giả định rằng nhu cầu về thép đang tăng hoặc thị trường thiếu cung. Vì vậy, để tận dụng lợi thế của giá mới cao hơn, nhà sản xuất mở rộng nhà máy, sử dụng nhiều công nhân hơn và bắt đầu sản xuất nhiều thép hơn. Sau khi tăng sản lượng của nhà máy, nhà sản xuất sau đó cố gắng bán thêm nhiều thép hơn. Nhưng thật kinh hoàng, nhà sản xuất phát hiện ra rằng không có thêm nhu cầu đối với thép. Thay vào đó, giá thép tăng 10% là do giá các mặt hàng chung trên toàn nền kinh tế tăng 10% (do lạm phát đã được dự báo sai). Nhà sản xuất nhận ra rằng họ dư thừa quá nhiều hàng tồn kho, công suất nhà máy và công nhân. Vì vậy, họ cắt giảm sản xuất, cắt giảm lao động và nhận ra rằng họ sẽ không cần đầu tư thêm vào nhà máy hoặc máy móc mới trong một thời gian dài (vì vừa mới đầu tư xong và tồn kho còn nhiều). Từ đó làm kéo dài quãng thời gian khó khăn của chu kỳ kinh tế, nếu cực đoạn hơn sẽ là giảm phát khi phải giảm giá để đẩy tồn kho.

Nếu chúng ta mở rộng ví dụ này ra mức độ vĩ mô, sẽ không quá khó để tưởng tượng mức tăng hoặc giảm không lường trước được của lạm phát có thể làm trầm trọng thêm — và trong một số trường hợp cực đoan gây ra — bùng nổ kinh tế và đổ vỡ (booms and busts). (Bùng nổ khi giá tăng dẫn đến nhu cầu tích trữ tăng và đổ vỡ khi hàng hoá bị dư thừa quá nhiều)

Trong hai đến ba thập kỷ qua, các nhà kinh tế nhất trí rằng mức lạm phát cao và không lường trước được có thể tác động đến những thứ thực tế như việc làm, đầu tư và lợi nhuận, và do đó, kiểm soát lạm phát phải là một trong những “mục tiêu chính” của chính sách tiền tệ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Trịnh Ngọc Dũng Pro

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả